Một mình "cánh én nhỏ" Dương Công Minh liệu có làm nên "mùa Xuân"?
Theo nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, điều quan trọng bây giờ là vị Tân chủ tịch ngân hàng Sacombank nên làm quen với ngân hàng trước thay vì vội vàng đưa ra mục tiêu về lợi nhuận bởi LienVietPostBank và Sacombank sẽ có những văn hóa, chiến lược và thị trường riêng.
- 03-07-2017Một mình "cánh én nhỏ" Dương Công Minh liệu có làm nên "mùa Xuân"?
- 01-07-2017[Hồ sơ] Ông Dương Công Minh, tân chủ tịch Sacombank
- 30-06-2017Ông Dương Công Minh: Từ chủ soái Him Lam, Liên Việt đến người quyền lực nhất Sacombank
- 30-06-2017Ông Dương Công Minh nói gì sau khi đắc cử Chủ tịch Sacombank?
- 30-06-2017Ông Dương Công Minh được bầu vào HĐQT Sacombank với tỷ lệ cao nhất, tới hơn 198%
- 30-06-2017ĐHĐCĐ Sacombank: Ông Dương Công Minh làm chủ tịch Sacombank
-
Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn
Một vị thuyền trưởng có làm nên chuyện lớn?
Sau bao nhiêu chờ đợi, cuối cùng, ĐHĐCĐ thường niên năm tài chính 2015-2016 của ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã: STB) cũng đã được diễn ra vào ngày 30/6 của năm 2017.
Và cũng sau nhiều đồn đoán, nhân vật được lựa chọn ngồi vào “ghế nóng” ngân hàng đã được gọi tên – ông Dương Công Minh, cựu Chủ tịch ngân hàng Liên Việt và là Chủ tịch tập đoàn Him Lam.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực ngân hàng và bất động sản, ông Minh được kỳ vọng sẽ mang lại một làn gió mới cho Sacombank, giúp ngân hàng nhanh chóng thực hiện đề án tái cơ cấu, giải quyết triệt để nợ xấu, vốn tồn đọng phần lớn ở các bất động sản.
Ngay sau khi đắc cử vị trí Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Dương Công Minh khẳng định sẽ đưa lợi nhuận trong năm của ngân hàng lên hơn 1.000 tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi về những cơ hội mới của ngân hàng Sacombank khi vừa trải qua cuộc "thay máu" nhân sự, TS. Nguyễn Trí Hiếu chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết ông từng tiếp xúc và làm việc với ông Dương Công Minh.
Theo đánh giá của ông Hiếu, ông Minh làm trong ngành ngân hàng từ năm 2007, cho đến nay là 1 thập niên đồng hành cùng nghề, đã có nhiều kinh nghiệm và có mối quan hệ thân thiết với ông Nguyễn Đức Hưởng – cũng là một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng.
Ngoài ra, ông Minh còn là người khá nổi tiếng trong lĩnh vực bất động sản nhiều năm. Những yếu tố này sẽ đem lại quan hệ tốt cho Sacombank. Việc thay máu sẽ làm mới kinh nghiệm, kế hoạch, chiến lược cho Sacombank.
“Sacombank hiện nay đang khó khăn trong chiến lược cho nên việc bổ sung về nhân sự như vậy là rất tích cực”, ông Hiếu đánh giá về kết quả thay "tướng" của Sacombank.
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng lưu ý Sacombank ngoài ông Dương Công Minh cần một đội ngũ tầm cỡ.
“Có lẽ mình ông Minh sẽ chẳng thể làm nên mùa Xuân, cần cả một đội ngũ lãnh đạo trong đó có nhiều người trong ngành tài chính ngân hàng”, vị chuyên gia nhận định.
Ông đồng thời khuyến cáo các ngân hàng Việt Nam hãy đặt quyền lợi người gửi tiền và mục đích của ngân hàng phục vụ cho cả nền kinh tế, tránh hiện tượng lợi ích nhóm, đặc biệt trong quá khứ đã có nhiều ông chủ ngân hàng lợi dụng ngân hàng trục lợi cho cá nhân và công ty con. Đây là điều mà ngân hàng và cơ quan quản lý cần quan tâm.
Việc đầu tiên mà vị Tân Chủ tịch Sacombank cần làm không phải là lợi nhuận
Nghị quyết xử lý nợ xấu đã được Quốc hội thông qua, đây là bước tiến quan trọng, là công cụ giúp các ngân hàng xử lý nợ xấu một cách hiệu quả hơn. Với Sacombank, một ngân hàng có lượng nợ xấu lớn từ Ngân hàng TMCP Phương Nam sau sáp nhập thì xử lý nợ xấu sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của ngân hàng trong thời gian tới đây.
Song hành với đó là phải củng cố lại việc quản trị nhân sự. Những năm qua, Sacombank có thị phần lớn và uy thế lớn trong nhóm các ngân hàng tư nhân. Từ lúc sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam, Sacombank gặp nhiều khó khăn do đó lãnh đạo cần củng cố lại vị trí của ngân hàng trên thị trường, củng cố nguồn nhân lực đặc biệt là lãnh đạo để từ đó phát triển thay vì ào ạt làm ngay để phát triển ngân hàng.
Theo quan điểm của vị chuyên gia, ông Minh không nên vội vàng đưa ra mục tiêu về lợi nhuận. Bởi lẽ nếu đưa ra một cam kết về con số lợi nhuận sẽ có 2 mặt: nếu đạt được thì tốt nhưng nếu không đạt được thì sao? Uy tín có phải giảm đi không?
Điều quan trọng bây giờ là vị Tân chủ tịch ngân hàng nên học hỏi văn hóa của Sacombank trước vì mỗi ngân hàng sẽ có những văn hóa, chiến lược và thị trường riêng.
“LienVietPostBank mang hơi hướng ngân hàng nông nghiệp, sáp nhập với Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) trong khi Sacombank là một ngân hàng thuần túy thương mại, không phải được hỗ trợ lớn của Chính phủ trong chính sách. Do vậy, sẽ không quá khi ví von rằng đây sẽ là một “cuộc chơi mới” cho ông Minh”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.
Trí Thức Trẻ