MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một quốc gia châu Á trở thành ‘mỏ vàng mới’ của Netflix: Được ‘rót’ mạnh 2,5 tỷ USD, kéo theo cổ phiếu nhiều doanh nghiệp đồng loạt thăng hoa

25-04-2023 - 15:30 PM | Tài chính quốc tế

Một quốc gia châu Á trở thành ‘mỏ vàng mới’ của Netflix: Được ‘rót’ mạnh 2,5 tỷ USD, kéo theo cổ phiếu nhiều doanh nghiệp đồng loạt thăng hoa

Nhờ sở hữu ‘cỗ máy in tiền’, Netflix sẽ đầu tư 2,5 tỷ USD vào quốc gia này - tăng gấp đôi so với tổng số vốn từ năm 2016.

Hàn Quốc trở thành mỏ vàng mới của Netflix

Netflix sẽ đầu tư 2,5 tỷ USD để sản xuất phim của Hàn Quốc trong vòng 4 năm tới, theo lời tuyên bố của Ted Sarandos, CEO Netflix sau cuộc gặp với Tổng thống Yoon Suk-yeol của nước này tại Washington.

Một quốc gia châu Á trở thành ‘mỏ vàng mới’ của Netflix: Được ‘rót’ mạnh 2,5 tỷ USD, kéo theo cổ phiếu nhiều doanh nghiệp đồng loạt thăng hoa - Ảnh 1.

Trong vài năm gần đây, Hàn Quốc đã củng cố vị thế là một trong những cường quốc văn hóa toàn cầu - một phần là nhờ bộ phim "Ký sinh trùng" đã đạt giải Oscar cùng sự bùng nổ toàn cầu của "Squid Game" - bộ phim hợp tác cùng Netflix.

“Chúng tôi sẽ đầu tư 2,5 tỷ USD vào Hàn Quốc, bao gồm sản xuất các bộ phim truyền hình dài tập, phim điện ảnh và chương trình truyền hình thực tế trong vòng 4 năm tới. Số tiền đầu tư này cao gấp đôi so với tổng số vốn từ năm 2016 đến nay”, ông Sarandos cho biết vào thứ 3, ngày 25/4 (theo giờ địa phương).

Sarandos nhấn mạnh Netflix "rất tin tưởng" rằng ngành công nghiệp nội dung giải trí của Hàn Quốc sẽ tiếp tục tạo ra những điều tuyệt vời. Ông cũng đã nêu bật thành công của Hàn Quốc thời gian gần đây với các hit toàn cầu như bộ phim "The Glory" và chương trình thực tế "Physical 100".

Vị CEO bày tỏ: “Thật không thể tin được, chính bằng tầm ảnh hưởng và niềm yêu mến của công chúng đối với các chương trình/bộ phim của Hàn Quốc, quốc gia này đã nhận được thêm nhiều chú ý và quan tâm rộng rãi”. Ông cũng cho biết văn hóa Hàn Quốc đang có sự ảnh hưởng mạnh mẽ tới tư tưởng văn hóa toàn cầu.

Trong vài năm qua, nội dung giải trí Hàn Quốc đã “gây bão” trên toàn thế giới. Theo dữ liệu của Netflix, 60% khán giả của ứng dụng này đã xem ít nhất 1 bộ phim hoặc 1 chương trình của Hàn Quốc vào năm 2022.

Netflix đã chi hơn 1 nghìn tỷ won (750 triệu USD) để phát triển các nội dung của đất nước này từ năm 2015 đến 2021.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã ca ngợi cuộc gặp với CEO Netflix rất có ý nghĩa. Vị tổng thống cho biết khoản đầu tư mới sẽ là cơ hội tuyệt vời cho sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất nội dung giải trí, những người làm nghề và cả Netflix.

Động thái rót vốn của Netflix vào Hàn Quốc đã thúc đẩy giá cổ phiếu của các công ty truyền thông giải trí tại quốc gia này.

Theo thông tin mới nhất, cổ phiếu của công ty Showbox Corp đã tăng tới 26% - mức cao nhất kể từ ngày 23/11/2022, trong khi đối thủ Studio Santa Claus Entertainment Co tăng 23%.

Một quốc gia châu Á trở thành ‘mỏ vàng mới’ của Netflix: Được ‘rót’ mạnh 2,5 tỷ USD, kéo theo cổ phiếu nhiều doanh nghiệp đồng loạt thăng hoa - Ảnh 2.

Hàng loạt cổ phiếu của các công ty trong ngành như Astory Co đã tăng 15%, CJ ENM Co tăng 3,6%, ContentreeJoongAng Corp cũng tăng tới 8% và Studio Dragon Corp tăng 9,2%.

Hiện tại, Netflix đang có giá trị tài sản ròng khoảng 146,06 tỷ USD, theo dữ liệu của Macrotrends. Được thành lập vào năm 1997 tại Mỹ, từ một dịch vụ cho thuê đĩa DVD, startup về streaming video, Netflix nay đã trở thành gã khổng lồ dịch vụ phát trực tiếp hàng đầu thế giới.

Quyền lực mềm (soft power) của Hàn Quốc

Theo báo cáo “Cultural Soft Power of Korea” của Researchgate, khái niệm “quyền lực mềm” được hình thành từ đầu những năm 1990 và được sử dụng rộng rãi hiện nay.

