MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một biến tướng của điều kiện kinh doanh?

Theo các chuyên gia và một số doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, điểm khá rõ trong lập luận của Bộ Công Thương chính là việc cơ quan này đang tìm mọi cách để được giữ lại quy định về giấy phép trong Thông tư 20.

Thậm chí, Bộ này đang tìm cách để “đẻ” thêm điều kiện kinh doanh khác khi “đề nghị giao Bộ GT-VT phối hợp xây dựng các quy định có tác dụng tương đương Thông tư 20”.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 18/8, Bộ Công Thương khẳng định Thông tư 20 đơn thuần là một thủ tục hành chính và cần phải tiếp tục duy trì đến khi có quy định mới. Bộ này cũng, cho rằng Thông tư 20 không được ban hành để “hạn chế nhập khẩu” hoặc “kiềm chế nhập siêu” (trong khi tại thời điểm ban hành Bộ Công Thương khẳng định Thông tư ra đời nhằm giúp kiểm soát nhập siêu và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng).

Dù thừa nhận Thông tư 20 chưa phải là giải pháp toàn diện nhất và tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo đảm an toàn giao thông, nhưng Bộ Công Thương vẫn đề xuất Thủ tướng không chấp thuận đề xuất rút ngành nghề “Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô” khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014. Thậm chí, bộ này đề nghị “đẻ” giấy phép khác bằng cách kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan ban hành sớm các quy định trong nước có tác dụng tương đương Thông tư 20.

“Mục tiêu quan trọng của Thông tư 20 khi đưa ra năm 2011 chính là nhằm làm giảm nhập siêu, bảo hộ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mục tiêu giảm nhập siêu đã không đạt được và bảo hộ công nghiệp ô tô trong nước cũng không có nhiều ý nghĩa. Lượng xe nhập khẩu vẫn gia tăng qua các năm. Trong khi đó, sự độc quyền nhập khẩu đang mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các DN lớn”, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên An Phúc nói với chúng tôi,

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn, tại thời điểm ban hành Thông tư 20 năm 2011, những người chấp bút soạn thảo tại Bộ Công Thương khẳng định, Thông tư sẽ là biện pháp mạnh để dẹp loạn tình trạng nhập khẩu ô tô. Thậm chí, thông tư còn quy định thời gian thực hiện và các DN nhập khẩu ô tô chỉ có 45 ngày để “chạy” các giấy phép liên quan, cũng như đáp ứng các điều kiện được coi là “bất khả thi” về giấy phép ủy quyền chính hàng. Nhiều doanh nghiệp đã ví Thông tư 20 như là “giấy bức tử” DN. Thực tế sau khi thông tư được áp dụng, số DN tham gia nhập khẩu ô tô đã giảm mạnh từ 539 về còn 58 doanh nghiệp

Giám đốc điều hành một DN nhập khẩu lớn có trụ sở tại Hà Nội cũng cho rằng, đến nay việc áp dụng những quy định tại Thông tư 20 đã không thực sự góp phần kiềm chế nhập siêu. Nếu tiếp tục áp dụng dễ nảy sinh tình trạng DN lớn độc quyền phân phối ô tô, gây mất công bằng trong hoạt động kinh doanh.

“Là điều kiện kinh doanh, không phải thủ tục hành chính”

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng ban pháp chế Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), ông Đậu Anh Tuấn khẳng định Thông tư 20 là một loại điều kiện đầu tư, kinh doanh chứ không chỉ là thủ tục hành chính như Bộ Công Thương lý giải. Ở đây chủ thể bị áp đặt điều kiện là doanh nghiệp, là thương nhân chứ không phải là hàng hoá. Chỉ có một số DN đáp ứng điều kiện (là có giấy uỷ quyền chính hãng) thì được kinh doanh nhập khẩu ô tô còn chủ thế khác thì không. Điều kiện có giấy uỷ quyền chính hãng này tác động trực tiếp tới thương quyền, quyền kinh doanh của doanh nghiệp, khác với thủ tục về an toàn vệ sinh thực phẩm hay thủ tục về xác nhận xuất xứ.

Lý giải thêm về việc giấy uỷ quyền chính hãng chính là điều kiện kinh doanh, theo ông Tuấn, việc có hay không giấy chứng nhận uỷ quyền chính hãng sẽ quyết định hành vi đầu tư hay kinh doanh nhập khẩu ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống của DN. Khác với các điều kiện đầu tư kinh doanh khác, có chăng ở đây việc chứng minh quyền kinh doanh với DN được Nhà nước trao cho hãng sản xuất ô tô.

Giấy uỷ quyền chính hãng quy định trong Thông tư 20 là loại DN phải đáp ứng sau. “Cần phải đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Bảo vệ người tiêu dùng quan trọng nhất là đảm bảo cạnh tranh”, ông Tuấn nói và cho rằng Việt Nam nên khuyến khích nhập khẩu song song đối với mặt hàng ô tô để giảm độc quyền của các hãng lớn và giảm giá thành.

Đại diện VCCI cũng cho rằng, về tiêu chuẩn bảo hành, hiện nay Việt Nam đã có tương đối đủ chính sách, quy định để bảo vệ người tiêu dùng kể cả quy định về triệu hồi xe. Vì vậy, nên tăng cường vai trò và hiệu quả của hệ thống đăng kiểm nhà nước chứ không phải dùng hệ thống bảo hành của hãng để thay thế việc kiểm soát này được.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong các năm 2014, 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, lượng xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhập khẩu đã tăng cả số lượng và trị giá. Cụ thể, năm 2014 số xe ô tô nhập khẩu tăng lên khoảng 29.700 chiếc (năm 2013 là 11.700 chiếc), năm 2015 số xe nhập khẩu tăng mạnh lên là khoảng 49.400 chiếc. Còn trong 6 tháng đầu năm nay số xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi chưa qua sử dụng nhập khẩu về khoảng 19.500 chiếc.

Theo Phạm Tuyên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên