Một doanh nghiệp phân bón vừa báo lãi kỷ lục, cổ phiếu lập tức "bốc đầu" lên đỉnh lịch sử
Vốn hoá thị trường cũng tăng gấp đôi so với hồi đầu năm, đạt hơn 2.700 tỷ đồng.
Trong khi thị trường vẫn chưa kết thúc xu hướng giằng co, cổ phiếu BFC của CTCP Phân bón Bình Điền lại bứt phá mạnh trong phiên 29/7. Cụ thể, thị giá BFC tăng kịch biên độ lên mốc 47.600 đồng/cp, qua đó thiết lập mức giá cao nhất trong lịch sử. Trong khi bên bán trắng xóa, có đến hơn 1 triệu đơn vị "xếp hàng" mua cổ phiếu giá trần.
Đáng chú ý, thanh khoản cổ phiếu phân bón này cũng tăng vọt với gần 1,7 triệu đơn vị "sang tay" trong phiên sáng 29/7, gấp đôi so với mức bình quân nhiều phiên gần đây. Vốn hoá thị trường cũng tăng gấp đôi so với hồi đầu năm, đạt hơn 2.700 tỷ đồng.
Cổ phiếu bứt phá sau khi công bố kết quả kinh doanh quý 2/2024 khởi sắc. Theo đó, doanh thu thuần quý 2/2024 của doanh nghiệp đạt 2.916 tỷ đồng, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp cũng tăng vọt 88% so với cùng kỳ lên mức 489 tỷ đồng.
Khấu trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế trong quý của doanh nghiệp đạt 190 tỷ đồng, cao gấp 2,9 lần so với mức thực hiện năm trước. Đây cũng là mức lãi theo quý cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của BFC đạt 4.856 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cũng đạt 264 tỷ đồng, cao gấp 10,3 lần mức thực hiện năm trước.
Tại ngày 30/6, tổng tài sản doanh nghiệp đạt 3.533 tỷ đồng, tăng 2%. Hàng tồn kho của doanh nghiệp giảm 20%, còn 1.215 tỷ đồng. Biến động lớn đến từ việc giảm hàng thành phẩm là phân bón các loại, từ 575 tỷ đồng xuống còn 339 tỷ đồng. Khoản tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn của doanh nghiệp cũng giảm từ 329 tỷ đồng xuống còn 220 tỷ đồng.
Trong báo cáo trước đó, SSI Research cũng ước tính lợi nhuận năm 2024 của các công ty phân bón tăng 40% so với cùng kỳ. Định giá của các công ty phân bón cao hơn mức P/E giai đoạn 2021-2022 là 6x khi các doanh nghiệp có lợi nhuận cao đột biến nhưng vẫn thấp hơn P/E trung bình giai đoạn 2015-2020 là 12x.
Yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu được SSI Research đánh giá xoay quanh tình hình xung đột ở Trung Đông kéo dài có thể làm gián đoạn nguồn khí đốt tự nhiên và nguồn cung urê trong khu vực đó và điều này sẽ tạo cơ hội cho các nước xuất khẩu urê khác bao gồm Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu phân bón đang được đánh giá hưởng lợi lớn nhờ Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ được đưa ra thảo luận trong kỳ họp tháng 5/2024. Theo đó, Bộ Tài chính loại bỏ phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, đồng thời bổ sung mặt hàng này vào diện chịu thuế 5%. Đây là điều doanh nghiệp mong mỏi hơn 10 năm qua, một khi áp dụng thuế 5% được khấu trừ đầu vào, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ hồi phục đáng kể so với giai đoạn trước đó.