Chiến lược quyền lực mềm đã được Hàn Quốc sử dụng dựa vào văn hóa truyền thống và văn hóa đại chúng. Quốc gia này rất chú trọng tới “nguồn sức mạnh” này - thứ tạo nên thương hiệu và khiến quốc gia được khắp thế giới biết tới.

Vào giai đoạn 1996-1997, Bộ Văn hóa và Thể thao Hàn Quốc đã chọn 10 biểu tượng văn hóa sau để quảng bá đất nước: trang phục truyền thống quốc gia - Hanbok, hệ thống chữ viết Hangul, món ăn truyền thống như kim chi, chùa Bulguksa, di tích hang động Seokguram, trà nhân sâm koryo insam, múa mặt nạ, đền Jongmyo, vườn quốc gia Seoraksan và các nghệ sĩ Hàn Quốc nổi tiếng.

Hiện tại quyền lực mềm của Hàn Quốc đã mở rộng hơn. Có thể nói làn sóng Hallyu hay phim/chương trình thực tế đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế quốc gia này.

Làn sóng Hallyu

Đầu thế kỷ 21, làn sóng Hallyu (làn sóng giải trí Hàn Quốc) nổi lên như một hiện tượng. Ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD đã hỗ trợ không nhỏ tới sự phát triển kinh tế của xứ sở kim chi. Thậm chí, nó còn mở đường để đưa văn hóa Hàn Quốc quảng bá rộng rãi hơn trong nhiều năm tới.

Theo dữ liệu từ viện nghiên cứu Hyundai, vào năm 2019, nhóm nhạc idol thần tượng BTS đã đóng góp vào GDP Hàn Quốc bằng với hãng hàng không quốc gia Korean Air.

Thậm chí vào năm 2019, nhóm nhạc này đã đem về hiệu quả kinh tế 5.560 tỷ won (khoảng 4,5 tỷ USD) cho quốc gia này. Nếu so sánh với các tập đoàn lớn, giá trị kinh tế mà BTS mang lại còn gần như sánh ngang với Samsung, Hyundai, SK và LG - hàng loạt ông lớn trên thị trường.

Phim/chương trình thực tế

Không chỉ có K-Pop, các bộ phim, chương trình thực tế của Hàn Quốc cũng đã đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế quốc gia.

Vài năm gần đây, cùng sự hợp tác với Netflix, quốc gia này đã có hàng loạt chương trình ăn khách toàn thế giới như Squid Game - đây chính là minh chứng về khả năng của quyền lực mềm của quốc gia này.

Theo thông tin do tờ Reuters cung cấp, thông qua bộ phim Squid Game, món kẹo đường đã trở nên nổi tiếng. Thậm chí có cửa hàng đã tăng doanh số 2,5 lần và thu về gần 19 triệu đồng/ngày chỉ nhờ hiệu ứng từ bộ phim.

Hơn nữa, theo số liệu do Bloomberg trích dẫn từ Netflix, hoạt động kinh doanh của nền tảng phim này trong năm 2020 đã đóng góp 1,9 tỷ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc.

Số liệu cũng cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu nội dung giải trí của quốc gia này đã đạt 10,8 tỷ USD vào năm 2020, tương đương khoảng 1/10 so với sản xuất chip (2020) - lĩnh vực "hái ra tiền" của nước này.

Ngoài ra, trong tổng số khách du lịch nội địa, ước tính có khoảng 13% đã đến Hàn Quốc vào năm 2019 với mục đích trải nghiệm văn hóa và tham dự các sự kiện của người hâm mộ đối với thần tượng. Tổng chi tiêu của họ là 2,7 tỷ USD trong năm đó, theo KOFICE trích dẫn.

Bộ phim “Ký sinh trùng” của Hàn Quốc đạt giải Oscar cũng đã đóng góp không nhỏ cho các doanh nghiệp. Ví dụ, Barunson E&A, công ty đã đầu tư 11 triệu USD vào sản xuất bộ phim đã có mức tăng giá cổ phiếu kỷ lục trong 4 ngày (ngày 10/2 đến 13/2/2020) - từ 2.000 won (39.000 đồng) lên 4.470 won (hơn 87.000 đồng).

Mặc dù vẫn là quy mô nhỏ nhưng giải trí là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất của Hàn Quốc cùng với công nghệ. Số lượng lao động làm việc trong các ngành sáng tạo và nghệ thuật đã tăng 27% từ năm 2009 đến 2019, trong khi đó lĩnh vực sản xuất thì tăng 20% trong cùng kỳ, theo dữ liệu từ trang web của Cục Thống kê Hàn Quốc.

Một quốc gia châu Á trở thành ‘mỏ vàng mới’ của Netflix: Được ‘rót’ mạnh 2,5 tỷ USD, kéo theo cổ phiếu nhiều doanh nghiệp đồng loạt thăng hoa - Ảnh 3.

Trong một báo cáo vào năm 2020, Netflix cũng cho biết họ đã giúp tạo ra 16.000 việc làm toàn thời gian tại Hàn Quốc từ năm 2016 đến 2020 trong các ngành giải trí và liên quan. Công ty ước tính đã đóng góp 4,7 tỷ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc trong giai đoạn này.

Tổng hợp






Nhất Lưu

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên