MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một quốc gia vốn giàu có và sung túc nay cũng không thoát khỏi cuộc khủng hoảng lạm phát, nhiều người xếp hàng đăng ký để mua đồ giá rẻ như cho

07-12-2022 - 14:18 PM | Tài chính quốc tế

Ảnh: The Guardian

Ảnh: The Guardian

Giá lương thực và năng lượng tăng đang ảnh hưởng khắp châu Âu.

Một Thuỵ Điển thịnh vượng và đáng tự hào với hệ thống phúc lợi nổi tiếng là hào phóng cộng thêm nguồn năng lượng xanh dồi dào. Về lý thuyết, đây nên là nơi được trang bị tốt hơn hầu hết các nước châu Âu khác để có thể chịu đựng được cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt bao trùm lên lục địa.

Năm 2022 đầy sóng gió

Xét về GDP bình quân đầu người, đây là quốc gia thành viên giàu thứ năm của EU. Khí đốt tự nhiên chỉ chiếm 2% năng lượng tiêu thụ đã bảo vệ Thuỵ Điển khỏi sự tàn phá tồi tệ do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine gây ra. Mức độ nghèo đói của quốc gia này cũng thấp hơn nhiều so với mức trung bình của châu Âu.

Tuy nhiên, hóa đơn tiền điện tăng nhanh và lạm phát giá lương thực tăng cao đang gây thiệt hại cho Thuỵ Điển không kém gì so với những nơi khác. Johan Rindevall nói: “Thuỵ Điển cũng gặp phải vấn đề nghèo đói. Thực chất Thuỵ Điển vẫn luôn có vấn đề này nhưng bình thường chúng ta không cần nói về nó. Tuy nhiên, tình hình đang trở nên rất tồi tệ vào năm nay.”

Lời của Rindevall khá uy tín. Năm nay 39 tuổi, anh từng làm việc trong ngành công nghệ nhưng giờ đang điều hành Matmissionen (hay Food Mission). Đây là một chuỗi siêu thị độc đáo ở Thuỵ Điển đã mở rộng nhanh chóng kể từ tháng 1 với số lượng khách hàng tăng lên không ngừng vì nó mang đến cơ hội mua sắm cho những người khó khăn.

Matmissionen có 8 cửa hàng: 5 cửa hàng ở Stockholm, 2 cửa hàng ở Gothenberg và một ở Malmö. Nơi đây bán thực phẩm do các nhà sản xuất và nhà bán lẻ quyên góp, thường là thực phẩm có vết bẩn, bao bì bị hỏng hoặc có hạn sử dụng ngắn ngày nên có nguy cơ bị lãng phí.

Mục tiêu của chuỗi siêu thị này là “một mũi tên trúng ba đích”: hạn chế lãng phí thực phẩm, đào tạo nhân viên mới và trên hết là bán thực phẩm giá rẻ cho những người cần chúng. Một phần doanh thu từ các cửa hàng được quyên góp cho các tổ chức phi chính phủ đang làm việc với những người có nhu cầu đặc biệt nhất, chủ yếu là người vô gia cư.

Một quốc gia vốn giàu có và sung túc nay cũng không thoát khỏi cuộc khủng hoảng lạm phát, nhiều người xếp hàng đăng ký để mua đồ giá rẻ như cho - Ảnh 1.

Johan Rindevall trong một cửa hàng Matmissionen ở Stockholm. Ảnh: The Guardian

Rindevall cho biết Matmissionen hoạt động dựa trên nguyên tắc tạo cho khách hàng cảm giác mua sắm “bình thường” nhất có thể. “Sau khi nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy mọi người có sự kỳ thị đối với việc phát thực phẩm theo kiểu từ thiện. Vì vậy, chúng tôi quyết định để họ mua những gì họ muốn với mức chiết khấu rất cao. Theo cách này, mọi người sẽ cảm thấy bản thân mình vẫn là những khách hàng bình thường.”

