MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Moody’s xem xét hạ tín nhiệm 3 công ty tài chính và 2 ngân hàng

08-04-2020 - 17:52 PM | Tài chính - ngân hàng

Moody's cho biết đang xem xét hạ tín nhiệm 3 công ty tài chính gồm FE Credit, Home Credit Việt Nam, SHB Finance. 2 ngân hàng là VPBank (sở hữu FE Credit) và SHB (sở hữu SHB Finance).

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đang xem xét việc hạ bậc tín nhiệm của 3 công ty tài chính và 2 ngân hàng Việt Nam. 3 công ty tài chính này bao gồm FE Credit, Home Credit Việt Nam, SHB Finance. 2 ngân hàng là VPBank (sở hữu FE Credit) và SHB (sở hữu SHB Finance). 

Theo Moody’s, sự lan rộng nhanh chóng của dịch Covid-19 đã làm suy giảm triển vọng kinh tế toàn cầu, cùng với việc giá dầu giảm, các tài sản khác cũng giảm đã tạo nên cú sốc tín dụng nghiêm trọng và rộng khắp trên nhiều lĩnh vực, khu vực. Ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam dễ bị tổn thương trước cú sốc này. 

Việc xem xét của Moody’s phản ánh tác động của Covid-19 tới các công ty tài chính tiêu dùng tại Việt Nam và ngân hàng mẹ của những công ty này về sự suy giảm chất lượng tín dụng do dịch bệnh gây ra. 

Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế đi lại của người dân, cùng các biện pháp cách ly xã hội trên toàn quốc. Chính phủ cũng đã thực hiện cũng đã công bố nhiều chính sách hỗ trợ, chẳng hạn như hạ lãi suất điều hành, khuyến khích các tổ chức tài chính hỗ trợ cho những doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đồng thời hoãn các khoản thanh toán an sinh xã hội. Moody’s cho rằng, thành công của biện pháp này sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng cũng như thời gian kéo dài của dịch bệnh. 

Việc xem xét hạ bậc tín nhiệm của FE Credit, Home Credit và SHB Finance cho thấy quan điểm của Moody’s rằng cú sốc kinh tế do Covid-19 gây ra có thể tác động tiêu cực đến chất lượng tài sản, lợi nhuận và thanh khoản của các công ty tài chính. 

FE Credit, Home Credit và SHB Finance là những công ty tài chính tiêu dùng hoạt động mạnh tại Việt Nam. Những công ty này có các sản phẩm cho vay không đảm bảo và nhắm tới phân khúc dân số có thu nhập thấp, nhưng cũng là những người dễ bị tổn thương trước các cú sốc kinh tế. Sự gia tăng thất nghiệp, dự kiến sẽ làm suy yếu khả năng trả nợ của người vay trong phân khúc này, do nguồn thu nhập không ổn định và hạn chế. 

Ngoài ra, thanh khoản của các công ty tài chính tiêu dùng có thể xấu đi khi họ không được nhận tiền gửi từ cá nhân mà chủ yếu dựa vào các khoản tài trợ từ các tổ cức như vay liên ngân hàng, phát hành chứng chỉ tiền gửi. Sự phụ thuộc này khiến họ gặp rủi ro tái cấp vốn tiềm ẩn, nếu sự gián đoạn đối với thị trường tài chính vẫn còn hiện hữu. 

Trong khi đó, việc xem xét hạ bậc xếp hạng của VPBank là do ảnh hưởng của FE Credit tới ngân hàng hợp nhất. Các khoản vay của FE Credit chỉ chiếm 22% trong tổng cho vay của ngân hàng hợp nhất, nhưng là nhân tố thúc đẩy doanh thu chính, đóng góp tới 43% lợi nhuận trước thuế cho ngân hàng vào năm 2019. Bất kỳ sự suy yếu nào từ FE Credit đều có thể gây áp lực lên chất lượng tài sản và lợi nhuận của VPBank.

Còn với ngân hàng SHB, Moody’s dự kiến sự suy giảm tín dụng của SHB Finance sẽ chỉ có tác động khiêm tốn đến ngân hàng mẹ vì công ty con chỉ chiếm 1% tổng tài sản hợp nhất vào cuối tháng 6/2019. Chất lượng tài sản của SHB cũng đã được cải thiện vào năm 2019 sau khi có những giải pháp quyết liệt với nợ xấu. Việc xem xét hạ bậc với SHB là do kỳ vọng các khoản vay của ngân hàng cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam (chiếm 31% tổng dư nợ) sẽ gây rủi ro tài sản mới, vì những doanh nghiệp SMEs có bộ đệm tài chính hạn chế trước các cú sốc sụt giảm doanh thu.

Việc nâng cấp cho những TCTD trên là không thể, nhưng việc hạ bậc thì đang được Moody’s xem xét. Tuy nhiên, hãng xếp hạng tín nhiệm này có thể xác nhận xếp hạng với triển vọng ổn định hoặc tiêu cực phụ thuộc vào điều kiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam và mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. 

Moody’s xem xét hạ tín nhiệm 3 công ty tài chính và 2 ngân hàng - Ảnh 1.

Ngọc Bích

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên