Một bộ phim giúp lượng khách tăng 300%, đây là cách các nước trên thế giới làm du lịch ăn theo phim ảnh
Ngành công nghiệp du lịch đã đạt đến trạng thái bão hòa. Nhờ công nghệ, khách du lịch có nhiều kinh nghiệm hơn và ngày càng khó tính. Ngày nay cách hiệu quả để thu hút khách du lịch đến với một địa điểm không chỉ đơn giản là quảng bá điểm đến và ngồi im chờ đợi.
- 07-01-2017Việt Nam xuất hiện trong thước phim cảm động gói gọn 8 năm làm Tổng thống của Barack Obama
- 08-04-2016“Sói già phố Wall” và scandal của Thủ tướng Malaysia: Chuyện phim bước ra đời thực
- 10-03-2016Không phải kịch bản, đây mới là bí quyết tạo nên 1 bộ phim bom tấn Hollywood
Cinematic tourism là gì?
Nằm ở ngay chính giữa lòng châu Âu, đấu trường La Mã là một địa danh không thể bỏ qua nếu như bạn muốn chứng kiến phần nào sự hùng mạnh của đế chế La Mã. Nổi danh trên toàn thế giới, nơi đây luôn đầy ắp khách du lịch.
Tuy nhiên, vào đầu những năm 2000, địa danh này đã gặp phải một “cuộc khủng hoảng”. Chính phủ Italy nhiều lần bị chỉ trích vì không cung cấp đủ cơ sở vật chất cơ bản cho khách tham quan. Số quán café để khách nghỉ chân quá ít, việc soát vé thì quá lâu… Bộ trưởng Văn hóa của nước này là Giuliano Urbani đưa ra ý tưởng tư nhân hóa đấu trường La Mã. Và có vẻ như nhiều doanh nghiệp Italy cũng háo hức muốn đầu tư vào đây để khai thác tiềm năng du lịch vừa mới vụt tăng.
Họ là những “đấu sĩ” hiện đại của thành Rome đang cố gắng tận dụng cơn sốt du lịch bùng nổ sau khi bộ phim bom tấn Gladiator (Võ sĩ giác đấu) của đạo diễn Ridley Scott lập kỷ lục tại các phòng vé trên khắp thế giới. Sau khi thích thú với những cảnh quay trên màn ảnh, nhiều đoàn khách du lịch tìm tới đây để trải nghiệm thực tế.
Ngành công nghiệp du lịch đã đạt đến trạng thái bão hòa. Nhờ công nghệ, khách du lịch có nhiều kinh nghiệm hơn và ngày càng khó tính hơn cả trong cách chọn điểm đến và các hoạt động họ sẽ tham gia. Vốn đã là ngành có tính cạnh tranh cao, ngày nay cách hiệu quả để thu hút khách du lịch đến với một địa điểm không chỉ đơn giản là quảng bá điểm đến và ngồi im chờ đợi. Theo như hai tác giả Ashworth và Goodall viết năm 1990, ý tưởng “quảng cáo những địa điểm du lịch đã tồn tại” giờ đã là lạc hậu. Bây giờ, làm du lịch phải theo kiểu “phát minh ra những địa điểm mới để bán tour du lịch”.
Trong bối cảnh này, "du lịch điện ảnh" - cinematic tourism - chính là một cách làm thông minh. "Võ sĩ giác đấu" chính là ví dụ về một xu hướng ngày càng thịnh hành trong ngành du lịch thế giới mấy chục năm trở lại đây: nhiều khách du lịch bắt đầu tới thăm những địa điểm xuất hiện trong các bộ phim hay series phim truyền hình không trực tiếp liên quan đến các chiến dịch quảng bá du lịch.
Hiện tượng này được gọi tên bằng nhiều cụm từ khác nhau như “du lịch điện ảnh”, “du lịch xuất phát từ phim”… Tuy nhiên, dù gọi là gì đi chăng nữa thì những cụm từ này đều thể hiện mối liên kết giữa du lịch (trong những dạng mới, ví dụ như tới các địa điểm ghi hình để khám phá câu chuyện xung quanh bộ phim hoặc tìm hiểu về văn hóa của địa điểm này) và truyền thông (ở đây là những bộ phim), trong bối cảnh công nghệ bùng nổ với sự ra đời của nhiều loại hình giải trí và việc di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Một bộ phim bằng cả một chiến dịch quảng bá du lịch công phu
Quảng cáo các địa điểm du lịch bằng những mẩu quảng cáo truyền thống trên các kênh radio, báo chí, tivi, tạp chí là cách khá tốn kém. Ví dụ, châu Âu – khu vực thu hút nhiều khách du lịch nước ngoài nhất trên thế giới – đã chi tổng cộng 600 triệu euro trong năm 2007 cho các chiến dịch quảng cáo. Thái Lan cũng chi 1,2 tỷ baht cho các chiến dịch quảng cáo với hi vọng sẽ gây ấn tượng mạnh với những khách hàng tiềm năng.
Tuy nhiên, cách làm này không đem lại nhiều hiệu quả như trước. Mỗi ngày người tiêu dùng gặp hàng trăm mẩu quảng cáo (cả trên giấy in lẫn trên truyền hình và giờ là cả mạng xã hội), do đó sẽ rất khó để thông tin đọng lại và tạo hiệu ứng lâu dài.
Đối với các địa điểm, những bộ phim không chỉ giúp tăng doanh thu trong ngắn hạn mà còn hứa hẹn triển vọng về dài hạn. Không ngoa khi nói rằng chỉ cần vài cảnh quay trong một bộ phim bom tấn cũng có thể mang lại hiệu quả cao hơn hẳn so với một chiến dịch xúc tiến du lịch công phu theo lối truyền thống. Làm du lịch ăn theo phim ảnh ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong ngành du lịch.
Trên khắp thế giới, nhiều địa điểm đã trở thành điểm nóng du lịch nhờ các bộ phim. Ăn theo “Sex and the City”, hàng trăm nhà hàng, quán bar và cửa hàng mua sắm đã trở thành điểm mà các du khách phải đến khi tới New York. Bộ phim Hàn Quốc “Nấc thang lên thiên đường” được quay ở nhiều nơi, nhưng sau khi bộ phim lên sóng vòng quay tại Lotte World trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng đối với các du khách châu Á.
Lợi ích đầu tiên có thể kể đến là lượng khách sẽ tăng đột biến. Các địa điểm này có thể thu hút khách suốt cả 4 mùa, giúp khắc phục yếu tố mùa vụ đặc trưng của ngành du lịch.
Theo số liệu từ Oxford Economics, ngành du lịch ăn theo phim đã đóng góp 1.9 tỷ bảng vào nền kinh tế Anh trong năm 2009. 3 triệu trong số 30 triệu khách nước ngoài đến Anh vì những cảnh quay trong các bộ phim đình đám như Harry Porter, Sherlock Holmes hay Kiêu hãnh và định kiến. Địa điểm được ưa chuộng nhất là lâu đài Alnwick nơi được chọn để dựng cảnh trường phù thủy Hogwart hay công viên Basildon, nơi nhiều phần của bộ phim Kiêu hãnh và định kiến được quay.
Đó là lợi ích ngắn hạn, về dài hạn, bộ phim sẽ nâng cao giá trị văn hóa của địa điểm. Không có câu chuyện trong phim, một tòa lâu đài sẽ không có quá nhiều khác biệt so với những lâu đài xung quanh. New Zealand là một ví dụ. Sau series “Chúa tể những chiếc nhẫn”, website quảng bá du lịch của nước này treo ngay khẩu hiệu “Home of Middle – earth”. New Zealand còn là nơi ghi hình của nhiều bộ phim như “The Last Samurai”, “Whale Rider” và “Perfect Strangers”.
Ở New Zealand có nhiều website quảng cáo du lịch ăn theo bộ phim "Chúa tể của những chiếc nhẫn" như thế này
Vòng quay làm bối cảnh cho bộ phim "Nấc thang lên thiên đường" cũng thu hút được rất nhiều khách du lịch.