Một doanh nghiệp mua vào lượng lớn cổ phiếu CTG và TCB trong quý II, tiền gửi ngân hàng lên tới 110.000 tỷ
Danh mục chứng khoán kinh doanh của tập đoàn này có những mã chủ chốt là CTG, MBB, TCB, VNM, POW, VNR. Giá gốc của số cổ phiếu này lên tới cả nghìn tỷ đồng.
- 17-08-2022Cổ phiếu ngân hàng nào đang được khối ngoại mua ròng nhiều nhất?
- 15-08-2022Cổ phiếu ngân hàng bứt tốc, khối ngoại ''gom'' mạnh HDB
Báo cáo tài chính quý II của Tập đoàn Bảo Việt (BVH) cho biết đơn vị này sở hữu danh mục chứng khoán kinh doanh có giá gốc vào cuối tháng 6 lên tới hơn 2.954 tỷ đồng, dù giảm so với cuối quý II nhưng vẫn tăng 3,9% so với đầu năm và chiếm khoảng 1,5% tổng tài sản.
Trong đó, cổ phiếu niêm yết là cấu phần lớn nhất (chiếm gần 77%) với giá gốc gần 2.273 tỷ đồng, tăng 357 tỷ so với cuối năm 2021 và tăng 186 tỷ đồng so với cuối tháng 3. Các mã chủ lực trong danh mục cổ phiếu kinh doanh của tập đoàn này là CTG, MBB, TCB, VNM, POW, VNR.
Danh mục chứng khoán kinh doanh của BVH vào cuối quý II. (Nguồn: BCTC)
Trong quý II vừa qua, Tập đoàn Bảo Việt đã mua thêm hơn 97 tỷ đồng cổ phiếu CTG của VietinBank; đưa tổng giá trị gốc sở hữu lên 395,3 tỷ đồng. Riêng với cổ phiếu VietinBank, BVH dự phòng lỗ 60,6 tỷ đồng tại thời điểm 30/6, cao hơn nhiều mức dự phòng hơn 2 tỷ đồng vào cuối quý I.
Tập đoàn này cũng mua thêm lượng lớn cổ phần Techcombank, đưa cổ phiếu này trở thành một trong những khoản đầu tư cổ phiếu niêm yết lớn nhất với giá gốc hơn 199 tỷ đồng. Trước đó, lượng cổ phiếu TCB do Bảo Việt sở hữu vào cuối năm 2021 ở mức 141 tỷ đồng và không được đề cập tới trong danh sách những cố phiếu được nắm giữ nhiều nhất vào cuối quý I.
Trong nhóm ngân hàng, BVH còn mua thêm 6,4 tỷ đồng cổ phiếu MBB; nâng giá trị gốc nắm giữ lên hơn 173 tỷ đồng và dự phòng 2,4 tỷ đồng cho khoản đầu tư này.
Danh mục chứng khoán kinh doanh của BVH vào cuối quý I. (Nguồn: BCTC)
Về diễn biến giá cổ phiếu, cả CTG, TCB và MBB đều lao dốc mạnh trong quý II và mất khoảng 30% giá trị. Đây có thể là yếu tố thúc đẩy BVH ''bắt đáy'' nhóm cổ phiếu này.
Cùng với các cổ phiếu ngân hàng, BVH đã tăng lượng cổ phiếu VNM sở hữu từ 383,7 tỷ lên 418,9 tỷ đồng. Đây cũng là khoản đầu tư có giá trị lớn nhất trong danh mục chứng khoán kinh doanh của tập đoàn.
Danh mục đầu tư của BVH còn có cổ phiếu VNR của Tổng Công ty Cổ phần Tái Bảo hiểm Quốc gia và POW của Tổng Công ty Điện lực Dầu khi Việt Nam với giá gốc không thay đổi so với cuối năm 2021, lần lượt ở mức gần 266 tỷ đồng và hơn 122 tỷ đồng.
Bên cạnh các cổ phiếu có giá trị lớn, danh mục của BVH có gần 698 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết khác và gần 79 tỷ cổ phiếu chưa niêm yết. Ngoài ra, tập đoàn này cũng đầu tư hàng trăm tỷ vào trái phiếu ngân hàng, Trái phiếu Chính phủ và chứng chỉ quỹ.
Hoạt động đầu tư chứng khoán của Tập đoàn Bảo Việt được hỗ trợ mạnh mẽ bởi tiềm lực tài chính hùng hậu với lượng tiền mặt và tiền gửi lên tới cả trăm nghìn tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính quý II, lượng tiền mặt của BVH vào thời điểm 30/6 là hơn 870 tỷ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp này còn sở hữu gần 110.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, tăng hơn 25% so với cuối năm 2021.
Quy mô tiền gửi của BVH. (Nguồn: BCTC)
Do đặc thù kinh doanh, các doanh nghiệp bảo hiểm là một trong những đơn vị sở hữu danh mục đầu tư tài chính lớn nhất trong nền kinh tế. Do đó, biến động trên thị trường chứng khoán và lãi suất gần đây đang có tác động trực tiếp tới kết quả kinh doanh của ngành này.
Với đà sụt giảm của thị trường chứng khoán cũng như mặt bằng lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp, lợi nhuận từ hoạt động tài chính của BVH trong nửa đầu năm giảm 3% so với cùng kỳ, xuống còn 3.886 tỷ đồng dù quy mô danh mục đầu tư tăng khá mạnh. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận hợp nhất sau thuế giảm 15% xuống còn gần 828 tỷ đồng.
Tổng tài sản của BVH tính đến cuối quý II đạt hơn 193.291 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 41% so với đầu năm, còn hơn 3.138 tỷ đồng. Đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 34%, đạt gần 110.219 tỷ đồng; trong khi dài hạn giảm 3%, còn gần 65.545 tỷ đồng.
Theo Nhịp sống kinh tế