Một doanh nghiệp môi giới bất động sản báo lỗ 2 quý liên tiếp, Chủ tịch chia sẻ chịu lỗ 2-3 căn chung cư để nuôi công ty
Kết thúc quý 1, CenLand lỗ 8,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 142 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ hai liên tiếp doanh nghiệp báo lỗ.
- 30-04-2023Cơn bĩ cực ngành BĐS nhìn từ các công ty môi giới: Cenland, Đất Xanh tiếp tục thua lỗ, Danh Khôi không có doanh thu suốt 6 tháng trời
- 29-04-2023Xuất hiện tình trạng khách thuê văn phòng Hà Nội di dời đến tòa khác để tiết kiệm chi phí
- 29-04-2023Gần 2.400 thửa đất liên quan "hiến đất làm đường" ở Cam Lâm, Khánh Hòa được giao dịch trở lại
CTCP Bất động sản Thế Kỷ (CenLand, mã: CRE) đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2023 với doanh thu thuần đạt 53 tỷ đồng, giảm 95% so với quý 1/2022 (ghi nhận 1.942 tỷ đồng).
Trong đó, doanh thu từ hoạt động môi giới đem về hơn 69 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ (286 tỷ đồng) Bên cạnh đó, doanh thu từ đầu tư bất động sản cũng giảm mạnh 98,6%, ghi nhận 22 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt 1.643 tỷ đồng.
Kết thúc quý 1, CenLand lỗ 8,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 142 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ hai liên tiếp doanh nghiệp báo lỗ.
Giải trình về kết quả kinh doanh, CenLand cho biết, quý I/2023, thị trường bất động sản tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn và các yếu tố không thuận lợi xuất hiện từ năm 2022. Về nguồn vốn, hầu hết các ngân hàng tiếp tục siết chặt cho vay và mở rộng nhỏ giọt dư nợ cho vay đối với các giao dịch bất động sản. Bên cạnh đó, kênh huy động qua trái phiếu bị kiểm soát, lãi suất tăng cao gây áp lực lớn cho người mua nhà và chủ đầu tư.
Các lý do nêu trên làm cho thị trường bất động sản tiếp tục không thuận lợi, nhu cầu giao dịch bất động sản giảm mạnh kéo theo doanh thu và lợi nhuận của công ty giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Tại thời điểm 31/03/2023, tổng tài sản của CRE đạt 7.413 tỷ đồng, giảm 204 tỷ so với đầu năm. Trong đó, các khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản là phải thu ngắn hạn và dài hạn lần lượt tăng 17 tỷ đồng và 215 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng nợ vay thời điểm cuối quý 1 ghi nhận 1.024 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ vay ngắn hạn chiếm 1.022 tỷ.
Chia sẻ biến động nhân sự của công ty tại ĐHĐCĐ năm 2023 diễn ra mới đây, ông Chu Hữu Chiến, Thành viên Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc CenLand cho biết, năm qua là một năm đầy khó khăn với các doanh nghiệp. Và Cen Land đã phải rất linh hoạt trong điều chỉnh cơ cấu chi phí, trong đó có vấn đề nhân sự. Năm 2022, CenLand đã phải cắt giảm khoảng 40 – 50% nhân sự trực tiếp.
Cũng tại đại hội cổ đông, ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch CenLand chia sẻ về tình hình thị trường bất động sản: "Thị trường quay đầu khủng khiếp, chúng ta cũng không biết được nó sẽ như thế nào vào thời gian tới và gần như đội sale trên thị trường "gãy" khoảng 90%. Còn đối với một số chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản Việt Nam tình trạng còn nặng nề hơn nhiều. Điều này có thể hình dung qua việc công ty đang bán hai dự án của một chủ đầu tư "tay lớn" nhưng hiện chủ đầu tư này đang nợ tiền bán hàng và cũng chưa biết bao giờ có thể đòi được".
Theo chia sẻ của ông Vũ, hiện mỗi tháng chi phí hoạt động của CenLand tương đương 2 – 3 căn chung cư. "Mỗi tháng tôi phải bỏ ra khoảng 2-3 căn chung cư coi như lỗ để nuôi công ty và tôi nghĩ là tôi còn khoảng vài trăm căn như vậy và có thể gồng gánh được công ty thời gian dài. Khó nhất là giai đoạn trước 30/4 năm nay, giai đoạn sau này không khó nữa, Nhà nước đã hỗ trợ hết mình rồi. Thị trường đang dần sáng hơn", ông Vũ cho biết.
Chủ tịch CenLand cho rằng, lúc khó khăn của người này là cơ hội của người khác. Trong lúc khó khăn tiếp cận với ngân hàng như thế này, ban lãnh đạo tập trung vào M&A và đầu tư thứ cấp. Hiện nay có rất nhiều dự án hoàn thành, đặc biệt một số chung cư triển khai tương đối tốt và đang nợ ngân hàng. CenLand sẽ tiếp cận vấn đề này để mua buôn - bán buôn và mua buôn - bán lẻ. Có thể doanh số môi giới không cao nhưng doanh số về đầu tư thứ cấp và M&A tương đối tốt. Đây là kế hoạch để CenLand có thể đạt được doanh số trong năm nay.
Nhịp sống thị trường