MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một ngành công nghiệp Nga khiến châu Âu 'ngại' trừng phạt, cung cấp sản phẩm cho loạt công ty lớn từ Airbus đến cả Rolls-Royce

26-07-2022 - 11:19 AM | Thị trường

Một ngành công nghiệp Nga khiến châu Âu 'ngại' trừng phạt, cung cấp sản phẩm cho loạt công ty lớn từ Airbus đến cả Rolls-Royce

Theo Wall Street Journal, Liên minh châu Âu (EU) đã chặn đề xuất áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhà sản xuất titan VSMPO-AVISMA của Nga - nhà sản xuất các sản phẩm titan và hợp kim titan lớn nhất thế giới.

EU không thể cấm vận titan Nga

VSMPO-AVISMA là nhà sản xuất các sản phẩm titan và hợp kim titan lớn nhất thế giới. Kim loại này được sử dụng rộng rãi trong sản xuất máy bay, từ khung máy bay, các bộ phận động cơ đến thiết bị hạ cánh. Công ty này cũng là nhà cung cấp titan quan trọng cho Airbus, nhà sản xuất máy bay phản lực thương mại lớn nhất thế giới có trụ sở tại EU. Do đó, việc mất nguồn cung từ Nga sẽ là một đòn giáng mạnh vào lĩnh vực này.

Mặc dù từng thống nhất về các biện pháp trừng phạt tài chính, ngân hàng trung ương và cá nhân trong những tuần đầu tiên của cuộc xung đột, EU gần đây lại đang bị chia rẽ nhiều hơn khi thảo luận về vấn đề năng lượng.

Các quan chức châu Âu đã nghiên cứu gói trừng phạt thứ 7 nhằm vào Nga, bao gồm các biện pháp mới như lệnh cấm nhập khẩu vàng Nga, có hiệu lực từ hôm 21/7.

Gói trừng phạt mới ​​sẽ mở rộng danh mục các mặt hàng không thể xuất khẩu sang Nga của khối. Danh sách này hiện bao gồm vi mạch và công nghệ tiên tiến cho đến xe hơi sang trọng. Các biện pháp mới nhắm vào một số công ty liên quan đến quốc phòng của Nga.

Ban đầu, VSMPO được thêm vào danh sách các doanh nghiệp liên quan đến quốc phòng của Nga bị trừng phạt. Công ty này cung cấp nguyên liệu để sản xuất máy bay chiến đấu phản lực của Moscow, bao gồm cả những loại phi cơ được triển khai trong cuộc xung đột Ukraine.

Một ngành công nghiệp Nga khiến châu Âu ngại trừng phạt, cung cấp sản phẩm cho loạt công ty lớn từ Airbus đến cả Rolls-Royce - Ảnh 1.

VSMPO thuộc sở hữu một phần của công ty quốc phòng Rostec, đơn vị sản xuất vũ khí cho quân đội Nga. Công ty này hiện cung cấp sản phẩm kim loại cho hơn 450 công ty ở 50 quốc gia - bao gồm Boeing, Airbus, Embraer và Rolls-Royce. Rostec do nhà tài phiệt Sergey Chemezov lãnh đạo và đã phải chịu một số biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên cho đến nay, VSMPO vẫn chưa nằm trong danh sách cấm vận. 

Titan là một nguồn thu tương đối nhỏ của nền kinh tế Nga, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 415 triệu USD vào năm 2020, so với 16 tỷ USD của sắt và thép, theo Trade Data Monitor.

"Không có nghĩa lý gì khi trừng phạt Nga về titan vì đây là một ngành kinh doanh nhỏ của Moscow. Châu Âu sẽ chỉ tự trừng phạt chính mình", Giám đốc điều hành Airbus Guillaume Faury cho biết trong tuần này. "Cả Mỹ, Châu Âu và các nước khác đều không sẵn sàng trừng phạt VSMPO".

Tháng trước, Airbus đã công khai kêu gọi EU kiềm chế áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhập khẩu kim loại của Nga. Theo công ty tư vấn AlixPartners, khoảng 65% titan của Airbus nhập khẩu từ Moskva.

