Một DN niêm yết từng nổi sóng trong hệ sinh thái Louis bị VPBank kiện thu hồi nợ, lô trái phiếu bị mất khả năng thanh toán
VPBank cho biết, trường hợp VKC không thể thanh toán được số nợ nêu trên thì Ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý tài sản thế chấp gồm Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Bình Dương.
CTCP VKC Holdings (VKC) vừa công bố thông tin về việc nhận được công văn của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) kiện lên Toà án nhân dân thành phố Dĩ An nhằm thu hồi công nợ hơn 78 tỷ đồng liên quan đến Hợp đồng hạn mức tín dụng số 036/2022/HDHM/VPB-VKC ngày 16/2/2022.
Theo thông báo thụ ý án từ Toà án Nhân dân Thành phố Dĩ An, đây là vụ án kinh doanh thương mại về việc "tranh chấp hợp đồng tín dụng". Trong đó, VPBank khởi kiện buộc VKC thanh toán tổng số nợ còn thiếu tạm tính đến hết ngày 24/8/2023 là hơn 78 tỷ đồng (gồm nợ gốc là 66,76 tỷ, lãi quá hạn 11,33 tỷ và lãi chậm trả gần 64 triệu đồng.
Ngoài ra, từ ngày 25/8/2024, VKC vẫn phải tiếp tục chịu lãi quá hạn, lãi chậm trả theo các hợp đồng tín dụng đã ký cho đến khi thanh toán xong toàn bộ số nợ.
Phía VPBank cũng cho biết, trường hợp VKC không thể thanh toán được số nợ nêu trên thì Ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý tài sản thế chấp gồm:
+ Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 9183, tờ bản đồ số 4 toạ lạc tại phường Bình An, Tp.Dĩ An, tỉnh Bình Dương;
+ Xe ô tô nhãn hiệu Volkswagen (biển số 61A-531.43).
"Hiện, ban lãnh đạo Công ty đang làm việc với các bên liên quan để tìm ra phương án giải quyết thoả đáng nhất”, thông báo của VKC nêu.
VKC có tiền thân là CTCP Cáp Nhựa Vĩnh Khánh được thành lập từ năm 1993. Công ty kinh doanh trong mảng lốp xe – phụ tùng với thương hiệu Vĩnh Khánh, kinh doanh cáp – điện với thương hiệu VCOM… Hiệu suất không quá nổi trội, song hàng quý VKC vẫn ghi nhận hàng trăm tỷ doanh thu, lợi nhuận sau thuế thu về hàng trăm triệu đồng. Đến tháng 12/2021, VKC chính thức đổi tên thành VKC Holdings sau khi gia nhập nhóm Louis Holdings, đến quý 2/2022 VKC bất ngờ báo lỗ sau thuế gần 25 tỷ đồng.
Luỹ kế cả năm 2022, doanh thu thuần VKC đạt gần 263 tỷ đồng - giảm 70% so với cùng kỳ. LNST âm gần 238 tỷ đồng, trong khi năm 2021 có lãi 2,3 tỷ đồng. Đây cũng là mức lỗ lớn nhất trong lịch sử niêm yết của VKC.
Trước đó VKC gây chú ý khi BCTC sau soát xét 6 tháng đầu năm 2022 từ lỗ gần 25 tỷ trở thành lỗ hơn 191 tỷ đồng, tương ứng tăng lỗ gấp 8 lần. Do vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và có hành vi công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật, VKC đã bị phạt tiền tổng cộng 220 triệu đồng.
Với lý do mất thanh khoản về dòng tiền, hồi đầu tháng 10 vừa qua, VKC Holdings đã phải công bố mất khả năng thanh toán lãi trái phiếu đối với lô trái phiếu VKCH2123001 phát hành ngày 09/12/2021 trị giá khoảng 200 tỷ đồng.
Lý giải cho nguyên nhân tạm hoãn chi trả lãi cho lô trái phiếu trên, lãnh đạo VKC Holdings cho rằng các sai phạm của các lãnh đạo cũ đã làm thất thoát tài sản của VKC Holdings khiến doanh nghiệp mất khả năng năng thanh toán đối với các chủ nợ.
“Ngay sau khi ông Đỗ Thành Nhân bị bắt, các ngân hàng mà VKC đang có quan hệ tín dụng đánh giá rủi ro của lô trái phiếu VKCH2123001 là rất cao nên các ngân hàng này đã ngưng cung cấp nguồn vốn tín dụng cho VKC. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến HĐKD của VKC”, văn bản VKC lúc bấy giờ nêu.
Liên tiếp sau đó, VKC Holdings lần lượt công bố dừng phương án góp vốn thành lập Công ty con là Công ty TNHH Vật liệu xây dựng và nội thất Vĩnh Khánh; Công ty TNHH Vĩnh Khánh Plastic; và CTCP Đầu tư Phát triển Vĩnh Khánh. Lý do được Công ty đưa ra do đã hết thời hạn góp vốn nhưng Công ty vẫn chưa có nguồn vốn để thực hiện góp vốn.
Ngoài ra, Công ty cũng thông qua giải thể 4 chi nhánh gồm chi nhánh Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long); Chi nhánh Tp.HCM; Chi nhánh Quận 8 và chi nhánh Đà Nẵng.
Nhịp sống thị trường