Một cổ phiếu tăng 550% trong chưa đầy 2 tháng!
Thời gian qua, cổ phiếu KPF của CTCP Đầu tư Tài chính Hoàng Minh (HOSE: KPF) đã khiến thị trường ngỡ ngàng khi tăng gần 550% chỉ trong 2 tháng và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Bắt đầu chuỗi tăng giá từ ngày 22/11, cổ phiếu của CTCP Đầu tư Tài chính Hoàng Minh (HOSE: KPF) đã tăng trần 8 phiên liên tiếp, từ mức giá 5.690 đồng/cp lên 9.090 đồng/cp. Qua 2 phiên "tạm nghỉ", KPF nối tiếp chuỗi tăng trần bằng 19 phiên phá đỉnh sau đó.
Tính tới phiên 03/01/2018, thị giá của KPF đang dừng ở mức 32.750 đồng/cp, tăng 545% so với thời điểm đầu tháng 11/2017 và cao nhất từ khi niêm yết tới nay.
Diễn biến giá cổ phiếu KPF 1 năm gần đây
Xét về thanh khoản, khối lượng giao dịch của cổ phiếu KPF khá thấp trung bình chỉ trên 79.000 cp/phiên, đột biến có thể đạt khoảng 267.000 cp/phiên (ngày 19/12).
Kinh doanh “làng nhàng”, tài chính nhiều dấu hỏi
KPF lên sàn từ tháng 3/2016 với giá tham chiếu 12.000 đồng/cp. Nhìn lại kết quả kinh doanh của KPF trước và sau lên sàn có sự khác biệt tiêu cực.
Năm 2015, ở thời điểm trước lên sàn KPF báo doanh thu 90 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần năm 2014; lợi nhuận ròng nhảy vọt từ hơn 1,6 tỷ đồng lên 16,3 tỷ đồng, đưa ra một kết quả kinh doanh đột phá.
Tuy nhiên, năm 2016, KPF gây thất vọng khi doanh thu ghi nhận 103 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước nhưng lợi nhuận ròng giảm 43% chỉ đạt 9 tỷ đồng.
Tình trạng này tiếp tục diễn ra trong 3 quý đầu của năm 2017. Sau 9 tháng, công ty đạt doanh thu 57,7 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2016 nhưng lãi ròng chỉ vỏn vẹn 278 triệu đồng, giảm 94% do giá vốn và các chi phí tăng mạnh. Trong khi đó, hồi đầu năm, KPF lên kế hoạch doanh thu 290 tỷ đồng và lãi ròng 12,8 tỷ đồng.
KQKD của KPF giai đoạn 2014-2016
Tình hình tài chính của KPF cũng có nhiều điểm chú ý. Cụ thể, doanh nghiệp này có 219 tỷ đồng tổng tài sản, nhưng tập trung phần lớn tại khoản phải thu và đầu tư tài chính dài hạn đều liên quan đến các công ty liên kết của KPF.
Cụ thể, KPF có 48,7 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, trong đó chiếm 88% là khoản phải thu ngắn hạn với gần 43 tỷ đồng bao gồm phải thu từ CTCP Đầu tư Tam Hà, công ty gạch nhẹ Phúc Sơn, CTCP Đầu tư Nông nghiệp Hà Nam, cá nhân Nguyễn Quang Chung và tiền tạm ứng chi tìm kiếm dự án đầu tư. Công ty chỉ có 4,7 tỷ đồng tiền và tương đương tiền.
Tài sản dài hạn của KPF ở mức 170 tỷ đồng, gồm chủ yếu là đầu tư tài chính với 159 tỷ đồng chiếm 72% tổng tài sản là các khoản góp vốn vào các công ty liên kết.
Về nguồn vốn, KPF đang có gần 4 tỷ đồng nợ vay chủ yếu là nợ vay ngắn hạn. Lũy kế đến cuối tháng 9, KPF chỉ có hơn 12 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Tái cơ cấu kinh doanh, “thay máu” lãnh đạo?
KPF hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác vật liệu xây dựng (cát, đá…), thép xây dựng với địa bàn trên các bãi bồi sông Hồng.
