MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một mặt hàng quan trọng trên thị trường sẽ tiếp tục tăng giá, Việt Nam có 1.000 doanh nghiệp sản xuất

12-01-2024 - 21:42 PM | Thị trường

Theo Bộ Tài chính, Việt Nam có khoảng 1.000 doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này, với sản lượng khoảng 11 triệu tấn.

Ngành phân bón sẽ phục hồi

Đối với sản xuất nông nghiệp, phân bón là vật tư quan trọng hàng đầu bởi nó chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành của trồng trọt. Ngành trồng trọt hiện chiếm từ 64 - 68% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp.

Trong số các loại phân bón, phân đạm (nitrogen) là mặt hàng phân bón quan trọng nhất thế giới khi chiếm 56% tổng sản lượng tiêu thụ toàn cầu giai đoạn 2015 – 2022. Theo sau là phân lân(Phosphate) và Phân kali (Potash) lần lượt chiếm tỷ trọng khoảng 24% và 19% tổng sản lượng tiêu thụ phân bón trong giai đoạn này.

Một mặt hàng quan trọng trên thị trường sẽ tiếp tục tăng giá, Việt Nam có 1.000 doanh nghiệp sản xuất - Ảnh 1.

Theo Hiệp hội Phân bón thế giới (IFA), tổng sản lượng phân bón thế giới năm 2023 ước tính phục hồi tích cực 4% trong năm 2023, trước khi tăng tiếp 1,8% trong 2024. Giá phân bón thế giới được dự báo tăng trong quý 1/2024, đặc biệt là chủng loại dẫn dắt thị trường là đạm ure.

Dự báo IFA cho thấy giá phân ure thế giới sẽ tăng do quốc gia sản xuất ure lớn thứ hai thế giới là Nga (chiếm 14% thị trường xuất khẩu toàn cầu) tiếp tục chính sách áp hạn ngạch xuất khẩu phân bón đến tháng 5/2024 để bảo vệ thị trường nội địa.

Trong khi, Rabobank dự báo có phần lạc quan hơn với mức tăng chung cho mảng phân bón toàn cầu năm 2023 và 2024 lần lượt đạt 3% và 5%. Đây là cơ sở kỳ vọng cho triển vọng chung ngành phân bón thế giới sẽ cải thiện trong năm 2024.

Một mặt hàng quan trọng trên thị trường sẽ tiếp tục tăng giá, Việt Nam có 1.000 doanh nghiệp sản xuất - Ảnh 2.


Việt Nam có khoảng 1.000 doanh nghiệp sản xuất phân bón

Tại Việt Nam, theo Bộ Tài chính có khoảng 1.000 doanh nghiệp sản xuất phân bón, với sản lượng khoảng 11 triệu tấn phân bón ở cả 2 dòng sản phẩm chính là phân bón vô cơ lẫn hữu cơ.

Việt Nam đang là quốc gia chuyển hóa nhanh từ sử dụng phân bón vô cơ nguồn gốc hóa học sang hữu cơ theo nhịp phát triển chung của toàn thế giới. 

Theo Cục bảo vệ thực vật, tỷ trọng sản lượng phân bón hữu cơ và vi sinh đã tăng từ mức 6,3% (năm 2017) lên 23% (tính đến tháng 6/2022), với định hướng mục tiêu tỷ lệ sẽ tăng 25% vào năm 2025. Đây là định hướng phát triển chung trong dài hạn của ngành phân bón. Các doanh nghiệp nào tận dụng được việc chuyển đổi này sẽ được hưởng lợi trong dài hạn.

Một mặt hàng quan trọng trên thị trường sẽ tiếp tục tăng giá, Việt Nam có 1.000 doanh nghiệp sản xuất - Ảnh 3.

Thị trường phân bón trong nước tập trung ở mảng Ure, nhưng phân mảnh ở mảng NPK, Kali, Supe Lân. Mảng Ure có tổng công suất nhà máy sản xuất cả nước ở mức 2,66 triệu tấn/năm, nhưng thị phần trong tay 4 doanh nghiệp là Đạm Cà Mau (DCM), Đạm Phú Mỹ (DPM), Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc.

Mảng NPK có tổng công suất nhà máy sản xuất ở mức trên 3,7 triệu tấn/năm. Thị trường NPK phân mảnh với rất nhiều doanh nghiệp tham gia. Mặc dù, Bình Điền (BFC) đang là doanh nghiệp có thị phần tiêu thụ NPK lớn nhất vào khoảng 15%.

Mảng DAP có công suất sản xuất toàn mảng vào khoảng gần 1 triệu tấn/năm. Thị trường phân mảnh. Các doanh nghiệp thị phần lớn bao gồm: DAP – Vinachem, Apromaco và Hà Anh. Cuối cùng là mảng Phân lân với công suất ở mức 1,2 triệu tấn với top thị phần lớn là Apromaco, Hà Anh và Văn Điển.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2023, ngành phân bón trong nước chịu áp lực suy giảm cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Tổng doanh thu thuần 9 tháng năm 2023 của các doanh nghiệp phân bón niêm yết trên sàn ghi nhận mức giảm 19% doanh thu và giảm đến 94% về lợi nhuận sau thuế.

Một mặt hàng quan trọng trên thị trường sẽ tiếp tục tăng giá, Việt Nam có 1.000 doanh nghiệp sản xuất - Ảnh 4.

Tại Việt Nam, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (DPM) là doanh nghiệp xuất khẩu ure hàng đầu Việt Nam. Đây cũng là sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp. 

Trong 9 tháng đầu năm 2023, DPM ước sản xuất được gần 591 nghìn tấn (giảm 14.7% so với cùng kỳ), tuy nhiên sản lượng kinh doanh đạt 684 nghìn tấn (tăng 7% so với cùng kỳ) nhờ đẩy mạnh mở rộng thị trường, và thúc đẩy xuất khẩu. Dòng sản phẩm NPK đứng vị trí thứ 2 trong cơ cấu sản phẩm với hơn 104 nghìn tấn NPK được sản xuất và kinh doanh.

Tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2023 của DPM đạt 10,309 tỷ đồng (giảm 30,7%), và lợi nhuận sau thuế ở mức 425 tỷ đồng (giảm 90,4%). Biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ mức 42,3% xuống mức 13% trong cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Chứng khoán Mirae Asset, trong năm 2024, hoạt động kinh doanh của DPM khả quan. Tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công tuy lần lượt tăng 24% và 169%. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ mức 15,3% trong năm 2023 lên mức 22,5% trong năm 2024. Sản lượng phân bón kinh doanh ước đạt hơn 1,4 triệu tấn (tăng 8,2%), trong đó ure tăng 3,6% đạt gần 1 triệu tấn và NPK tăng 12% đạt hơn 150 nghìn tấn.

Nguyên nhân công ty chứng khoán này đưa ra là bởi xu hướng hồi phục giá bán ure ở trên toàn cầu và hỗ trợ thúc đẩy kinh tế với Trung Quốc sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam được hưởng lợi.


Theo Pha Lê

Đời sống và Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên