MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một mặt hàng của Việt Nam được Nhật Bản săn lùng sau khi Trung Quốc cấm xuất khẩu, nhóm cổ phiếu liên quan "bốc đầu" tăng mạnh, kỳ vọng hưởng lợi nhờ chính sách mới

Một mặt hàng của Việt Nam được Nhật Bản săn lùng sau khi Trung Quốc cấm xuất khẩu, nhóm cổ phiếu liên quan "bốc đầu" tăng mạnh, kỳ vọng hưởng lợi nhờ chính sách mới

Nhóm cổ phiếu này kỳ vọng hưởng lợi từ Luật thuế giá trị gia tăng sẽ được thông qua trong năm 2024 và chính thức có hiệu lực từ 2025.

Hoà chung với sự sôi động của thị trường, nhóm cổ phiếu phân bón cũng đua nhau bứt phá. "Bộ đôi" đầu ngành là DPM và DCM gây ấn tượng với mức tăng mạnh, riêng DPM tăng kịch trần, trắng bên bán. Điều đáng nói, cả hai cổ phiếu này đều có thanh khoản đột biến so với khối lượng bình quân, DPM khớp lệnh hơn 13 triệu đơn vị, DCM cũng không kém cạnh với gần 10 triệu đơn vị "sang tay". Bên cạnh đó, loạt mã như LAS, PMB, DDV cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng trên 2%.

Capture.PNG

Đà tăng của nhóm cổ phiếu phân bón xuất hiện sau những thông tin tích cực về tình hình xuất khẩu của ngành. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan tính đến ngày 15/5, Việt Nam đã xuất khẩu được 664.202 tấn phân bón, đạt 270 triệu USD, tăng 11,7% về lượng và tăng 6,7% về trị giá so với cùng kỳ.

Riêng 4 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu phân bón sang 10 thị trường, trong đó Campuchia vẫn giữ vị trí là khách hàng lớn nhất với sản lượng đạt 145.793 tấn, tương đương trị giá hơn 59 triệu USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ.

Xét về mặt tăng trưởng, lượng phân bón xuất khẩu sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc) ghi nhận tăng trưởng đột biến 511%, lên mức 14.548 tấn, kim ngạch tăng 454% so với cùng kỳ, đạt 6,1 triệu USD. Phân bón xuất khẩu sang Nhật Bản cũng tăng trưởng 3 con số với lần lượt +464% về lượng và +450% về giá trị, đạt lần lượt 15.084 tấn và 6,6 triệu USD.  

Thực tế, kể từ khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm xuất khẩu phân ure, các quốc gia châu Á đều đang đổ xô tìm nguồn cung thay thế, trong đó có Việt Nam. Các chuyên gia dự báo nguồn cung phân bón sẽ ngày càng thắt chặt do hai nhà cung cấp lớn của thế giới là Trung Quốc và Nga hạn chế xuất khẩu và điều này có thể khiến giá phân bón trong năm 2024 tăng nhẹ so với các năm trước.

Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho rằng năm 2024 sẽ là năm các doanh nghiệp ngành phân bón, hóa chất có sự bứt phá mạnh trong doanh thu và lợi nhuận. Giá phân urê đã tăng trưởng 11% trong quý 1 vừa qua có thể tiếp tục tăng trong các tháng tới, do tác động từ việc hạn chế nguồn cung của Nga và Trung Quốc.

Đây là động lực giúp cho các doanh nghiệp lớn ngành phân đạm như DPM, DCM tăng trưởng mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận. MASVN dự báo doanh thu năm 2024 của DPM sẽ tăng 24%, lợi nhuận sau thuế tăng 169%, DCM doanh thu tăng 24% và lợi nhuận sau thuế tăng 111% so với 2023. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu phân bón số lượng lớn khác, cũng sẽ hưởng lợi lớn do mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với phân bón DAP, NPK đã giảm xuống 0% từ 15/7/2023.

Kỳ vọng hưởng lợi nếu được áp thuế VAT

SSI Research cũng ước tính lợi nhuận năm 2024 của các công ty phân bón tăng 40% so với cùng kỳ. Định giá của các công ty phân bón cao hơn mức P/E giai đoạn 2021-2022 là 6x khi các doanh nghiệp có lợi nhuận cao đột biến nhưng vẫn thấp hơn P/E trung bình giai đoạn 2015-2020 là 12x.

Yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu được SSI Research đánh giá xoay quanh tình hình xung đột ở Trung Đông kéo dài có thể làm gián đoạn nguồn khí đốt tự nhiên và nguồn cung urê trong khu vực đó và điều này sẽ tạo cơ hội cho các nước xuất khẩu urê khác bao gồm Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu phân bón đang được đánh giá hưởng lợi lớn nhờ Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ được đưa ra thảo luận trong kỳ họp tháng 5/2024. Theo đó, Bộ Tài chính loại bỏ phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, đồng thời bổ sung mặt hàng này vào diện chịu thuế 5%. Đây là điều doanh nghiệp mong mỏi hơn 10 năm qua, một khi áp dụng thuế 5% được khấu trừ đầu vào, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ hồi phục đáng kể so với giai đoạn trước đó.

Chứng khoán BSC kỳ vọng Luật thuế giá trị gia tăng sẽ được thông qua trong năm 2024 và chính thức có hiệu lực từ 2025 giúp DPM tăng khả năng cạnh tranh với phân bón nhập khẩu nhờ (1) Phân bón nhập khẩu vào trong nước sẽ phải chịu thuế VAT 5% như phân bón nội địa; giá bán sẽ tùy thuộc vàocung cầu thị trường; (2) DPM sẽ được hoàn thuế VAT đầu vào, ước tính khoảng 500 tỷ VND mỗi năm từ đó giúp giảm giá thành đầu vào và tăng khả năng cạnh tranh.

Linh Chi

An ninh Tiền tệ

Trở lên trên