Mảng kinh doanh chính của KPF được thực hiện qua 2 công ty liên kết là CTCP Đầu tư Tam Hà và CTCP Phú Gia Hà Nam phụ trách độc quyền khai thác cát và cung cấp cho các dự án mà KPF đã ký với đối tác.
Bên cạnh đó, KPF cũng thông qua CTCP Đầu tư phát triển nhà và đô thị Phú Gia để thực hiện các dự án xây dựng và CTCP Đầu tư nông nghiệp Hà Nam để triển khai dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nam.
Không quá để nói, 4 doanh nghiệp trên là “cần câu cơm” trong hoạt động kinh doanh hiện tại và định hướng tương lai của của KPF. Tuy nhiên, từ cuối tháng 11/2017, KPF liên tục có quyết nghị về việc đồng loạt thoái vốn tại 4 đơn vị liên kết trên.
Cụ thể, KPF thoái 49% vốn tại Đầu tư Tam Hà cho cá nhân Hà Ngọc Quỳnh, 49% vốn Phú Gia Hà Nam cho Tập đoàn Bắc Đô; 12,78% vốn Đầu tư phát triển nhà và đô thị Phú Gia cho cá nhân Đặng Thế Phi và 44% vốn Đầu tư nông nghiệp Hà Nam cho Phạm Văn Lượng. Giá trị chuyển nhượng của các thương vụ không được cho biết.
Theo BCTC quý III/2017, tổng vốn đầu tư của KPF vào 4 doanh nghiệp trên khoảng 143 tỷ đồng, chiếm 65% tổng tài sản của Công ty.
Ở chiều ngược lại, KPF cũng ra quyết định nhận chuyển nhượng 45% vốn của Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm từ 2 cá nhân với tổng giá trị chuyển nhượng 67,5 tỷ đồng.
Đầu tư Tài chính Hoàng Minh (KPF) tiền thân là CTCP Tư vấn Dự án Quốc tế KPF chỉ mới được đổi lại tên trong quý II/2017.
Theo thông tin tại cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Đầu tư Cam Lâm là đơn vị được thành lập năm 2014, có trụ sở tại tỉnh Khánh Hòa, hoạt động trong lĩnh vực chính là dịch vụ lưu trú ngắn ngày, khách sản biệt thự du lịch. Ngành nghề của doanh nghiệp này hoàn toàn khác với trước đây của KPF.
Trong thời gian này, cơ cấu lãnh đạo của KPF cũng bắt đầu có sự xáo trộn. Cụ thể, KPF bổ nhiệm ông Đặng Quang Thái thay vị trí Tổng Giám đốc của ông Đoàn Minh Tuấn từ 16/10; bổ nhiệm lại Kế toán trưởng, Phó Tổng Giám đốc, thay thế người đại diện công bố thông tin…
Trên thị trường chứng khoán, trong thời gian cổ phiếu tăng trần hàng loạt giao dịch trao tay cổ phiếu của cổ đông nội bộ và người có liên quan cũng diễn ra sôi động. Trong đó, những cá nhân tích cực là cựu Tổng Giám đốc Đào Minh Tuấn và vợ, Chủ tịch HĐQT Dương Minh Đức, thành viên HĐQT Tạ Thị Dinh… cùng một loạt cổ đông mới xuất hiện sở hữu trên 5% vốn như ông Vũ Đức Toàn, ông Kiều Xuân Nam, bà Lương Thị Hồng Vân…
Giao dịch cổ đông nội bộ tại KPF (nguồn: CafeF)
Chưa biết liệu những điều đang diễn ra có đại diện cho một sự thay đổi thực sự tại KPF hay không, nhưng thị giá của KPF vẫn đang hút sự chú ý của thị trường.
Từ khi lên sàn vào đầu 2016, KPF cũng từng nhiều lần tạo sóng trên thị trường và khiến không ít nhà đầu tư nhận cái kết đắng. Phía cuối đợt sóng lần này của cổ phiếu KPF có như CMG và lặp lại lịch sử hay không sẽ cần thời gian trả lời.
NDH