Một ngân hàng tăng mạnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn 2 năm
Theo đó, lãi suất kỳ hạn 24 tháng của nhà băng này tăng mạnh lên 8,1%/năm.
- 01-07-2023Thêm ba ngân hàng giảm lãi suất huy động từ đầu tháng 7
- 30-06-2023Đợt tuyển dụng nhân sự quy mô lớn nhất ngành ngân hàng từ đầu năm đến nay
VPBank vừa áp dụng biểu lãi suất huy động mới từ ngày 30/6. Đáng chú ý, lần điều chỉnh này, ngân hàng bổ sung thêm mốc tiền gửi 50 tỷ đồng và tăng mạnh lãi suất kỳ hạn 24 tháng.
Cụ thể, đối với các hình thức gửi tại quầy và gửi online, khách hàng gửi tiền từ 50 tỷ đồng trở lên sẽ được cộng thêm 0,1 điểm % lãi suất. Ngân hàng hầu như không thay đổi các mức lãi suất niêm yết cho tiền gửi dưới 50 tỷ đồng.
Riêng kỳ hạn 24 tháng, VPBank tăng mạnh gần 2%/năm so với trước. Cụ thể, khi gửi tại quầy và online kỳ hạn 2 năm, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất tới 7,9-8,1%/năm thay vì chỉ 6,1-6,4%/năm như trước. Như vậy, VPBank hiện là ngân hàng có lãi suất cao nhất thị trường ở kỳ hạn gửi 2 năm.
Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 36 tháng thấp hơn rất nhiều, chỉ ở mức 6,1-6,3%/năm đối với gửi tại quầy và 6,3-6,5%/năm đối với gửi online.
Lãi suất kỳ hạn 10 tháng – 13 tháng giống nhau, đều cùng 6,9-7,1%/năm (gửi tại quầy) và 7,1-7,3%/năm (gửi online).
Trên thực tế, ngoài VPBank, một số ngân hàng cũng niêm yết lãi suất với sự chênh lệch lớn giữa các kỳ hạn, lãi suất kỳ hạn 36 tháng lại thấp hơn nhiều so với kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng và thậm chí là 6 tháng.
Trong điều kiện bình thường, các ngân hàng sẽ áp dụng mức lãi suất huy động cho kỳ hạn dài cao hơn kỳ hạn ngắn do tính ổn định của nguồn vốn tốt hơn. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào cấu trúc nguồn vốn theo kỳ hạn của nhà băng đó mà lãi suất kỳ hạn ngắn có thể cao hơn kỳ hạn dài. Chẳng hạn như khi ngân hàng bị vênh cấu trúc kỳ hạn huy động và tín dụng, một số kỳ hạn bị thiếu hụt thanh khoản sẽ khiến ngân hàng phải niêm yết ở mức cao hơn.
Nhịp sống thị trường