VKC Holdings (VKC) lỗ kỷ lục 238 tỷ đồng năm 2022
Không chỉ cạn tiền, mới đây VKC Holdings (VKC) còn dừng hàng loạt kế hoạch góp vốn và giải thể chi nhánh.
Công ty cổ phần VKC Holdings (mã chứng khoán: VKC) đã công bố BCTC quý 4/2022 và luỹ kế cả năm 2022.
Theo đó riêng quý 4 doanh thu thuần đạt 7,3 tỷ đồng – giảm mạnh so với con số 202 tỷ đồng cùng kỳ. Sau khi trừ giá vốn lãi gộp đạt 686 triệu đồng trong khi cùng kỳ lãi gộp đạt gần 16 tỷ đồng.
Sau khi trừ các khoản chi phí VKC lỗ sau thuế gần 30 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi hơn 1 tỷ đồng.
Luỹ kế cả năm 2022, doanh thu thuần đạt gần 263 tỷ đồng giảm 70% so với cùng kỳ. LNST âm gần 238 tỷ đồng trong khi năm 2021 có lãi 2,3 tỷ đồng - Đây cũng là mức lỗ lớn nhất trong lịch sử niêm yết của VKC.
Trước đó VKC gây chú ý khi BCTC sau soát xét 6 tháng đầu năm 2022 từ lỗ gần 25 tỷ đồng trở thành lỗ hơn 191 tỷ đồng, tương ứng gấp 8 lần. Do vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và có hành vi công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật, VKC đã bị phạt tiền tổng cộng 220 triệu đồng.
Với lý do mất thanh khoản về dòng tiền, hồi đầu tháng 10 vừa qua, VKC Holdings đã phải công bố mất khả năng thanh toán lãi trái phiếu đối với lô trái phiếu VKCH2123001 phát hành ngày 09/12/2021 trị giá khoảng 200 tỷ đồng.
Lý giải cho nguyên nhân tạm hoãn chi trả lãi cho lô trái phiếu trên, lãnh đạo VKC Holdings cho rằng các sai phạm của các lãnh đạo cũ đã làm thất thoát tài sản của VKC Holdings khiến doanh nghiệp mất khả năng năng thanh toán đối với các chủ nợ.
Đáng chú ý, quy mô VKC Holdings còn có dấu hiệu thu hẹp khi dừng kế hoạch góp vốn và đóng cửa 4 chi nhánh. Đầu tiên, VKC Holdings thông qua việc dừng phương án góp vốn thành lập Công ty con là Công ty TNHH Vật liệu xây dựng và nội thất Vĩnh Khánh; Công ty TNHH Vĩnh Khánh Plastic; và CTCP Đầu tư Phát triển Vĩnh Khánh. Lý do được Công ty đưa ra do đã hết thời hạn góp vốn nhưng Công ty vẫn chưa có nguồn vốn để thực hiện góp vốn.
Tiếp đó, VKC cũng đã thông qua việc dừng phương án mua lại cổ phần CTCP Lốp xe Vĩnh Khánh do đến thời điểm hiện tại Công ty vẫn chưa thực hiện ký hợp đồng nhận chuyển nhượng cổ phần và Công ty cũng không có nguồn vốn để thực hiện.
Ngoài ra, Công ty cũng thông qua giải thể 4 chi nhánh gồm chi nhánh Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long); Chi nhánh TP. HCM (TP. HCM); Chi nhánh Quận 8 TP. HCM (TP. HCM); và chi nhánh Đà Nẵng (Đà Nẵng).
VKC Holdings tiền thân là CTCP Cáp Nhựa Vĩnh Khánh, được thành lập từ năm 1993, có vốn điều lệ hiện này là 200 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là sản xuất dây dẫn điện, cáp viễn thông, thiết bị điện thoại…
Trên thị trường cổ phiếu VKC chốt phiên 17/1 đứng giá ở mức 1.700 đồng/cp, rất xa với thời "huy hoàng" gần 30.000 đồng/cp của quý 4/2021. Hiện cổ phiếu này đang thuộc diện cảnh báo của HNX.
Nhịp sống thị trường
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>Sự kiện: KQKD Quý 4/2022
Xem tất cả >>- Kiếm đậm từ bán vé, phí gửi đồ và fastfood cũng thêm vài chục tỷ, Công viên nước Đầm Sen lần đầu báo lãi trăm tỷ đồng
- Doanh nghiệp BĐS: Mỗi ngày “mở mắt” phải trả hàng chục tỷ tiền lãi, riêng Novaland có chi phí lãi vay thấp "kỳ lạ"
- Trong khi nhiều doanh nghiệp gánh cả nghìn tỷ chi phí lãi vay, những DN này vẫn ung dung khi gần như không phải trả đồng nào
- Hải An (HAH) báo lãi hơn 1.000 tỷ năm 2022, sự cố va chạm của tàu Hải An City ước tính tổn thất 200 tỷ, được bồi thường 150 tỷ đồng
- Sau một năm thăng hoa nhờ Covid, doanh nghiệp sản xuất bao cao su duy nhất trên sàn chứng khoán rơi mất 30% doanh thu, lãi giảm một nửa