MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một đội ngũ ‘tuyến đầu’ khác thời đại dịch

Diễn biến dịch bệnh phức tạp đã cho thấy rõ vai trò của shipper trong việc đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, cũng như hạn chế người dân ra đường. Vậy thời gian qua, doanh nghiệp đã có động thái gì để hỗ trợ lực lượng này?

Ngay từ trước khi Covid-19 xuất hiện, sự lên ngôi của mua sắm trực tuyến đã kéo theo sự phát triển của nhiều ứng dụng đặt hàng online và các hình thức giao nhận hàng hóa, những người giao hàng, hay còn gọi là shipper là đội ngũ không thể thiếu để duy trì việc giao nhận trong hoạt động mua bán trực tuyến. Khi đại dịch xảy ra, shipper lại càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế xã hội. Đặc biệt, mức độ rủi ro trong tiếp xúc của công việc của họ tăng lên gấp bội trong mùa dịch, khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, cụ thể tại một số thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh.

Ở nhiều quốc gia, shipper trở thành lực lượng xung kích trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng nhất. Năm ngoái, tờ South China Morning Post đã gọi đội ngũ shipper là "đội quân nuôi sống" hàng triệu người Trung Quốc khi chính quyền nhiều địa phương thắt chặt chính sách cách ly, phong toả. Tại Mỹ, shipper còn được gọi là những "người hùng thầm lặng trong đại dịch".

Việt Nam cũng không ngoại lệ, chưa bao giờ shipper công nghệ đóng vai trò như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng như hiện nay, được Nhà nước đưa vào danh sách ưu tiên tiêm vaccine.

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cần coi đội ngũ giao hàng là một “tuyến đầu” khác, có vai trò quan trọng thứ hai, sau đội ngũ y tế trực tiếp chăm sóc sức khỏe. Trong khi đa số người dân ở nhà thì họ lại phải di chuyển liên tục và tiếp xúc nhiều đối tượng, chịu sự giám sát chặt chẽ của nhiều đơn vị.

Một đội ngũ ‘tuyến đầu’ khác thời đại dịch - Ảnh 1.

Tuy nhiên, làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ 4 xuất hiện, khiến nhiều tỉnh thành phải áp dụng những biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, đặc biệt là TP. HCM. Hồi tháng 8, tại thành phố Thủ Đức và các quận huyện: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn, lực lượng shipper đã phải tạm ngừng hoạt động. Tại các quận khác, shipper được hoạt động nội quận, không được chạy khác quận, huyện.

Mãi đến gần cuối tháng 9, sau nhiều tháng tạm nghỉ việc vì Covid-19, đội ngũ shipper tại TP. HCM mới được trở lại với công việc. Khi thành phố cho phép giao hàng liên quận, nhiều shipper chưa kịp mừng vì được đi làm lại, thì đã phải đối mặt với nhiều nỗi lo "rối như tơ vò" như xét nghiệm, mã QR, giấy “thông hành”…

Theo anh Huỳnh Phát, 43 tuổi, một shipper chạy Grab tại TP. HCM, mỗi ngày ra đường làm việc, một shipper như anh không chỉ phải xét nghiệm Covid-19, cập nhật kết quả cẩn thận, mà còn phải nằm lòng các kỹ năng tập huấn, mang theo dụng cụ, trang bị và đồ nghề chuẩn an toàn 5K để giao hàng an toàn đến người dùng.

“Chưa kể, giờ còn nhiều chốt chặn, nên phải chạy đường vòng lắm, chạy được một đơn nhọc công hơn trước nhiều!”, anh Phát chia sẻ thêm.

Chia sẻ với những khó khăn của shipper, một số doanh nghiệp cũng đã có động thái hỗ trợ. Điển hình như Grab, hiện triển khai hỗ trợ chi phí xét nghiệm Covid-19 cho tài xế, tung chương trình thưởng đảm bảo doanh thu trên mỗi khung giờ hoạt động, hay hỗ trợ tài chính nếu shipper bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.... Hay như Loship đã chủ động cân bằng, vừa giảm phí giao hàng, vừa đảm bảo ổn định thu nhập cho shipper.

Nhìn chung các ứng dụng, đều nỗ lực để triển khai tiêm chủng vaccine, test sàng lọc Covid-19 thường xuyên, cung cấp giấy tờ đi đường cho tài xế, đồng thời tốn nhiều chi phí hơn để đảm bảo yếu tố an toàn trong phòng dịch cho shipper và cả người dùng.

Cùng với đó, nhiều người tiêu dùng cũng bày tỏ sự cảm thông khi giá dịch vụ giao hàng vài tuần qua  tăng cao hơn giai đoạn bình thường.

“Thật ra với tình hình ai cũng có cái khổ riêng này, cá nhân tôi cũng cảm thấy sẵn sàng để trả mức giá cao hơn, thậm chí hỗ trợ thêm phần nào để tương xứng với công sức của các bác tài mùa dịch”, chị Kim Phụng, 34 tuổi, một khách đặt nhu yếu phẩm chia sẻ.

Đáng mừng, từ ngày 16/9 vừa qua, TP. HCM đã nới lỏng một số hoạt động, cho phép shipper được phép hoạt động liên quận, huyện từ 6h đến 21h, nhiều loại hình kinh doanh được mở trở lại, hàng quán được phép bán mang về...

Cùng với quyết tâm tăng tốc chiến dịch tiêm chủng, việc nới lỏng cũng đang mở ra hy vọng về trạng thái bình thường mới trong việc cung ứng hàng hoá cho người dân. Tình trạng thiếu hụt shipper cũng được giải tỏa khi thành phố có khoảng 92.000 shipper đăng ký hoạt động.

Trong vài ngày trở lại đây, giá cước ship tại TP. HCM đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Một ly trà sữa trước đây phải chịu mức phí ship lên tới 60.000-70.000 đồng thì hiện nay đã giảm xuống chỉ còn hơn 30.000 đồng. Đã không còn cảnh phí ship quá tiền hàng, hay một tô bún đội lên trăm nghìn chỉ vì ship đắt.

Với những nỗ lực của cơ quan quản lý, doanh nghiệp cũng như đội ngũ shipper, kỳ vọng trong thời gian tới, hoạt động cung ứng hàng hoá tại TP. HCM cũng như các tỉnh thành sẽ thuận lợi hơn nữa.

Tiêu Tương

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên