MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mong sớm giải ngân gói 40.000 tỉ đồng

Các doanh nghiệp rất cần nguồn vốn rẻ để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu trong giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Các doanh nghiệp rất cần nguồn vốn rẻ để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu trong giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Doanh nghiệp kỳ vọng rất lớn vào chương trình hỗ trợ 2% lãi suất cho vay để vực dậy các hoạt động sau giai đoạn khó khăn

Ngày 2-6, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết đang chờ thông tin triển khai chính thức từ phía ngân hàng (NH) thương mại để tiếp cận được chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước, theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NH Nhà nước.

Doanh nghiệp chờ giải ngân

Thông tin ngành NH triển khai gói 40.000 tỉ đồng để hỗ trợ 2% lãi suất cho các DN lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, hậu cần, logistics, sản xuất cơ khí được nhiều DN xem là "tin rất vui" vì họ sắp có nguồn vốn rẻ để vực dậy các hoạt động sau giai đoạn khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu…

Ông Phan Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP HCM, cho biết thông tin về chương trình hỗ trợ lãi vay 2% được các DN trong ngành rất quan tâm, vì sẽ góp phần hỗ trợ DN giảm chi phí tài chính. Hiện các DN đang trong giai đoạn phục hồi nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn do chuỗi cung ứng đứt gãy, dòng tiền về không ổn định, thị trường Mỹ, EU gặp khó vì lạm phát tăng…

"Nếu triển khai chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất 2% kịp thời sẽ là động lực rất lớn cho DN về cả tài chính và tinh thần. Với những DN có khoản vay lớn từ vài chục tỉ đồng đến vài trăm tỉ đồng, nếu giảm lãi suất 2% sẽ tiết kiệm được khoản chi phí đáng kể để tái đầu tư vào hoạt động sản xuất, công nghệ cho sản xuất hay chuyển đổi số" - ông Phan Văn Việt nói.

Đánh giá gói 40.000 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước sẽ góp phần hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh giảm bớt gánh nặng tài chính trong giai đoạn phục hồi, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, đề nghị cần có quy định rõ ràng, cụ thể về điều kiện, tiêu chí để người có nhu cầu vay dễ tiếp cận. Tránh tình trạng có gói hỗ trợ nhưng DN không với tới hoặc lúc tiếp cận được thì đã hết thời hạn triển khai. "DN cần chuẩn bị những hồ sơ gì, nộp ở đâu, thủ tục vay vốn NH như thế nào cần quy định rõ nhưng đừng quá phức tạp để giải ngân kịp thời" - ông Hưng nói.

Lĩnh vực du lịch vốn chịu thiệt hại nặng nề trong dịch Covid-19 và đang ở giai đoạn phục hồi nên các DN rất trông chờ thông tin giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%. Ông Nguyễn Khoa Luân, Tổng Giám đốc Công ty Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam (khai thác xe buýt 2 tầng ở TP HCM), cho biết đang có nhu cầu vay vốn để khôi phục hoạt động du lịch sau 2 năm khó khăn do dịch. "Chúng tôi đang ngóng thông tin triển khai chính thức, NH nào cho vay có ưu đãi lãi suất này, thủ tục ra sao, điều kiện giải ngân…" - ông nói.

Ông Đinh Vĩnh Cường, Chủ tịch Tập đoàn 365 Group, cho hay ông đã liên hệ với một số NH thương mại nhưng đều chưa được vay hay hỗ trợ lãi suất vì họ đang gặp vấn đề gì đó về nguồn vốn. "Rất mong các cơ quan chức năng nhanh chóng hỗ trợ để chúng tôi tiếp cận nguồn vốn này, đặc biệt là các DN cần vốn để nắm bắt cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, vì nhiều thị trường trên thế giới đang có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam" - ông Cường nói.

Ngân hàng còn dè dặt

Trong khi đó, nhiều NH thương mại vẫn chưa có động thái quyết liệt triển khai gói cho vay hỗ trợ lãi suất. Một trong những vướng mắc đến từ việc nhiều NH thương mại hiện hết hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng được cấp. Bởi muốn triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất này, NH phải được cấp hạn mức tín dụng thêm để giải ngân cho vay mới hoặc lập danh sách cụ thể các đối tượng thuộc lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất theo quy định.

"Việc chọn DN nào, chứng minh DN đó có khó khăn không, vì sao lại được hưởng hỗ trợ lãi suất mà không phải DN khác…là bài toán không đơn giản nên các NH cũng dè dặt trước khi giải ngân hoặc thống kê danh sách" - đại diện một NH giải thích.

Một lãnh đạo NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết NH vẫn đang hoàn thiện hướng dẫn triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất trên toàn hệ thống, bao gồm các giải pháp công nghệ sao cho việc hỗ trợ lãi suất được thuận tiện và hiệu quả. Trong đó, Vietcombank đang tính đến phương án khi thu lãi của khách hàng sẽ giảm trừ ngay 2% lãi suất nhằm bảo đảm việc sử dụng ngân sách.

Trong khi đó, NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã thông báo cho khách hàng về việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm đối với các khoản vay được giải ngân từ ngày 1-1-2022 đến 31-12-2023. Theo đó, để được giảm trừ 2% lãi vay, Agribank yêu cầu khách hàng có đơn đề nghị được hỗ trợ lãi suất, đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật và quy định nội bộ của NH; sử dụng vốn đúng mục đích…

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều 2-6, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NH Nhà nước - Chi nhánh TP HCM, cho biết đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tổ chức triển khai thực hiện Thông tư 03 của NH Nhà nước hướng dẫn các NH thương mại triển khai theo Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh.

"Chúng tôi đã yêu cầu các NH thương mại tổ chức xây dựng quy trình nghiệp vụ, tập huấn và hướng dẫn thực hiện trong toàn hệ thống. Đồng thời thông tin, tư vấn, hướng dẫn khách hàng, DN để có thể nắm bắt và tiếp cận kịp thời chính sách hỗ trợ của Chính phủ và NH Nhà nước, bảo đảm tổ chức thực hiện tốt và đưa chính sách đi vào thực tiễn có hiệu quả" - ông Lệnh nói.

Ngành nào hưởng lợi?

Ở góc độ đầu tư, kinh doanh, các chuyên gia kinh tế của Công ty CP Chứng khoán Agribank (Agriseco) kỳ vọng chương trình hỗ trợ lãi suất lần này sẽ tạo cú hích để các DN đẩy nhanh quá trình phục hồi. DN trong các ngành như dịch vụ hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; nhóm ngành sản xuất - xuất khẩu... sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ gói hỗ trợ này.

"Ước tính dư nợ hỗ trợ lãi suất trong 2 năm tới khoảng 1 triệu tỉ đồng/năm trên tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống hiện tại khoảng 11 triệu tỉ đồng. Như vậy, tỉ trọng dư nợ được hỗ trợ lãi suất trung bình năm/tổng dư nợ toàn hệ thống lần này ước tính ở mức 9%" - các chuyên gia của Agriseco tính toán.

T.Phương

Theo Thái Phương- Thy Thơ - Phương An

Người lao động

Trở lên trên