Một ngân hàng lớn vừa tăng mạnh lãi suất huy động
Lãi suất thấp đã khiến một phần dòng tiền nhàn rỗi của người dân chảy sang chứng khoán, bất động sản 2 năm qua. Để hút tiền gửi trở lại hệ thống, hàng loạt ngân hàng đã tăng lãi suất thời gian gần đây. Nhiều nhà băng đã lên kế hoạch huy động vốn tăng trưởng tới 20-30% trong năm 2022.
- 14-04-2022Gửi tiết kiệm online tháng 4/2022 ở ngân hàng nào có lãi suất cao nhất?
- 11-04-2022Nhiều ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động, lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng nào cao nhất hiện nay?
- 09-04-2022Vì sao Big 4 ngân hàng đứng ngoài cuộc đua tăng lãi suất huy động?
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mới đây đã công bố biểu lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân, áp dụng từ ngày 15/4/2022. Lần điều chỉnh này, VPBank đã tăng mạnh lãi suất ở hàng loạt kỳ hạn.
Theo đó, lãi suất cao nhất tại nhà băng này hiện nay là 6,9%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi tiết kiệm online từ 50 tỷ trở lên với kỳ hạn 36 tháng, tăng 0,2 điểm % so với trước. Đối với số tiền nhỏ hơn ở kỳ hạn 36 tháng, ví dụ từ 10 tỷ đến dưới 50 tỷ, lãi suất tăng vọt từ 6,1% lên 6,7%/năm. Hay số tiền dưới 300 triệu đồng, lãi suất tăng 0,5 điểm % lên 6,1%/năm.
Tương tự tại kỳ hạn 24 tháng, lãi suất tiết kiệm online của VPBank cũng tăng 0,4-0,5%/năm lên 6-6,8%/năm. Trong khi đó, ngân hàng giữ nguyên mức lãi suất kỳ hạn 11 tháng, 12 tháng, 6 tháng.
Đối với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, VPBank cũng tăng mạnh lãi suất ở các kỳ hạn dài. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 36 tháng 0,6-0,8 điểm % tăng lên 5,9%-6,7%/năm. Đối với khách hàng gửi dưới 300 triệu, lãi suất tăng 0,8%/năm lên 5,9%/năm. Khách hàng gửi từ 50 tỷ, lãi suất tăng 0,6 điểm % lên 6,7%/năm.
Tại kỳ hạn 24 tháng gửi tại quầy, lãi suất huy động của ngân hàng tăng từ 5,1-6,1%/năm lên 5,8-6,6%/năm, tương đương tăng 0,5-0,7%/năm, tùy vào số tiền gửi.
Hiện phân khúc khách hàng ưu tiên của VPBank khi gửi tiền từ 100 triệu đồng trở lên sẽ được cộng thêm lãi suất 0,1%/năm. Theo đó, lãi suất cao nhất tại VPBank có thể lên đến 7%/năm.
Trước đó, một ngân hàng lớn khác là MB cũng đã tăng lãi suất trong tháng 4/2022. Nhà băng này đã tăng 0,2 điểm % lãi suất tiền gửi tại kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng lên lần lượt 2,9% và 3%/năm. Hay ở kỳ hạn 36 tháng, lãi suất của MB đã tăng từ 6,4%/năm lên 6,6%/năm.
Ngoài 2 ngân hàng trên, nhiều nhà băng khác cũng đã tăng lãi suất huy động hồi đầu tháng 4 như NamABank, Techcombank, VietCapitalBank,…
Hiện lãi suất cao nhất trên thị trường là 7,8%/năm tại Techcombank, tuy nhiên chỉ áp dụng cho khách hàng có tiền gửi từ 999 tỷ đồng kỳ hạn 12 tháng. Tuy nhiên, đối với khách hàng thông thường, lãi suất tại Techcombank đang thuộc nhóm thấp nhất thị trường.
Nhiều ngân hàng đang có lãi suất trên 7% như NamABank, SCB, VietBank, VietABank,…và xấp xỉ 7%/năm có Sacombank, SHB, VPBank,…
Chênh lệch lãi suất huy động tại các ngân hàng hiện nay khá lớn. Chẳng hạn, tại kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tiền gửi của Vietcombank chỉ 4%/năm, trong khi VPBank lên tới 5,8%/năm và thậm chí những ngân hàng như SCB, NamABank lên tới 6,5-6,6%/năm.
Hầu hết các ngân hàng tư nhân đều đã tăng lãi suất từ đầu năm 2022, trong khi tại nhóm Big4 gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank, lãi suất đã đứng im trong suốt nửa năm trở lại đây.
Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng trong năm nay, nhiều ngân hàng đã đặt mục tiêu huy động vốn tăng tương ứng khá cao khoảng 10-20%, có nơi lên tới 30%. Đây có thể là lý do khiến lãi suất huy động liên tục tăng thời gian gần đây, nhằm thu hút người dân gửi tiền trở lại hệ thống.
Trước đó, trong năm 2021, tiền gửi của khách hàng tại tổ chức tín dụng chỉ tăng hơn 9%, và động lực chính là từ khách hàng doanh nghiệp, trong khi tiền gửi của khách hàng cá nhân tăng rất thấp (chỉ 3,08%). Theo các chuyên gia, một phần dòng tiền nhàn rỗi của người dân đã chuyển sang các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản,...trong 2 năm qua, khiến tăng trưởng tiền gửi vào ngân hàng thấp kỷ lục.