MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Morgan Stanley chỉ thu được 25.000 USD phí tư vấn từ thương vụ bán 9% cổ phần của Vinamilk

Financial Times nhận định đây là mức giá khá “bèo” và là ví dụ mới nhất thể hiện các ngân hàng đầu tư phương Tây đang gặp khó khăn như thế nào khi hoạt động ở châu Á.

Theo Financial Times đưa tin, ngân hàng Morgan Stanley đã chấp nhận mức phí 25.000 USD để tư vấn cho thương vụ bán lượng cổ phần trị giá 800 triệu USD của Vinamilk, thấp hơn rất nhiều so với con số 120 triệu USD mà ngân hàng này thu được từ thương vụ M&A giữa Monsanto và Bayer.

Tờ báo này nhận định đây là mức giá khá “bèo” và là ví dụ mới nhất thể hiện các ngân hàng đầu tư phương Tây đang gặp khó khăn như thế nào trong hoạt động ở châu Á – thị trường vẫn đang dè dặt trong việc trả phí cho đơn vị tư vấn.

Morgan Stanley là một trong những bên tham gia tư vấn cho thương vụ bán 9% cổ phần trị giá 823 triệu USD (ở thị giá hiện tại) của Vinamilk – một trong những cổ phiếu được giao dịch sôi động nhất trên thị trường chứng khoán Việt. Một số ngân hàng không tham gia vào thương vụ này đã tỏ ra ngạc nhiên với mức phí quá thấp mà Morgan Stanley đã chấp nhận, dù biết rằng các tập đoàn nhà nước thường yêu cầu mức giá thấp.

Một lãnh đạo ngân hàng nói rằng Morgan Stanley “gần như sẽ chẳng thu được gì từ nhà phát hành”. Tuy nhiên ông cho biết ngân hàng của ông sẽ sẵn sàng chấp nhận mức phí tư vấn thấp như vậy vì có thể sẽ thu được khoản tiền phí môi giới cao hơn từ thương vụ này.

Phí môi giới là một phần của giao dịch và trong trường hợp này sẽ đánh vào bên mua cổ phiếu Vinamilk. Mức phí có thể lên đến 1% giá trị giao dịch, có nghĩa là tổng số phí mà Morgan Stanley và các công ty môi giới trong nước gồm công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) và Vina Capital có thể thu được là 8 triệu USD.

Theo số liệu từ Dealogic, Morgan Stanley đang dẫn đầu trong bảng xếp hạng các ngân hàng tư vấn cho các thương vụ trên thị trường châu Á ngoại trừ Nhật Bản và Trung Quốc đại lục. Kể từ đầu năm đến nay họ đã thu được khoảng 119 triệu USD tiền phí các loại.

Trong khi đó châu Á Thái Bình Dương ngoại trừ Nhật Bản là khu vực duy nhất trên thế giới chứng kiến phí ngân hàng đầu tư tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên mức tăng 13% không thể bù đắp những khó khăn ở thị trường này như sự manh mún và lợi suất thấp hơn rất nhiều so với Mỹ và châu Âu.

Một số ngân hàng như Barclays, RBS và Deutsche Bank đã phải cắt giảm hoạt động ở châu Á. Mới đây nhất Goldman Sahchs tuyên bố giảm 15% nhân sự ở châu Á.

Tuy nhiên trong bối cảnh ấy Việt Nam lại trở thành một điểm sáng nhờ nỗ lực cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Thanh Thanh

FT

Trở lên trên