Một ngân hàng cảnh báo người sở hữu thẻ tín dụng: Hành động sau đây là phi pháp, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Khi không có đủ tài chính để trả các khoản nợ thẻ tín dụng đến hạn thanh toán, nhiều người thường tìm đến dịch vụ này để “chữa cháy”.
- 04-12-2024Việt Nam có thể trở thành trung tâm phát triển tài sản số trong khu vực?
- 04-12-2024Chàng trai dồn tiền tiết kiệm mua vàng, 3 năm sau bán đi mua nhà 2 tỷ: Không dám liều thì khó mua được nhà
- 03-12-2024Đăng ký vay tín chấp lãi suất 0,9%/năm, người phụ nữ lập tức báo công an khi được yêu cầu nộp 16 triệu để "khắc phục lỗi mạng"
Ngày nay, nhu cầu sử dụng thẻ tín dụng đang tăng cao, kéo theo đó dịch vụ “đáo hạn” thẻ cũng khá phổ biến. Tuy nhiên, theo ngân hàng VPBank, sử dụng dịch vụ này là một hoạt động phi pháp.
Đáo hạn thẻ tín dụng là dịch vụ chủ thẻ vay tiền để trả nợ thẻ tín dụng từ bên thứ ba khi đến hạn thanh toán thẻ tín dụng mà chưa đủ khả năng tài chính. Các đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ nạp tiền vào tài khoản để thanh toán dư nợ tín dụng cho khách hàng. Sau đó, đơn vị đó sẽ tiếp tục quẹt thẻ qua máy POS để lấy lại khoản tiền mới nộp vào ngay sau khi ngân hàng cấp lại hạn mức tín dụng cho chủ thẻ ở kỳ sao kê tiếp theo. Việc thu nợ được thực hiện dưới hình thức mua hàng hóa (nhưng thực chất không mua hàng).
Dịch vụ này tưởng chừng là một cách để hỗ trợ tài chính cho chủ thẻ khi chưa đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, tuy nhiên lại tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.
Thứ nhất là những rủi ro về mặt pháp lý. Về bản chất, đáo hạn thẻ tín dụng là một hình thức vay nóng, được thực hiện bởi các cá nhân, tổ chức không chính thống. Việc rút tiền sau khi được cấp lại hạn mức là cung cấp hóa đơn dịch vụ khống cho ngân hàng, bởi khách hàng không mua đồ mà chỉ sử dụng dịch vụ rút tiền mặt. Đây là những giao dịch không hợp lệ và bị ngân hàng cấm. Việc tham gia vào các giao dịch khống có thể dẫn đến các vấn đề pháp lý nghiêm trọng, bao gồm cả việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, khách hàng có thể đối mặt với nguy cơ bị lộ thông tin cá nhân. Các đơn vị cung cấp Dịch vụ đáo hạn có thể sẽ giữ lại thẻ tín dụng cho tới khi cà thẻ rút tiền và thu phí hoặc yêu cầu chủ thẻ gửi các thông tin liên quan đến thẻ tín dụng như mã bảo mật CVV/CVC, số thẻ, ảnh CMND/CCCD, mã OTP gửi đến số điện thoại,... Đây là những thông tin quan trọng cần được bảo mật và không nên chia sẻ với bất kỳ ai. Kẻ xấu có thể lợi dụng những dữ liệu này với mục đích xấu, đặc biệt là sử dụng trong các giao dịch thanh toán trực tuyến để chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ.
Thứ ba, nếu sử dụng dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng quá nhiều và liên tục, ngân hàng sẽ cảnh báo các giao dịch khả nghi và thẻ có thể bị khóa tạm thời hoặc giới hạn chi tiêu để tiến hành theo dõi. Chủ thẻ sẽ bị ảnh hưởng đến điểm tín dụng và khó khăn cho các hoạt động tài chính sau này tại toàn bộ hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, không loại trừ khả năng người thực hiện dịch vụ đáo hạn cho chủ thẻ là các đối tượng lừa đảo, mạo danh, lợi dụng sự tín nhiệm của khách hàng để chiếm đoạt tài sản. Theo thông báo từ các Cơ quan công an, nhiều người đã “mất trắng” số tiền hàng trăm triệu đồng bởi mắc bẫy chiêu lừa này.
Mới đây (ngày 21/11/2024), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Vũ Huy Nguyên (35 tuổi, Hà Nội) vì hành vi mạo danh nhân viên ngân hàng, lừa mở thẻ tín dụng và làm dịch vụ đáo hạn thẻ, sau đó rút hết tiền trong thẻ của khách hàng và chiếm đoạt. Với thủ đoạn này, anh ta đã lừa đảo khoảng 60 người, chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng của các nạn nhân.
Rút kinh nghiệm từ những trường hợp trên, khách hàng nên có kế hoạch sử dụng thẻ phù hợp với khả năng tài chính của bản thân. Lưu ý, mọi hình thức gian lận, lách luật trong việc sử dụng thẻ tín dụng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và ngân hàng.
Sử dụng thẻ tín dụng hợp lý: Lập kế hoạch chi tiêu hợp lý, tận dụng nhiều ưu đãi của thẻ để được lợi. Chuyên gia tài chính khuyên rằng, chỉ nên đăng ký hạn mức thẻ tối đa bằng 50% thu nhập hàng tháng
Thanh toán đúng hạn: Đảm bảo thanh toán đầy đủ và đúng hạn các khoản nợ thẻ tín dụng để tránh phát sinh lãi suất cao và ảnh hưởng đến điểm tín dụng của chủ thẻ.
Tránh rút tiền mặt từ thẻ tín dụng: Bản chất của thẻ tín dụng là vay tiền ngân hàng để chi tiêu cá nhân. Chi trả cho những nhu cầu mà không cần sử dụng tiền mặt. Do đó không nên dùng thẻ tín dụng để rút tiền mặt. Bởi, khi rút tiền mặt ngân hàng sẽ tính phí với khoản tiền mà bạn đã rút.
Hiểu biết đầy đủ về các điều khoản sử dụng thẻ: Hãy tìm hiểu kỹ càng những thông tin liên quan từ phía ngân hàng để đảm bảo không bị ”mất tiền oan”.
Sử dụng dịch vụ ngân hàng chính thống: Khi khách hàng phát sinh nhu cầu tài chính gấp: Có thể vay tín chấp, Vay thấu chi, Trả góp các chi tiêu thẻ tín dụng tại ngân hàng chính thống,….. tránh sử dụng các dịch vụ lách luật, các giao dịch không rõ ràng.
Liên hệ với ngân hàng khi gặp khó khăn tài chính: Nếu gặp vấn đề trong việc thanh toán, hãy liên hệ với ngân hàng để được hỗ trợ và tìm kiếm giải pháp hợp lý, tránh rơi vào tình trạng nợ xấu.
Trong quá trình sử dụng thẻ tín dụng, nếu có vướng mắc hoặc nghi vấn lừa đảo, khách hàng cần nhanh chóng liên hệ với ngân hàng để được hỗ trợ hoặc trình báo tại các cơ quan chức năng gần nhất.
Nhịp sống thị trường