Đầu năm nay, Rolls-Royce đã thông báo sẽ tạm thời ngừng mua titan của Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moskva. Tuy nhiên, trích dẫn nhiều nguồn tin trong công ty, phương tiện truyền thông sau đó đưa tin rằng Rolls-Royce chưa chấm dứt hợp đồng hiện tại và việc giao hàng có thể tiếp tục diễn ra bất kỳ lúc nào. Sau đó, hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ cũng thông báo sẽ đình chỉ mua titan từ VSMPO-AVISMA, cho biết họ có ý định chuyển sang các thị trường và có hướng đi khác.

Không có nhiều nước ngoài Nga có thể rèn titan đủ tốt và đủ nhiều để sử dụng trong ngành công nghiệp hàng không

Thay thế titan của Nga là chuyện gần như không thể đối với Boeing. Hoạt động công nghiệp sử dụng titan bắt đầu đồng thời tại Mỹ và Liên Xô vào những năm 1950. Tuy nhiên, chỉ có Nga mới thành công sản xuất hợp kim titan chất lượng cao.

Sử dụng các nguyên liệu khác cũng không phải phương án lý tưởng với Boeing. Titan có những lợi thế lớn so với các hợp kim khác. Ngành chế tạo máy bay đòi hỏi sử dụng những nguyên liệu có thể chịu được sức ép lớn khi bay ở độ cao lớn, cũng như sự tiếp xúc liên tục với các nguyên tố. 

Một ngành công nghiệp Nga khiến châu Âu ngại trừng phạt, cung cấp sản phẩm cho loạt công ty lớn từ Airbus đến cả Rolls-Royce - Ảnh 2.

Trước đây, máy bay được sản xuất từ thép, nhưng những nguyên liệu nhẹ hơn và có sức bền cao hơn hiện được sử dụng để kéo dài tuổi thọ của máy bay và khiến chúng đạt hiệu suất năng lượng hơn. Titan bền như thép nhưng nhẹ hơn 45%. Nó có thể chịu được việc tiếp xúc với nước biển trong bầu khí quyển trên đại dương trong thời gian dài. Độ bền chắc của titan khiến kim loại này khó hàn, góp phần khiến nó có giá cao hơn so với thép và nhôm.

Hợp kim titan rất khó rèn và nấu chảy. Vì hợp kim titan cũng khó gia công nên các nhà sản xuất muốn rèn chúng thành các hình dạng gần với sản phẩm hoàn thiện nhất có thể. Người Nga có chuyên môn kỹ thuật đặc biệt để xử lý kim loại này.

Titan sử dụng trong ngành hàng không vũ trụ, đặc biệt đối với các bộ phận động cơ, phải cực kỳ đáng tin cậy, do đó nhiệt độ và độ căng phải được kiểm soát cẩn thận. Mặc dù Trung Quốc, Nhật Bản hay Mỹ có thể sản xuất lượng lớn bọt biển titan, nhưng không có nhiều nơi ngoài Nga có thể chế tạo được titan đủ tốt cho ngành hàng không vũ trụ.

Năm 2019, Mỹ nhập khẩu 95% lượng titan tiêu thụ. Công ty Iluka Resources đã đóng cửa mỏ Old Hickory ở Virginia vào năm 2016. Allegheny Technologies đã ngừng hoạt động cơ sở sản xuất bọt biển titan ở Rowley, Utah vào năm 2016 vì có thể mua nguyên liệu nhập khẩu với giá thấp hơn chi phí sản xuất trong nước.

Hàng không vũ trụ không phải là ngành duy nhất vật lộn với ảnh hưởng hàng hóa của Nga. Hồi tháng 3, ngành công nghiệp điện hạt nhân Mỹ cũng đã vận động Nhà Trắng cho phép tiếp tục nhập khẩu urani từ Nga bất chấp xung đột leo thang ở Ukraine, với nguồn cung cấp nhiên liệu rẻ được coi là chìa khóa để giữ giá điện của Mỹ ở mức thấp.

Theo Mỹ Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng và Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, Mỹ phụ thuộc vào Nga và các nước Kazakhstan và Uzbekistan để cung cấp khoảng một nửa lượng urani cung cấp năng lượng cho các nhà máy hạt nhân của họ - khoảng 22,8 triệu pound (10,3 triệu kg) vào năm 2020 - do đó sản xuất khoảng 20% lượng ​​điện của Mỹ.

Tham khảo: WSJ

https://cafef.vn/mot-nganh-cong-nghiep-nga-khien-chau-au-ngai-trung-phat-cung-cap-san-pham-cho-loat-cong-ty-lon-tu-airbus-den-ca-rolls-royce-20220725235644905.chn

Khánh Vy

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên