Một công ty thực phẩm sạch phải tiếp 7 đoàn thanh, kiểm tra trong 20 ngày
“Trong 20 ngày vừa qua, tôi đã tiếp khoảng 7 đoàn thanh, kiểm tra. Do quá nhiều đoàn, tôi đã phải thành lập thêm một bộ phận chuyên tiếp đón. Đội đấy gồm 3 người với tổng lương gần 30 triệu đồng” - Nguyễn Khánh Trình nói.
- 18-04-2018Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam: Chưa có quy chuẩn về cà phê rang xay nên không biết cà phê bẩn là như thế nào!
- 18-04-2018Bộ GTVT quyết cắt giảm gần 400 điều kiện kinh doanh
Trong buổi hội thảo lấy ý kiến danh mục rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp do VCCI phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 18/4, một doanh nghiệp đang đầu tư làm thực phẩm sạch đã chia sẻ câu chuyện về thanh kiểm tra, vốn đã được nói rất nhiều ở các doanh nghiệp khác.
Nguyễn Khánh Trình là CEO của Clever Ads, đối tác quảng cáo lớn của Google và Facebook ở Việt Nam. 4/2016, Trình bắt đầu khởi nghiệp về thực phẩm sạch bằng việc xây dựng chuỗi "trang trại trung thực". Sản phẩm của những trang trại này đên với người tiêu dùng qua chuỗi cửa hàng Sói Biển. Hiện tại, Trình cũng là CEO của công ty "Sói Biển Trung Thực", với 20 cửa hàng thực phẩm ở Hà Nội.
"Sáng nay, một đoàn thanh tra, kiểm tra đã đến cửa hàng số 5 của Sói Biển. May mắn là không có chuyện gì xảy ra. Tôi cũng không mất nhiều thời gian. Nhưng trong 20 ngày vừa qua, tôi đã tiếp khoảng 7 đoàn thanh, kiểm tra. Do quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, tôi đã phải thành lập thêm một bộ phận chuyên tiếp đón đoàn. Đội đấy gồm 3 người với tổng lương gần 30 triệu đồng. Công việc của đội này là chờ các đoàn kiểm tra đến để in giấy tờ, gọi điện trước để biết cần chuẩn bị cái gì" – Nguyễn Khánh Trình chia sẻ tại Hội thảo.
Trình cho biết, 120 nhân viên của công ty đều được "tuyên truyền" pháp luật. Cố gắng của mọi người nhằm xây dựng một doanh nghiệp về thực phẩm sạch, không làm những gì trái pháp luật, đạo đức. Mục đích lớn nhất là phát triển một chuỗi từ sản xuất đến bán lẻ để ngày càng nhiều người được sử dụng thực phẩm sạch. Tuy nhiên, thành viên các đoàn kiểm tra thường không thể hiện thiện chí tương xứng.
"Anh chị đến bấm còi hú ô tô khiến khách hàng của tôi sợ hãi. Tôi cho rằng đó là hành vi không sạch, không phù hợp với ngành thực phẩm sạch, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp" – Nguyễn Khánh Trình kể.
Một cửa hàng thực phẩm Sói Biển.
Theo CEO của Sói Biển, anh luôn xác định tinh thần có thể sẽ phải đóng cửa doanh nghiệp sau mỗi lần chia sẻ công khai về thái độ của nhân viên thanh, kiểm tra. Nhưng vì tương lai tốt đẹp hơn, anh vẫn muốn nói để mong muốn có sự thay đổi.
Đối lập việc phải thành lập bộ phận chuyên đón tiếp đoàn thanh, kiểm tra là sự dễ dãi đối với những nhà sản xuất, bán thực phẩm nhỏ lẻ.
"Hàng ngày có nhan nhản những cặp vợi chồng đèo nhau. Người phụ nữ ngồi trên con lợn, đi từ Sóc Sơn, Đông Anh, Thường Tín vào trung tâm thành phố. Có hàng ngàn con heo được vận chuyển như thế. Một số được bán ngay trước nhà tôi (trên phố Lê Trọng Tấn). Không có bất kỳ ai đến kiểm tra, xét nghiệm. Trong khi những đơn vị như chúng tôi thì lại rất khổ sở để tồn tại" – Nguyễn Khánh Trình chia sẻ.
Trình mong muốn sớm có sự thay đổi trong vấn đề thanh tra, kiểm tra. Cơ quan chức năng cần bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp, hộ kinh doanh,... Nếu vấn đề thanh, kiểm tra quá nhiều không được giải quyết, doanh nghiệp sẽ không thể lớn lên. Hiện tại, Sói Biển đang kêu gọi vốn từ các quỹ đầu tư trong bối cảnh nhiều chuỗi thực phẩm buộc phải đóng cừa và rút khỏi thị trường.
"Tôi vốn là khởi nghiệp trẻ trong lĩnh vực công nghệ. CleverAds là đối tác lớn của Google và Facebook. Đó là lý do khiến tôi có tiền để "mơ mộng" trong lĩnh vực thực phẩm sạch. Những người khác, tôi nghĩ không đủ tâm huyết, thời gian và tiền bạc để mơ mộng như tôi được" – Nguyễn Khánh Trình chia sẻ.