MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một ngân hàng tăng trưởng tín dụng hơn 13% trong quý I, cạn "room" được cấp dù có hạn mức cao nhất ngành

24-04-2023 - 20:07 PM | Tài chính - ngân hàng

Một ngân hàng tăng trưởng tín dụng hơn 13% trong quý I, cạn "room" được cấp dù có hạn mức cao nhất ngành

Chia sẻ với chúng tôi bên lề Đại hội, lãnh đạo cấp cao phụ trách mảng tài chính của ngân hàng này kỳ vọng sẽ được NHNN cấp thêm "room" tín dụng vào tháng 6 tới đây.

Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, Tổng Giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh cho biết, tăng trưởng tín dụng ngân hàng trong quý I đạt 13,17%, gần chạm hạn mức được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp hồi đầu năm.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về nguyên nhân MSB đã sử dụng gần hết "room" tín dụng dù có hạn mức cao nhất hệ thống, ông Linh cho hay: Cuối năm 2022, nhu cầu tăng trưởng tín dụng đã sẵn có, nên ngay khi được cấp "room" thì ngân hàng đã giải ngân ngay. Trong thời gian tới MSB sẽ tái cơ cấu danh mục, thu hồi lại các khoản nợ đến hạn để tối đa hóa NIM. Đồng thời, tùy vào tình hình thực tế, MSB sẽ xin NHNN cấp thêm hạn mức tín dụng.

Chia sẻ với chúng tôi bên lề Đại hội, một lãnh đạo cấp cao phụ trách mảng tài chính của MSB cho biết ngân hàng kỳ vọng sẽ được NHNN cấp thêm "room" tín dụng vào tháng 6 tới đây.

Việc MSB tăng trưởng tín dụng cao trong bối cảnh tăng trưởng chung của hệ thống ở mức thấp so với cùng kỳ các năm trước khiến một số cổ đông đặt ra câu hỏi liên quan đến chất lượng tín dụng.

Trả lời về vấn đề này, Phó Chủ tịch MSB Nguyễn Hoàng An cho biết, dù tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 13% là cao nhất (hệ thống – PV) nhưng mức tăng trên thực tế không lớn do quy mô dư nợ của MSB nhỏ hơn so với các ngân hàng khác.

“Ví dụ như Techcombank đang có mấy trăm nghìn dư nợ thì chỉ cần 4 – 5% của người ta cũng hơn 13% của mình rồi!”, ông An nhấn mạnh.

Nói thêm về vấn đề này, Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh cho biết: Danh mục tăng trưởng tín dụng của MSB được NHNN kiểm soát rất kỹ. Khi NHNN cấp hạn mức tín dụng cũng yêu cầu các ngân hàng được tăng trưởng cao phải tập trung cho vay lĩnh vực ưu tiên thì mới xét cấp tiếp; do vậy không ngân hàng không thể đầu tư nhiều vào các lĩnh vực rủi ro như BĐS, chứng khoán,...

Còn theo thông tin được ngân hàng này công bố, cho vay khách hàng tính đến cuối quý I tăng 13%, đạt gần 137.000 tỷ đồng. Trong đó, tỷ trọng cho vay giữa cá nhân và doanh nghiệp của ngân hàng vẫn theo tỷ lệ 30% -70% trong tổng dư nợ tín dụng, đảm bảo đúng định hướng của ngân hàng về việc phân phối rủi ro, tập trung phát triển tệp khách hàng cá nhân có tính bền vững cao. Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của MSB giảm xuống còn khoảng 2.300 tỷ đồng, tương đương 1,3% tổng dư nợ tín dụng, so với mức gần 2.600 tỷ đồng vào cuối năm 2022.

Được biết, NHNN đã cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng trong tháng 2/2023. Theo số liệu của Chứng khoán VnDirect, MSB được cấp "room" tín dụng cao nhất, ở mức 13,5%; HDBank được cấp "room" là 11%, ACB (9,8%), Vietcombank (9,8%), VIB (9,5%), Techcombank (9,5%), TPBank (9,1%), VPBank (9%), MB (9%), BIDV (8,3%), LienVietPostBank (8%).

Theo nhóm phân tích, các ngân hàng này có danh mục tín dụng đa dạng, tham gia hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh và thanh khoản dồi dào như Vietcombank, ACB, HDBank,… Trong đó, MSB có được hạn mức tốt nhất, chủ yếu do hệ số cho vay/huy động (LDR) thấp hơn nhiều so với các ngân hàng khác.

Chứng khoán Vietcombank cũng nhận định, MSB có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành nhờ tham gia vào các dự án hỗ trợ NHNN, tiết chế cho vay bất động sản và mở rộng cho vay các ngành nghề hỗ trợ phục hồi kinh tế,.

Cơ chế kiểm soát trần tín dụng đối với các ngân hàng thương mại được NHNN áp dụng từ năm 2011. Hàng năm, NHNN thường dựa trên định hướng tăng trưởng để xem xét cấp hạn mức tín dụng lần đầu cho các ngân hàng vào quý I, rồi sẽ thực hiện điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu điều hành.

Trong năm 2022, NHNN cũng đã cấp "room" tín dụng ban đầu cho các ngân hàng vào quý I và có 3 đợt nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng trong những tháng cuối năm.

Năm 2023, NHNN cho biết, định hướng tăng trưởng tín dụng sẽ vào khoảng 14 - 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Mục tiêu này nhỉnh hơn đôi chút so với định hướng ban đầu của năm 2022 (14%). Thậm chí nếu điều kiện thuận lợi thì hạn mức tín dụng sẽ được điều chỉnh tăng hơn.

Quang Hưng

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên