Một ngành hàng miễn nhiễm với mọi biến động vĩ mô, quy mô tới 7 tỷ USD: Các đại gia đua nhau mở cửa hàng từ nông thôn hay thành thị
Thị trường bán lẻ dược phẩm được nhận định là “miễn nhiễm” khỏi các biến động vĩ mô do nhu cầu về dược phẩm luôn cấp thiết. Đặc biệt, tại Việt Nam, thị trường với cơ cấu dân số già, tầng lớp trung lưu tăng kéo theo các nhu cầu về sức khỏe giúp ngành dược không ngừng tăng trưởng, theo Vietdata - đơn vị cung cấp báo cáo về kinh tế Việt Nam.
- 12-12-2024Pharmacity - "người khóc” trên thị trường chuỗi bán lẻ dược phẩm, lỗ lớn dù doanh thu đứng thứ 2 thị trường
- 01-10-2024DN dược phẩm lớn thứ hai trên sàn chứng khoán muốn thanh lý một loạt cổ phiếu dược và gần 1.800m2 bất động sản không còn sử dụng
- 29-08-2024Giữa lúc nhà đầu tư ngoại “săn lùng” cơ hội M&A ngành y tế - dược phẩm, bệnh viện niêm yết duy nhất trên sàn được nới room ngoại lên 70%
Tại sao ngành dược “miễn nhiễm” với biến động?
Theo định giá của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, thị trường dược phẩm Việt Nam hiện có giá trị khoảng 7 tỷ USD. Một số ước tính khác cũng chỉ ra quy mô tương đương.
Cụ thể, 70% số này thuộc về kênh đấu thầu bệnh viện. Đồng nghĩa, 60.000 nhà thuốc trên thị trường hiện chiếm khoảng 2 tỷ USD còn lại. Trong đó, 7 chuỗi nhà thuốc hiện đại, với hơn 3.000 cửa hàng và tổng doanh thu đạt 1,1 tỷ USD, chiếm hơn 50% thị phần bán lẻ dược phẩm.
Vietdata – đơn vị cung cấp dữ liệu kinh tế phân tích – nhận định, thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Người dân ngày càng quan tâm và sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các dược phẩm bảo vệ sức khỏe.
Bên cạnh đó, sự chuyển dịch sang cơ cấu dân số già cũng khiến nhu cầu sử dụng dược phẩm gia tăng đặc biệt là khi tuổi già thường đi kèm với nhiều vấn đề sức khỏe.
Theo đơn vị phát hành báo cáo, thị trường bán lẻ dược phẩm được nhận định là “miễn nhiễm” khỏi các biến động vĩ mô do nhu cầu về dược phẩm luôn cấp thiết. Dù nền kinh tế vừa trải qua giai đoạn suy thoái kéo dài, các chuỗi nhà thuốc vẫn tăng trưởng doanh thu đều hàng năm.
“Ở giai đoạn hậu Covid-19, một số chuỗi suy giảm doanh thu nhẹ nhưng xu hướng chung cho giai đoạn 5 năm trở được gói gọn trong cụm từ “tăng trưởng”, báo cáo viết.
Chạy đua thị phần trong ngành dược
Không chỉ khái quát những biến động vĩ mô, Vietdata còn cung cấp nhận định về cuộc chạy đua của các đại gia bán lẻ dược phẩm.
Theo đó, cuộc đua mở rộng hệ thống nhà thuốc nhằm chiếm lĩnh thị phần ngày càng khốc liệt, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ tiềm lực tài chính của các tập đoàn mẹ. Đây chính là bệ đỡ giúp các chuỗi liên tục gia tăng độ phủ. Các nguồn vốn trong nước và nước ngoài càng gia tăng sức ép cạnh tranh, khi tất cả đều nhận thấy tiềm năng tăng trưởng của thị trường này.
Hiện nay, ba chuỗi nhà thuốc lớn nhất gồm Long Châu, An Khang và Pharmacity đang dẫn đầu. Tại nhiều khu dân cư, các chuỗi này nằm trên một con đường hoặc đứng cạnh nhau, cho thấy sự cạnh tranh gay gắt để thu hút khách hàng. Hệ thống nhà thuốc "mọc lên như nấm sau mưa" với mật độ dày đặc, không phân biệt khu vực đô thị lớn hay nhỏ.
Tuy nhiên, chiến lược mở rộng hiện diện ồ ạt khiến tình hình kinh doanh tại một số chuỗi trở nên khó khăn hơn. Hệ quả, một số chuỗi nhà thuốc đã phải cắt giảm chi nhánh do hoạt động kém hiệu quả.
“Thực tế, mở rộng quy mô không phải luôn mang lại lợi ích kinh tế, chưa kể đến hao tốn nguồn lực mà không đem lại giá trị thực sự nào cho doanh nghiệp”, báo cáo của Vietdata viết. Dù được hậu thuẫn từ các tập đoàn lớn, song các chuỗi luôn phải đối mặt với áp lực để duy trì hiệu quả kinh doanh và đảm bảo sự phát triển bền vững.
Nhịp sống thị trường