Trên thực tế, bất kỳ ai cũng có thể mua sắm tại Matmissionen với điều kiện họ cần đăng ký trở thành thành viên và phải đặt chỗ trước để mua sắm mới có được mức giá thấp nhất. Tư cách thành viên dành cho những người có thu nhập hàng tháng dưới 11.200 curon (khoảng 900 USD) tiền lương hoặc tiền trợ cấp. Giá thấp nhất mà Matmissionen có thể bán là: 0,48 USD cho một ổ bánh mì; 0,58 USD cho 1kg chuối và 3,17 USD cho 500g thịt bò băm.

Nghèo trở thành tình trạng phổ biến

Đó là một phương pháp ngày càng cần thiết trong tình hình hiện nay. Hệ thống phúc lợi của Thuỵ Điển đã liên tục bị cắt giảm trong những năm gần đây, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo và khiến ngày càng nhiều người bị ảnh hưởng nặng nề trước mức lạm phát trung bình khoảng 8% vào mùa thu năm nay.

Thu nhập của các hộ gia đình cũng bị ảnh hưởng bởi hóa đơn tiền điện, có những trường hợp hoá đơn tăng lên gấp đôi. Hơn 75% điện năng của Thụy Điển đến từ thủy điện, hạt nhân và gió, nhưng nước này cũng không thoát khỏi những tác động về giá năng lượng trên toàn lục địa do cuộc xung đột ở Ukraine.

Giá xăng dầu và thực phẩm cũng tăng vọt. Giá bơ tăng khoảng 25% trong năm nay, thịt tăng 24% và pho mát khoảng 22%, theo các trang web so sánh giá tiêu dùng.

Rindevall cho biết số thành viên của Matmissionen đã tăng từ 7.200 vào tháng 1 lên hơn 14.700 vào cuối tháng 10. 40% số người mới tham gia là các gia đình đã có con, cha mẹ đơn thân và các cặp vợ chồng.

Một quốc gia vốn giàu có và sung túc nay cũng không thoát khỏi cuộc khủng hoảng lạm phát, nhiều người xếp hàng đăng ký để mua đồ giá rẻ như cho - Ảnh 2.

Người mua sắm ở Matmissionen. Ảnh: The Guardian

“Lạm phát đến mức này nghĩa là đang có nhiều người khó khăn hơn bao giờ hết. Một số người bắt đầu đến nói với chúng tôi rằng họ không đủ điều kiện làm thành viên. Nhưng họ cũng không đủ khả năng mua thực phẩm mình cần ở bất kỳ nơi nào khác nữa,” anh nói.

Theo Văn phòng Thống kê Trung ương của Thụy Điển, trong thời kỳ lạm phát lớn cuối cùng của đất nước vào đầu những năm 1990, khoảng 7% dân số ở trong tình trạng nghèo tương đối, tức là không thể đạt được mức sống trung bình tối thiểu trong xã hội. Năm nay, tỷ lệ đó được ước tính là trên 14%.

Matmissionen đang lên kế hoạch mở rộng các cửa hàng mới trên toàn quốc. Gần đây, họ đã đạt được thỏa thuận với cả hiệp hội các nhà bán lẻ thực phẩm Thụy Điển và liên đoàn các nhà sản xuất và phân phối thực phẩm quốc gia, đảm bảo sự hỗ trợ của gần như toàn bộ lĩnh vực thực phẩm.

Rindevall nói: “Thụy Điển có thể vẫn có một mạng lưới an sinh tốt, nhưng có thể là do quốc gia này không kịp phản ứng trước những thay đổi đột ngột và lớn về chi phí sinh hoạt.”

“Điều tích cực duy nhất trong tất cả những chuyện này là hiện nay có rất nhiều người đang nói về giá lương thực quá cao nên không còn sự kỳ thị về việc bạn không đủ khả năng nuôi sống gia đình mình nữa. Nó không còn là điều phải né tránh khi nói chuyện nữa rồi.”

Tham khảo The Guardian

Minh Phương

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên