Từ một quan sát nhỏ khi đi buôn pha lê đã giúp ông Đỗ Minh Phú gây dựng công ty băng vệ sinh Diana trị giá 200 triệu USD
Khoản tiền vài nghìn tỷ thu được từ bán Diana Việt Nam vào năm 2011 lại tiếp tục "sinh sôi nảy nở" khi được ông Phú dùng để mua cổ phần của ngân hàng Tiên Phong với giá rất thấp khi ngân hàng này gặp khó khăn.
- 31-08-2017Lý lịch "khủng" của công ty DPV vừa mua 5% cổ phần FIT: Vốn nghìn tỷ, Doji và Phó Chủ tịch Sacombank là cổ đông sáng lập
- 16-10-2015"Đổi" Diana lấy 4.000 tỷ: Ông Phú đã bán quá rẻ?
Năm 2011, hai doanh nghiệp Việt rất thành công trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng là ICP - công ty sản xuất dầu gội X-Men và Diana Việt Nam - công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất bỉm, băng vệ sinh đã bất ngờ "bán mình" cho các tập đoàn nước ngoài.
Khi đó, Tập đoàn Nhật Bản Unicharm đã chi 184 triệu USD để mua lại 95% cổ phần của Diana từ phía gia đình ông Đỗ Minh Phú cùng các cổ đông khác - tương ứng định giá công ty này ở mức gần 200 triệu USD.
Unicharm là công ty đứng đầu châu Á về thị phần bỉm, băng vệ sinh nhưng lại chậm chân trong việc khai thác thị trường Việt Nam nên hãng đã quyết định mua lại Diana để tiết kiệm thời gian thâm nhập thị trường.
Chia sẻ trong chương trình "Quốc gia khởi nghiệp" trên VTV1 vào tối 22/9, ông Đỗ Minh Phú cho biết, Diana được thành lập vào năm 1997 và chỉ trong vài năm đã tăng trưởng chóng mặt dù phải cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia.
Cơ duyên đưa ông Phú đến với lĩnh vực kinh băng vệ sinh hết sức tình cờ. Ông cho biết: "Tại thời điểm đấy, tôi có một cậu em trai làm nghiên cứu sinh ở Tiệp Khắc - đất nước rất nổi tiếng về sản phẩm pha lê. Những lần cậu em trai gửi pha lê Tiệp về nước đều sử dụng băng vệ sinh để kê, chèn bảo quản. Sau khi nghiên cứu, chúng tôi nghĩ rằng sản phẩm này là một nhu cầu vô cùng thiết yếu mà thị trường lúc đó còn sơ khai". Sau đó, ông Phú cùng người em trai Đỗ Anh Tú của mình đã bắt tay vào việc xây dựng công ty Diana.
Về lý do bán lại Diana, ông Phú cho biết, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 đã tác động rất nhanh vào Việt Nam, mặt bằng lãi suất lên đến 20-21% khiến các doanh nghiệp sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Nếu muốn đưa Diana tiếp tục vươn xa, ra khỏi biên giới thì sẽ gặp rất nhiều thách thức. Hơn nữa, thị trường lúc đó cũng còn rất nhiều cơ hội kinh doanh khác do vậy ông Phú đã quyết định thoái vốn khỏi Diana. Trước khi bán lại Unicharm vào năm 2011, Diana Việt Nam đã bán 30% cổ phần cho Goldman Sachs và Chứng khoán Thiên Việt Nam từ năm 2008.
Với khoản tiền lớn thu được từ bán Diana Việt Nam, ông Đỗ Minh Phú đã đầu tư vào Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), 1 trong 9 ngân hàng yếu kém vào thời gian đó phải tiến hành tái cấu trúc. Sau vài năm dưới sự lãnh đạo của ông Phú, TPBank đã thoát khỏi tình trạng khó khăn và lợi nhuận liên tục tăng trưởng từ năm 2012 đến nay.
Về phía Diana, sau khi về với ông chủ mới, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này cũng tăng trưởng rất ấn tượng. Mức giá gần 4.000 tỷ đồng cho một doanh nghiệp có doanh thu 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận chỉ 40 tỷ vào năm 2010 khiến khá nhiều người ngạc nhiên.
Tuy nhiên, ngay trong năm 2011, Diana có có sự tăng trưởng mạnh: đạt 1.700 tỷ doanh thu và và 100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Diana tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao trong các năm sau đó. Chỉ sau 3 năm kể từ khi “đổi chủ”, tình hình tài chính của Diana đã thay đổi rõ rệt. Kết thúc năm 2014, công ty đạt 3.900 tỷ doanh thu và hơn 800 tỷ lợi nhuận sau thuế.
Với P/E bình quân của các công ty lớn trong ngành sản xuất hàng tiêu dùng ở mức 15-20 lần, thì giá trị hợp lý của của Diana phải ở mức 12-15.000 tỷ đồng (500-700 triệu USD).
Điều này cho thấy phía ông Đỗ Minh Phú và Doji đã bán đi Diana với giá khả rẻ. Nếu giữ lại Diana đến ngày nay mới bán thì sẽ thu được số tiền lớn hơn 184 triệu USD rất nhiều.
Tất nhiên đó cũng chỉ là “nếu như”. Liệu Diana có đạt được kết quả như ngày nay nếu không có Unicharm? – vấn đề này chỉ những người trong cuộc mới biết được. Dù sao, số tiền thu được từ bán Diana cũng đã được ông Phú đầu tư rất hiệu quả vào việc tái cấu trúc TPBank.
Trí Thức Trẻ