Một công ty chứng khoán chuẩn bị đổi tên, được ngân hàng bơm mạnh vốn để nằm trong top lớn nhất thị trường
"Trong tuần tới chúng tôi sẽ ĐHĐCĐ để đổi tên công ty chứng khoán. Ngân hàng sẽ rót vốn để công ty này nằm trong top CTCK có vốn cao nhất thị trường".
- 10-02-2022TGĐ VPBank Nguyễn Đức Vinh: Việc bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược sẽ thực hiện trong những tháng tới
- 30-01-2022VPBank đã nhận hơn 20.000 tỷ ''tiền tươi'' từ SMBC, số tiền khổng lồ này sẽ được ngân hàng "chia" thế nào?
Giữa tháng 1/2022, VPBank đã chính thức công bố việc mua hơn 97% cổ phần CTCP Chứng khoán ASC.
Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư chiều ngày 10/2, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank cho biết, đây là một chiến lược quan trọng trong kế hoạch 5 năm của ngân hàng. Theo đó, VPBank quyết định quay lại mảng ngân hàng đầu tư.
Được biết, trước đây VPBank cũng có công ty chứng khoán là Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (nay là Chứng khoán VPS). Tuy nhiên, 5 năm trước, VPBank đã thoái vốn khỏi công ty này. Hiện VPS đã là công ty chứng khoán có thị phần môi giới cao nhất Việt Nam.
CEO VPBank cho rằng, việc thoái vốn khỏi VPS thời điểm đó là hợp lý khi ngân hàng muốn tập trung vào bán lẻ, đặc biệt là FE Credit.
Hiện tại, sau thương vụ bán 49% vốn FE Credit cho nhà đầu tư Nhật Bản SMBC, nền tảng vốn của VPBank đã dày lên rất nhiều với vốn chủ sở hữu cuối năm 2021 đạt hơn 86.000 tỷ đồng. Lãnh đạo ngân hàng chia sẻ, nền tảng vốn dồi dào như vậy sẽ giúp ngân hàng quay lại mảng ngân hàng đầu tư.
Theo đó, VPBank sẽ tập trung mở rộng hệ sinh thái NH đầu tư, phục vụ hàng trăm nghìn khách hàng cao cấp, có nhu cầu đầu tư bên cạnh gửi tiết kiệm, vay vốn,….như đầu tư trái phiếu, tư vấn phát hành trái phiếu, chứng chỉ quỹ, môi giới chứng khoán, cho vay margin,….Công ty chứng khoán sẽ phối hợp với ngân hàng để tạo ra giá trị gia tăng tốt hơn. Đây cũng được xem là động lực tăng trưởng mới cho VPBank những năm tới.
Ông Vinh cũng chia sẻ: "Trong tuần tới chúng tôi sẽ ĐHĐCĐ để đổi tên công ty chứng khoán VPBank Securities. Chúng tôi sẽ rót vốn để công ty này nằm trong top CTCK có vốn cao nhất thị trường".
Cũng tại buổi nói chuyện với nhà đầu tư, CEO VPBank nhấn mạnh về động lực mới, cơ hội mới của ngân hàng trong 5 năm tới. Việc ngân hàng có vốn chủ sở hữu hơn 86.000 tỷ sẽ tạo nhiều lợi thế, nhưng đồng thời cũng là thách thức, là áp lực về hiệu quả đồng vốn cho cổ đông. Ngân hàng sẽ phải tạo ra động lực mới để tăng trưởng gấp 3, gấp 4 lần trong 5 năm tới.
"Chiến lược 5 năm đã được HĐQT khởi động từ giữa năm 2021, và đang được chúng tôi thảo luận tích cực với các nhà tư vấn chiến lược lớn để xác định đâu là động lực, đâu là điểm VPBank cần mở rộng,…Chúng tôi chưa có phương án cuối cùng, những đã có kịch bản tăng trưởng cao trong 5 năm tới, dựa trên nền tảng ngân hàng đa năng, mảng khách hàng cá nhân, cho vay tiêu dùng, kinh doanh thẻ với phân khúc đa dạng", ông nói.
Bên cạnh việc mở rộng hệ sinh thái ngân hàng đầu tư, VPBank cũng sẽ tiếp tục cách mạng số hoá để nâng cao hiệu suất,...Cơ hội mới, cũng có thể là M&A.
Kế hoạch của VPBank với công ty chứng khoán đang được thị trường trông đợi, khi nhìn vào lịch sử, ngân hàng này từng tạo ra "hiện tượng" với FE Credit.
Năm 2014, nhà băng này đã mua lại Công ty Tài chính Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam – một công ty tài chính truyền thống, và chuyển đổi thành công ty tài chính tiêu dùng với thương hiệu FE Credit. Chỉ sau một thời gian ngắn, FE Credit đánh bật những "ông lớn" nước ngoài như Home Credit, Prudential để trở thành công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất Việt Nam, với thị phần có lúc lên tới 55%. Thành tích ấn tượng của FE Credit trên thị trường đã giúp công ty tài chính này được định giá lên tới 2,8 tỷ USD, cao hơn cả một số ngân hàng thương mại tầm trung hiện nay.
Nhịp sống kinh tế