MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một cán bộ mỗi năm thực hiện thu-chi 80 tỷ, lương 8 triệu, 14 người xin nghỉ kể từ đầu năm

11-05-2018 - 11:28 AM | Xã hội

"Tất cả các địa phương đều nói không có ngành nào làm việc như ngành Bảo hiểm xã hội... Nhiều con em của các lãnh đạo không chịu được áp lực nên đã xin nghỉ", Tổng Giám đốc BXHVN cho biết.

Mức lương hiện tại chưa tạo được sự yên tâm công tác của cán bộ, công chức

Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII  đã làm việc tại hội trường thảo luận về Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Đã có 15 Ủy viên Trung ương phát biểu ý kiến, trao đổi thẳng thắn về đề án này.

Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải, thực tiễn 20 năm qua cho thấy mong muốn cải cách tiền lương không thực hiện được. Nguyên nhân chủ yếu là không triệt để đưa các loại chi phí vào lương. Chính vì thế, trả lương không xác đáng mà bình quân, cào bằng.

Thứ hai, nguồn lực có hạn, lương được điều chỉnh nhiều lần nhưng đến nay vẫn thấp, không theo kịp mặt bằng thị trường.

Đặc biệt quy định mặt bằng lương theo hệ số nên làm mất ý nghĩa tiền lương.

Thứ ba, quá trình thực hiện tiền lương lại phát sinh phụ cấp và thu nhập ngoài lương.

"Đặc biệt, ban hành và quyết định phụ cấp thu nhập tăng thêm không theo nguyên tắc nào, dẫn đến phụ cấp đặc thù, làm cho méo mó quan hệ tiền lương, mất đi vai trò ý nghĩa của tiền lương, nhất là tiền lương không còn là vai trò chính và là động lực của cán bộ công chức", đồng chí Ngô Đông Hải đánh giá.

Các đại biểu cũng đã chỉ ra nhiều hệ lụy từ bất cập trong chính sách tiền lương, đặc biệt là lương khu vực công thấp, không khuyến khích được người lao động, không thu hút được nhân tài vào làm việc tại khu vực này.

 Một cán bộ mỗi năm thực hiện thu-chi 80 tỷ, lương 8 triệu, 14 người xin nghỉ kể từ đầu năm - Ảnh 1.

Phiên thảo luận Đề án cải cách chính sách tiền lương tại Hội nghị Trung ương 7. Ảnh: TTXVN

Tại Hội nghị, Phó Chánh án Lê Hồng Quang bày tỏ ý kiến, hiện thu nhập của cán bộ, công chức còn thấp, không thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc.

Việc giải quyết tiền lương và phụ cấp chưa đồng bộ so với yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án trong sạch, vững mạnh theo yêu cầu cải cách tư pháp; không tạo được tính cạnh tranh trong đội ngũ cán bộ, công chức, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động công vụ.

"Một số bất hợp lý của hệ thống tiền lương hiện hành chưa tạo được sự yên tâm công tác lâu dài và thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao đối với đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án," Phó Chánh án Lê Hồng Quang cho hay.

Còn tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mến cho biết trung bình một nhân viên cơ quan này mỗi năm thực hiện thu-chi khoảng 80 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, mỗi nhân viên còn phải thực hiện các công việc khác như đốc thu, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội...

Khối lượng công việc lớn, áp lực cao nhưng hiện nay mức thu nhập bình quân của nhân viên chỉ từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Chính vì thế, nhiều nhân viên đã xin nghỉ việc. Từ năm 2013 đến nay, có 192 người nghỉ việc. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay đã có 14 người xin nghỉ, trong đó có cả nhân sự cấp trưởng, phó phòng.

Ông Mến lo ngại tình trạng nhân viên nghỉ việc hàng loạt sẽ còn tiếp diễn, khi số lượng thu – chi hàng năm của Bảo hiểm xã hội Thành phố tăng lên từ 18-25%.

"Tất cả các địa phương đều nói không có ngành nào làm việc như ngành Bảo hiểm xã hội, làm cả thứ 7, chủ nhật và vi phạm luôn Luật Bảo hiểm xã hội. Có nhiều con em của các lãnh đạo không chịu được áp lực nên đã xin nghỉ," báo TTXVN ghi lời Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam nguyễn Thị Minh tại Hội nghị.

Đề án đưa ra 2 phương án cải cách tiền lương

Phương án 1 mở rộng quan hệ lương từ 1 – 2,34 – 10 như hiện nay lên 1 – 2,68 – 12 từ năm 2021. Theo đó, mức lương thấp nhất của công viên chức trong bảng lương mới (tương ứng với hệ số 1,86 - trình độ trung cấp trong bảng lương hiện hành) là 4,14 triệu đồng, tăng 11,3% so với năm 2020. Trong khi mức lương tương ứng hiện nay tính theo lương cơ sở được tăng lên 1,39 triệu từ 1/7 tới đây chỉ gần 2,6 triệu đồng.

Mức lương của chuyên viên bậc 1 (tương ứng hệ số 2,34 - trình độ đại học hiện nay) là 5,96 triệu đồng, tăng 27,4% so với năm 2020. Trong khi đó mức lương tương ứng với hiện nay chỉ hơn 3,25 triệu đồng.

Đáng chú ý là mức lương của chuyên gia cao cấp bậc 3 (tương ứng với hệ số 10 hiện hành) là 26,7 triệu đồng, tăng 33,5% so với năm 2020. Trong khi, mức lương tương ứng hiện nay chỉ 13,9 triệu.

Phương án 2 tăng mạnh hơn với việc mở rộng quan hệ tiền lương từ 1 – 2,34 – 10 hiện hành lên 1 – 3 – 15 từ năm 2021.

Theo đó, mức lương thấp nhất của công viên chức vẫn tăng như phương án 1 là 4,14 triệu nhưng chuyên viên bậc 1 tăng lên 6,68 triệu (tăng 42,7% so với 2020); chuyên gia cao cấp bậc 3 tăng lên 33,4 triệu đồng (tăng 67% so với 2020).

Với mức tăng này, so với mức lương hiện nay thì lương chuyên viên bậc 1 tăng hơn gấp đôi; chuyên gia cao cấp bậc 3 tăng gần gấp 3.

 Một cán bộ mỗi năm thực hiện thu-chi 80 tỷ, lương 8 triệu, 14 người xin nghỉ kể từ đầu năm - Ảnh 2.

Đại biểu phát biểu thảo luận về Đề án cải cách chính sách tiền lương. Ảnh: TTXVN

Trả lời VietNamNet, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng LĐ-TB-XH cho rằng, việc đề án đưa ra lộ trình tăng lương từ năm 2021 là để nâng mức lương khu vực công tiệm cận với khu vực doanh nghiệp, hướng theo thị trường.

Bình luận về việc điều chỉnh mức lương của chuyên gia cao cấp bậc 3, hệ số 10 (tương đương cấp bộ trưởng) lên hơn 33 triệu, ông Huân cho rằng: "So với bây giờ là quá đột biến!".

"Năm 1993, khi chúng tôi làm cải cách tiền lương, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Trần Đình Hoan lúc bấy giờ chỉ ước ao đến năm 2000 lương bộ trưởng được 1.000 USD mỗi tháng (khoảng 20 triệu đồng). Đến nay đã 18 năm rồi nhưng lương bộ trưởng cũng mới được khoảng 13 triệu đồng", ông Huân chia sẻ trên báo Vietnamnet.

Theo Bảo Bình ( Tổng hợp)

Thời Đại

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên