Một khu vực sắp trở thành 'siêu cường hàng hoá' của thế kỷ: 'Trời cho' hàng loạt mỏ kho báu cả thế giới cần, Mỹ và Trung Quốc đều không muốn chậm chân
Sở hữu những mỏ kim loại mà cả thế giới cần cùng lợi thế sản xuất, xuất khẩu lương thực cực kỳ lớn, khu vực này được dự đoán sắp bùng nổ để trở thành "siêu cường hàng hoá".
Bên dưới sa mạc Atacama của Chile là những mỏ muối lithium khổng lồ - loại quặng kim loại nhẹ, mềm được sử dụng để chế tạo pin dung lượng cao. Hoạt động khai thác ở khu vực này được thực hiện bởi SQM, một nhà sản xuất lithium hàng đầu thế giới đến từ Chile.
Quá trình khai thác các mỏ này là sự khởi đầu của chuỗi cung ứng với “điểm cuối” là pin lithium, cung cấp năng lượng cho xe điện. Theo IEA, số lượng xe điện trên toàn cầu sẽ tăng ít nhất gấp 10 lần vào năm 2030, lên 250 triệu chiếc. Kể từ năm 2018, lượng lithium hàng năm mà SQM khai thác đã tăng gấp 3 lần lên 180.000 tấn, chiếm 1/4 tổng sản lượng toàn cầu và có thể tăng lên 210.000 tấn vào năm 2025.
Châu Mỹ Latinh là khu vực quen thuộc với việc cung cấp nguyên liệu thô cho thế giới và sắp trên đà bùng nổ. Nhiều yếu tố đang thúc đẩy khu vực này trở thành siêu cường hàng hoá của thế kỷ này.
Quá trình chuyển đổi xanh đã đẩy mạnh nhu cầu đối với các loại kim loại, khoáng sản mà Mỹ Latinh sở hữu nguồn cung cực lớn. Khu vực này cung cấp hơn 1/3 lượng đồng cho thế giới, được sử dụng trong hệ thống dây điện và tuabin giá.
Ngoài ra, Mỹ Latinh cung cấp 1/2 lượng bạc cho toàn cầu, thành phần trong các tấm pin mặt trời. Họ cũng có nguồn cung ngũ cốc, động vật, cafe và đường dồi dào để phục vụ số lượng dân ngày càng tăng trên thế giới.
Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến các nước có xu hướng đầu tư vào những khu vực tương đối trung lập.
Sở hữu nguồn cung năng lượng, lương thực cực “khủng”
21 trên 33 quốc gia Mỹ Latinh có hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ. Họ chủ yếu xuất khẩu khoáng sản và thực phẩm, chứ chưa phải năng lượng. Lĩnh vực này vốn chỉ chiếm ưu thế ở Venezuela và Colombia.
Nhu cầu từ quá trình chuyển đổi xanh có thể sẽ bền vững hơn so với sự bùng nổ của dầu mỏ, than đá và thép trong những năm 2000. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi năng lượng quy mô toàn cầu lại đòi hỏi đầu tư trong nhiều thập kỷ.
Các công nghệ thải ít carbon cần nhiều khoáng vật hơn so với công nghệ truyền thống. Một chiếc ô tô điện chứa nhiều đồng gấp 3-4 lần so với ô tô chạy xăng. Việc lắp đặt 1 MW điện ở trang trại gió ngoài khơi cũng cần lượng kim loại hiếm gấp 6 lần so với nhà máy chạy bằng khí đốt.
Trong “cuộc đua” này, Mỹ Latinh đang trở thành khu vực nổi bật. Họ sở hữu trữ lượng lớn khoáng sản và kim loại quan trọng. Dù đai khai thác trong nhiều thập kỷ, Chile và Peru vẫn nắm giữ 30% trữ lượng đồng có thể khai thác của thế giới.
Châu Mỹ Latinh là nơi sản xuất gần 60% lượng lithium. Bolovia có nguồn cung thiếc lớn - được dùng là chất hàn trong các linh kiện điện. Brazil có than chì và hiện tại mới chỉ 30% các mỏ trong lòng đất được khám phá.
Ở Mỹ Latinh, các kim loại này thường dễ khai thác hơn những nơi khác. Khai thác lithium bằng cách bay hơi rẻ hơn so với khoan từ đá, như đang thực hiện ở Úc hay Trung Quốc. Đất hiếm của Brazil cũng nằm gần mặt đất hơn. Điều mà khu vực này cần là những con đường và bến cảng khang trang hơn, song vẫn hiện đại hơn châu Phi hay một số khu vực ở châu Á.
Khai thác và chế biến khoáng sản tiêu tốn nhiều năng lượng nhưng khu vực này có thể sử dụng nguồn điện xanh, giá rẻ. Năng lượng tái tạo chiếm 45% lượng sử dụng năng lượng ở Brazil, tỷ lệ cao nhất nhì thế giới. Chile đặt mục tiêu sản xuất năng lượng xanh rẻ nhất vào năm 2030, nhờ đường biển dài 6.500 km, phía bắc nhiều nắng và phía nam có nguồn năng lượng gió dồi dào.
