Một mặt hàng từ Bờ Biển Ngà ồ ạt đổ bộ thị trường trong nước, VN nhiều vô kể, xuất khẩu thứ 4 thế giới
Hạt điều là một mặt hàng khá quen thuộc tại thị trường Việt Nam. Đây cũng là một trong những sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường quốc tế.
- 13-12-2023Dưa hấu Việt có 'visa' xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
- 13-12-2023Philippines là thị trường xuất khẩu gạo số 1 của Việt Nam
- 13-12-2023Hết gạo đến đường, lúa mì rồi hành - vì sao Ấn Độ liên tục thắt chặt xuất khẩu hàng loạt nông sản quan trọng?
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, ước tính xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong tháng 11/2023 đạt 65 nghìn tấn, trị giá 358 triệu USD, tăng 1,1% về lượng và tăng 0,03% về trị giá so với tháng 10/2023; so với tháng 11/2022, tăng 34,5% về lượng và tăng 30,7% về trị giá.
Tính chung 11 tháng năm 2023, xuất khẩu hạt điều của nước ta ước đạt 582 nghìn tấn, trị giá 3,31 tỷ USD, tăng 23,1% về lượng và tăng 17,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Về cơ cấu chủng loại, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu chủng loại hạt điều W320, W240, W180, tỷ trọng chiếm 63,51% tổng lượng và 69,84% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất hạt điều của Việt Nam, tuy nhiên, Trung Quốc đang nổi lên là một người mua tích cực.
Ở chiều ngược lại, trong 11 tháng năm 2023, các doanh nghiệp trong nước cũng nhập khẩu một lượng lớn sản phẩm hạt điều thô (nguyên liệu). Cụ thể, 11 tháng Việt Nam đã nhập khẩu gần 2,7 triệu tấn hạt điều, đạt kim ngạch 3 tỷ USD, tăng lần lượt 46,5% và 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
5 thị trường cung cấp hạt điều thô lớn nhất cho Việt Nam gồm: Bờ Biển Ngà, Campuchia, Nigeria, Ghana và Tanzania. Trong đó, đáng chú ý nhất là hạt điều nhập từ Bờ Biển Ngà đã tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Bờ Biển Ngà hiện nay là nhà cung cấp hạt điều lớn nhất thế giới, dẫn đầu sản lượng với gần 800.000 tấn trong năm 2022. Theo sau là Ấn Độ, Burundi và Việt Nam.
Theo số liệu thống kê, Việt Nam đang tăng mạnh nhập khẩu mặt hàng này từ Bờ Biển Ngà. Lượng điều nhập khẩu từ Bờ Biển Ngà lên tới 850.000 tấn, giá trị đạt 919,3 triệu USD, tăng gần 87% về lượng và hơn 56% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nhập khẩu mặt hàng này từ Bờ Biển Ngà cũng đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.165 USD/tấn, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi Việt Nam nhập khẩu hạt điều ở Bờ Biển Ngà tăng thi các thị trường nhập khẩu truyền thống của Việt Nam có sự sụt giảm. Mức giảm mạnh nhất là từ thị trường Campuchia, giảm gần 14% về lượng và hơn 23% về giá trị, xuống còn 613.000 tấn, với khoảng 835 triệu USD. Dù có sự sụt giảm nhưng Campuchia vẫn là thị trường cung cấp điều thô lớn thứ hai cho Việt Nam.
Hiệp hội Điều Việt Nam - Vinacas cho biết, Việt Nam tăng nhập hạt điều thô do nguồn cung nội địa thấp, chỉ đáp ứng được khoảng 30% công suất chế biến. Hiện diện tích trồng điều của Việt Nam chỉ khoảng 300.000 ha. Ngoài ra, năm nay giá hạt điều nhập khẩu giảm mạnh nên doanh nghiệp tăng mua số lượng lớn.
Tại Việt Nam, Bình Phước có diện tích trồng điều lớn, chiếm gần 50% diện tích cả nước nên được xem là thủ phủ điều của Việt Nam. Cây điều chiếm hơn 30% tổng diện tích cây lâu năm và trên 33% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Diện tích trồng của tỉnh đạt trên 150.000 ha, tập trung chủ yếu tại vùng chuyên canh lớn thuộc các huyện: Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Đồng Phú. Sản lượng ước tính gần 200.000 tấn, đáp ứng nhu cầu chế biến với công suất từ 20 - 30%, còn lại chủ yếu là nhập khẩu. Trong năm 2022, sản lượng xuất khẩu ước đạt 171.000 tấn, giảm 16,75% so với cùng kỳ năm 2021, sản lượng nhập khẩu đạt 750.000 tấn, giảm 27,37% so với cùng kỳ năm 2021.
Bình Phước cũng là tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng cơ sở chế biến hạt điều với hơn 1.400 cơ sở quy mô nhỏ và vừa, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 50.000 lao động địa phương.
Phụ nữ số