Một địa phương vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với loạt “ông lớn” Vingroup, T&T Group…, tổng vốn đầu tư hơn 200.000 tỷ đồng
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh mới đây, UBND tỉnh đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và biên bản ghi nhớ hợp tác cho 39 nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 200.000 tỷ đồng.
- 27-05-2023Vốn FDI vào một lĩnh vực tăng mạnh trong 5 tháng 2023, gấp 12 lần so với cùng kỳ
- 20-05-2023Vốn FDI liên tục đổ vào Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, liệu Việt Nam có còn là điểm đến ưa thích của các doanh nghiệp nước ngoài?
Sáng ngày 28/5, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với Bộ KH&ĐT tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh với chủ đề “Hà Tĩnh - Hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng”.
Trong khuôn khổ hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã trao Quyết định số 1363/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Võ Trọng Hải cho biết, Hà Tĩnh là địa phương có địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng và an ninh; nằm trên trục giao thông Bắc - Nam; là cửa ngõ giao thương trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây với nhiều tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển KT-XH.
"Từ một tỉnh nghèo, điểm xuất phát thấp, nay Hà Tĩnh đã đứng trong nhóm các tỉnh khá của khu vực, được Thủ tướng Chính phủ chọn thí điểm xây dựng tỉnh nông thôn mới. Môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh liên tục tăng hạng qua từng năm. Hà Tĩnh là một trong 10 địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước", vị lãnh đạo Hà Tĩnh cho hay.
Cụ thể, đến nay, Hà Tĩnh có gần 1.500 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 454.000 tỷ đồng, tương đương hơn 18 tỷ USD. Trong đó, trong nước có 1.400 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 137.000 tỷ đồng, FDI có 68 dự án với tổng vốn đăng ký 16 tỷ USD, tương đương hơn 317.000 tỷ đồng.
Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh, trong thời gian tới, những định hướng phát triển và thu hút đầu tư của Hà Tĩnh bao gồm: Lĩnh vực công nghiệp là các dự án hậu thép, cơ khí chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; hạ tầng các khu - cụm công nghiệp; sản xuất điện; chế biến nông sản; dệt may...
Lĩnh vực dịch vụ - du lịch là các dự án dịch vụ du lịch biển, du lịch sinh thái, tâm linh, dịch vụ cảng biển nước sâu và logistics… Lĩnh vực nông nghiệp là các dự án nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu, phát triển nông nghiệp hữu cơ và các vùng chuyên canh. Đối với lĩnh vực đô thị là các dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở quy mô lớn, đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Cũng tại hội nghị, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Trung ương cùng các bộ, ngành và các đại biểu, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 14 nhà đầu tư với 15 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 9.600 tỷ đồng.
Cũng tại hội nghị, 25 nhà đầu tư là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư dự án vào Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư hơn 200.000 tỷ đồng.
Theo đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho Tập đoàn Vingroup với 2 dự án, với tổng mức đầu tư đăng ký khoảng 18.000 tỷ đồng gồm: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu Hạ tầng Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng; Dự án Khu nhà ở xã hội tại phường Kỳ Trinh.
Tỉnh cũng đã trao biên bản ghi nhớ đầu tư cho Tập đoàn T&T với 2 dự án có tổng mức đầu tư đăng ký hơn 110.000 tỷ đồng gồm: Dự án khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí tại bãi nổi Xuân Giang 2 và vùng ven sông Lam; Dự án Khu đô thi du lịch Xuân Trường - Xuân Hội.
Ngoài ra, tinh cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với hàng loạt doanh nghiệp khác như Sun Group, Tập đoàn TH, CTCP Tập đoàn CT Group… về các lĩnh vực: bất động sản – du lịch – nghỉ dưỡng, hạ tầng khu/cụm công nghiệp, thương mại dịch vụ, năng lượng – nước sạch, giáo dục, nông nghiệp….
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Hà Tĩnh là địa phương thứ hai trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hà Tĩnh tiếp tục quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh; đẩy mạnh đột phá với 4 ngành trọng điểm, 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế và 1 trung tâm động lực tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế. Từ đó, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, để người dân thực sự được thụ hưởng từ thành quả của công cuộc đổi mới và phát triển.
Đồng thời, Hà Tĩnh cũng cần giải phóng các điểm nghẽn của thị trường; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đồng hành với người dân và doanh nghiệp; tập trung đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển và tăng cường thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển của tỉnh.
Bên cạnh đó, địa phương cũng cần tận dụng sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
"Đây là cơ sở để Hà Tĩnh tiếp tục triển khai các định hướng chiến lược phát triển, liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng - an ninh cả vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay.
Nhịp sống thị trường