Một số đối tác mong muốn mở lại bay thương mại quốc tế tới Việt Nam
Đối với một số đối tác có mong muốn mở lại đường bay thương mại tới Việt Nam, các cơ quan chức năng hàng không của Việt Nam cũng nghiên cứu và trao đổi về các quy trình và thời điểm cụ thể khi nào có thể tiến hành nối lại các chuyến bay.
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam diễn ra theo hình thức trực tuyến chiều 25-2, phóng viên hãng thông tấn nước ngoài nêu câu hỏi Chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch mở lại các đường bay hồi hương công dân và các đường bay quốc tế thương mại chưa?
Chuyến bay thương mại quốc tế thí điểm vào tháng 9-2020 chở khách từ Hàn Quốc về Việt Nam
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết vừa qua trong bối cảnh những biến thể, biến chủng mới của Covid-19 khiến làn sóng phức tạp của Covid-19 ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như diễn biến phức tạp vào cuối tháng 1 vừa qua tại Việt Nam, Việt Nam đã tạm dừng các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước. Đồng thời, Bộ Ngoại giao cũng đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch đưa công dân về nước một cách an toàn, phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh trên thế giới, cũng như ở Việt Nam và đặc biệt là năng lực cách ly trong nước.
Về việc mở lại các chuyến bay thương mại, nhằm thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan của Việt Nam trao đổi với các đối tác ở các nước có hệ số an toàn cao về việc có thể nối lại các đường bay thương mại, thường lệ giữa Việt Nam và các đối tác này.
"Đối với một số đối tác cũng có mong muốn mở lại đường bay thương mại tới Việt Nam, các cơ quan chức năng hàng không của Việt Nam cũng nghiên cứu và trao đổi về các quy trình và thời điểm cụ thể khi nào có thể tiến hành nối lại các chuyến bay"- bà Hằng cho biết.
Trước khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại tại Việt Nam cuối tháng 1-2021, Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, thúc đẩy nối lại các chuyến bay thương mại thường lệ tới các nước sau dịp Tết Nguyên đán.
Vắc-xin sẽ tiếp tục về Việt Nam bằng máy bay Hàn Quốc?
Phóng viên nêu câu hỏi tại sao lô vắc-xin đầu tiên mà Việt Nam đặt mua đã được vận chuyển về sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ngày 23-2 vừa qua do Hãng hàng không Korean Air của Hàn Quốc vận chuyển, trong thời gian tới việc vận chuyển cũng sẽ tiếp tục do Hàng không của Hàn Quốc thực hiện hay không? Hay là vì phía Hàn Quốc được công ty Astra Zeneca ủy quyền sản xuất lô hàng này để bán cho Việt Nam?
Lô vắc-xin đầu tiên mà Việt Nam đặt mua đã được vận chuyển về sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ngày 23-2. Ảnh: Đại sứ quán Anh
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết theo thông tin từ Bộ Y tế, đây là thỏa thuận giữa nhà cung cấp và nhà sản xuất vắc-xin. Còn phía Việt Nam thì tiếp nhận vắc-xin tại Việt Nam.
Trước đó, thông tin cho biết lô vắc-xin Covid-19 đầu tiên mà Việt Nam đặt mua với 117.000 liều của AstraZeneca nằm trong số 30 triệu liều mà Việt Nam đặt Công ty Cổ phần Vắc-xin Việt Nam (VNVC) mua. Số vắc-xin Covid-19 này do hãng dược AstraZeneca (Anh) phối hợp với Đại học Oxford nghiên cứu, phát triển, sản xuất tại hàn Quốc, được vận chuyển từ sân bay Incheon đến sân bay Tân Sơn Nhất.
Ngoài ra, Liên minh vắc-xin toàn cầu COVAX sẽ viện trợ cho Việt Nam khoảng 4,9 triệu liều vắc-xin cũng của AstraZeneca trong quý 1 và 2 này; trong quý 3 sẽ có thêm khoảng 30 triệu liều.
Thời gian vừa qua, Bộ Y tế cũng như các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực y tế đã và đang tích cực đàm phán với nhiều nhà sản xuất và các nguồn cung cấp vắc-xin trên thế giới. Ngoài nguồn vắc-xin của COVAX Facility, Astra Zeneca, Việt Nam còn đang đàm phán nguồn vắc-xin của Pfizer và nguồn vắc-xin Sputnik V của Nga, để có thể triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Khả năng trong năm 2021, Pfizer sẽ cung ứng cho Việt Nam khoảng 30 triệu liều. Bộ Y tế xin chủ trương huy động xã hội hóa cho việc tiếp cận nguồn vắc xin này. Với vắc-xin Sputnik V của Nga, Bộ Y tế đang tích cực đàm phán. Nhà sản xuất thông báo có thể cung ứng cho Việt Nam khoảng 60 triệu liều.
Ngoài ra, Bộ Y tế, các tập đoàn, công ty khác không kinh doanh trong lĩnh vực y tế cũng đang thúc đẩy đàm phán với các nhà sản xuất vắc-xin khác. Việt Nam mong muốn được tiếp cận với nguồn vắc-xin đảm bảo chất lượng, giá thành hợp lý, phù hợp và đảm bảo quá trình bảo quản theo điều kiện của Việt Nam.
Hiện Vietnam Airlines đã đề xuất với cơ quan y tế để trở thành hãng hàng không vận chuyển vắc-xin phòng chống dịch Covid-19 về Việt Nam. Bamboo Airways cũng bày tỏ sẵn sàng vận chuyển vắc-xin Covid-19. Cục Hàng không Việt Nam cũng đã có đề nghị giao cho các hãng hàng không Việt Nam đảm nhiệm vận chuyển chính trong các đợt vận chuyển vắc-xin của Chính phủ Việt Nam.
Người lao động