Nhu cầu ngày càng lớn đối với thực phẩm từ Mỹ Latinh cũng có thể sẽ kéo dài. Đến năm 2050, dân số toàn cầu được dự báo sẽ tăng từ 1,5 tỷ lên 9,7 tỷ người và tầng lớp trung lưu tăng gấp đôi lên 6 tỷ người.
Châu Mỹ Latinh là nhà xuất khẩu lương thực lớn nhất thế giới, nhờ diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, trong khi số lượng dân tương đối thấp. Khu vực này cung cấp 60% lượng đậu tương được giao dịch trên thế giới, loại lương thực Trung Quốc nhập khẩu để “nuôi” 450 triệu con heo.
Khu vực này cũng cung cấp hơn 30% nguồn cung ngô, thịt bò, thịt gia cầm và đường cho thế giới. Dự kiến xuất khẩu ròng lương thực sẽ tăng 17% trong thập kỷ tới và đạt 100 tỷ USD.
Kế hoạch phát triển có thể thấy rõ ở cảng Santos, bang São Paulo của Brazil. Trong những toà nhà cũ kỹ, COFCO International, chi nhánh thương mại của nhà sản xuất thực phẩm thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, đang xây dựng 1 nhà ga thứ 2. Mục đích là tăng công suất xuất khẩu từ 3 triệu tấn lên 14 triệu tấn vào năm 2026. Brazil chiếm 40% đầu tư toàn cầu của doanh nghiệp này.
Ngoài ra, Mỹ Latinh còn có lợi thế về địa chính trị. Khi sự cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng, các quốc gia đang đa dạng hoá nguồn nhập khẩu và đầu tư.
Khu vực này giữ lập trường trung lập, mở cửa cho hoạt động đầu tư và nằm gần các địa điểm sản xuất ở biên giới phía bắc. Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ quy định, từ năm 2027, 80% giá trị thị trường của các loại khoáng chất quan trọng cho xe điện phải được khai thác ở Mỹ hay 1 trong những nước mà họ ký thoả thuận thương mại tự do, như Chile, Peru và Mexico.
Những thách thức của Mỹ Latinh
Có thể thấy, toàn bộ những yếu tố này đang mang lại lợi thế lớn cho Mỹ Latinh. Song, họ vẫn còn gặp nhiều trở ngại.
Dòng tiền đầu tư là một trong số đó. Công ty dữ liệu Wood Mackenzie ước tính từ nay đến 2040, Mỹ Latinh cần ít nhất 575 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu đồng trên toàn cầu, còn với lithium cần gần 40 tỷ USD đến năm 2030.
Năm ngoái, hoạt động tìm kiếm “vàng xanh” ở Mỹ Latinh đã nhận được những khoản đầu tư lớn. Appian Capital, công ty ở London đầu tư vào khai thác mỏ, sẵn sàng triển khai 70% vốn ở khu vực này trong 10-15 năm tới.
Tuy nhiên, trữ lượng khoáng sản của Mỹ Latinh rất lớn nhưng các công ty khai thác cho biết phải mất 5 năm nữa các mỏ mới có thể hoạt động.
Hơn nữa, lượng quặng đồng của Chile đã giảm xuống mức thấp, khiến các công ty khai thác phải đào sâu hơn nữa để tìm kiếm. Tình trạng lũ lụt hồi đầu năm nay đã khiến các mỏ đồng ở Chile và Peru phải đóng cửa.
Sau thời kỳ hàng hoá tăng bùng nổ vào năm 2013, nền kinh tế các khu vực trong Mỹ Latinh chỉ tăng trưởng với tốc độ hàng năm khoảng 1% so với 4,1% ở thập kỷ trước. Khi quá trình chuyển đổi xanh trở thành xu thế và những vấn đề địa chính trị có thể gây xáo trộn cho hoạt động xuất khẩu chỉ trong 1 đêm, thì giá cả hàng hoá sẽ biến động mạnh.
Dù việc phát triển lĩnh vực khai thác, xuất khẩu khoáng sản không hề dễ dàng, nhưng cơn sốt hàng hoá mới này có thể sẽ khiến cả khu vực Mỹ Latinh “đổi đời”.
Tham khảo Economist
Nhịp sống thị trường
- Ngủ quên trên chiến thắng quá lâu, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới giờ đây bị gán mác ‘gã ốm yếu’ của châu Âu, bị Mỹ và Trung Quốc bỏ xa trong kỷ nguyên công nghệ
- Buồn của Trung Quốc: Tỷ lệ thất nghiệp tăng kỷ lục, người trẻ lũ lượt về quê ‘nghỉ hưu non’, ‘viện dưỡng lão’ cho thanh niên mọc lên nhan nhản
- Trung Quốc rộ lên xu hướng 'suất ăn cho người nghèo', chuyên gia nhận định tình hình hiện tại như 'thập kỷ mất mát' ở Nhật Bản
- Không phải Trung Quốc, quốc gia này mới là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ
- Nền kinh tế được dự đoán vượt Đức, Nhật Bản trong 3 năm tới mạnh đến mức nào: Không tạo ra phép màu kinh tế từ sản xuất, đây mới là 3 trụ cột định hình số phận 1,4 tỷ dân