Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam, các ngân hàng hưởng lợi gì?
Việc nâng hạng hệ số tín nhiệm quốc gia là cơ sở để Moody’s thực hiện các động thái tương tương tự đối với các ngân hàng thương mại. Điều này sẽ hỗ trợ hoạt động huy động vốn giá rẻ trên thị trường quốc tế của các nhà băng, đồng thời nâng cao chỉ số CAR trong thời gian tới.
Ngày 6/9, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (Moody’s) đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định.
Moody’s nâng hạng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức Ba2 phản ánh đánh giá của tổ chức này về sức mạnh kinh tế ngày càng được tăng cường và khả năng chống chịu của Việt Nam trước các "cú sốc" vĩ mô bên ngoài được ghi nhận là tốt hơn so với các nước cùng mức xếp hạng tín nhiệm, thể hiện hiệu quả chính sách được cải thiện.
Việc nâng hạng hệ số tín nhiệm quốc gia là cơ sở để Moody’s thực hiện các động thái tương tương tự đối với các tổ chức kinh tế trong nước, đặc biệt là các ngân hàng thương mại. Điều này sẽ giúp nâng cao uy tín và hỗ trợ hoạt động huy động vốn nước ngoài của các nhà băng.
Được biết, xu hướng vay vốn trên thị trường quốc tế đang được nhiều ngân hàng đẩy mạnh trong thời gian gần đây.
Mới nhất, Techcombank đã huy động được hơn 1 tỷ USD khoản vay hợp vốn từ nước ngoài trong tháng 7. Trước đó, ngân hàng này cũng đã tiếp cận thị trường cho vay hợp vốn quốc tế vào tháng 10 năm ngoái, với khoản vay trị giá 800 triệu USD.
Hồi giữa tháng 6 vừa qua, Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (DFC) cho biết đã phê duyệt khoản vay có giá trị lên tới 200 triệu USD cho SeABank. Vào tháng 4, VPBank cũng thông báo đã rút vốn thành công toàn bộ khoản vay hợp vốn quốc tế trị giá 600 triệu USD, kỳ hạn 3 năm.
Cuối tháng 3 vừa qua, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Tế (VIB) công bố thỏa thuận khoản vay hợp vốn trị giá 260 triệu USD, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cá nhân kinh doanh đồng thời đẩy mạnh tài trợ vốn mua, sửa chữa nhà cho khách hàng cá nhân.
Theo thỏa thuận, đây là khoản vay tín chấp có thời hạn 3 năm, bao gồm khoản vay trực tiếp trị giá 100 triệu USD từ ADB và khoản vay hợp vốn trị giá 160 triệu USD do ADB và ngân hàng United Overseas Bank (UOB) đồng thu xếp từ 9 định chế tài chính hàng đầu châu Á.
Theo giới phân tích, các khoản vay quốc tế không chỉ giúp tiết kiệm chi phí vốn mà còn hỗ trợ các ngân hàng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn trung và dài hạn bằng nội tệ và ngoại tệ ngày càng cao của khách hàng. Qua đó giúp các nhà băng có đà tăng tốc hơn trong quý cuối của năm 2022 và những năm tới.
Trước đó, Moody's cũng đã có báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng Việt Nam với nhận định hiệu quả kinh doanh sẽ cải thiện khi tác động từ đại dịch Covid- 19 suy giảm.
Theo Moody's, kết quả tài chính của các ngân hàng Việt Nam đã diễn biến tích cực trong năm 2021 bất chấp ảnh hưởng từ sự bùng phát của dịch bệnh. Doanh thu tăng đáng kể khi tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) tiếp tục mở rộng, điều này dẫn đến tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) gia tăng dù phải đẩy mạnh dự phòng rủi ro cho vay. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ có vấn đề giảm nhờ các biện pháp hỗ trợ của các cơ quan quản lý, trong khi sức khỏe nguồn vốn được cải thiện.
Hãng xếp hạng này cho biết, ROA bình quân của các ngân hàng được xếp hạng đã tăng lên 1,4% vào năm 2021 từ mức 1,2% trong năm 2020 nhờ thu nhập lãi thuần gia tăng. Trong đó, NIM mở rộng nhờ chi phí huy động giảm trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dồi dào và đẩy mạnh thu hút tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm lãi suất thấp.
Moody's dự báo ROA của các ngân hàng được xếp hạng sẽ tiếp tục tăng trong 2022 khi áp lực dự phòng rủi ro giảm dần.
Cụ thể, tỷ lệ nợ có vấn đề/tổng dư nợ cho vay tại các ngân hàng được xếp hạng đã giảm xuống 1,7% vào cuối năm 2021 từ mức 1,9% một năm trước đó. Số liệu của đơn vị này cho thấy, ba ngân hàng có chi phí tín dụng thấp nhất hệ thống trong hai năm gần nhất là LienVietPostBank, ACB, VIB. Moody's dự báo tỷ lệ nợ có vấn đề sẽ ổn định và áp lực dự phòng tại các ngân hàng sẽ giảm trong năm 2022 do hầu hết có đủ bộ đệm rủi ro.
Nhịp sống Kinh tế