Một số ngân hàng ngoại rút vốn: Không phải xu thế
Những ngày gần đây, một số ngân hàng nước ngoài chuyển nhượng vốn, cổ phần trong các ngân hàng tại Việt Nam cho các ngân hàng, đối tác khác.
- 11-07-2017VEPR: Nhiều ngân hàng ngoại thoái vốn cho thấy tính hấp dẫn của hoạt động kinh doanh ngân hàng Việt Nam đang suy giảm
- 06-07-2017Góc nhìn: Ngân hàng ngoại thoái vốn có là xu hướng?
- 04-07-2017Hàng loạt ngân hàng ngoại muốn rút vốn khỏi Việt Nam, trùng hợp hay xu hướng?
Liệu rằng đây có phải xu hướng, ảnh hưởng đến thị trường tín dụng và các DN đầu tư nói chung? Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Phạm Hồng Chương (ảnh), Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
Theo ông, đâu là nguyên nhân xảy ra hiện tượng một số ngân hàng ngoại rút vốn, chuyển nhượng cổ phần trong một số ngân hàng tại Việt Nam?
Mỗi ngân hàng ngoại có lý do khác nhau. Ví dụ như một ngân hàng đã đầu tư vào một ngân hàng Việt Nam rồi nên họ muốn tập trung nguồn vốn của họ vào lĩnh vực khác; một ngân hàng muốn tập trung vào mảng kinh doanh khác; hoặc có những ngân hàng thay đổi chiến lược kinh doanh ở khu vực nên sẽ chọn khu vực khác có tiềm năng tốt hơn…
Nhưng nhìn chung, nguyên nhân sâu xa có thể đến từ việc kinh doanh ngân hàng ở Việt Nam không đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài. Khi bắt đầu vào, họ kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tốt hơn, môi trường minh bạch hơn, kinh doanh phù hợp với chuẩn mực quốc tế hơn… họ có thể khai thác được lợi thế công nghệ của họ. Nhưng khi đi vào hoạt động một thời gian thì họ thấy kỳ vọng không được đáp ứng, điều này không có nghĩa là môi trường của Việt Nam kém đi, mà môi trường kinh doanh có thể tốt lên, nhưng so với kỳ vọng của họ thì còn khoảng cách xa.
Hơn nữa, việc này cũng có nguyên nhân từ việc các ngân hàng nước ngoài không cạnh tranh được với các ngân hàng nội. Các ngân hàng nước ngoài thường kinh doanh theo hướng chuẩn mực, minh bạch… nhưng ở Việt Nam, có lẽ bối cảnh như hiện nay những yêu cầu về chuẩn mực của họ chưa được đáp ứng toàn diện, nên họ thấy rằng khó lòng cạnh tranh với ngân hàng nội. Nếu nhìn kỹ thì các ngân hàng ngoại tỷ lệ nợ xấu hầu như không có, còn các ngân hàng nội thì khá nhiều.
Đây có thể sẽ trở thành xu thế của các ngân hàng ngoại tại Việt Nam trong thời gian tới hay không, thưa ông?
Với những nguyên nhân nêu trên thì theo tôi, đây không phải xu thế. Bởi chỉ cách đây 1-2 tháng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cấp phép cho nhiều ngân hàng nước ngoài vào hoạt động tại Việt Nam, có khi số lượng vào còn nhiều hơn số lượng rút ra. Hơn nữa, mỗi ngân hàng có chiến lược, triết lý và phương thức kinh doanh khác nhau, ví dụ như các ngân hàng châu Á thì sẵn sàng chờ đợi vì họ thấy văn hóa, tập quán kinh doanh, cách suy nghĩ tại Việt Nam gần giống với họ nên họ có thể chờ đợi và sẽ có sự hòa nhập tốt hơn; nhưng các ngân hàng châu Âu lại thấy kinh doanh ngân hàng ở Việt Nam không thực sự phù hợp nên họ rút. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác cần phải có tài liệu, số liệu cụ thể về việc họ đầu tư bao nhiêu, rút ra bao nhiêu, được lợi cái gì, bị lỗ hay lãi như thế nào...
Ông đánh giá như thế nào về tác động của vấn đề trên đến các DN lĩnh vực khác, đặc biệt là tâm lý của các DN đầu tư nước ngoài (FDI)?
Các DN nước ngoài khi vào Việt Nam đã có sẵn nguồn vốn từ các ngân hàng mẹ, từ ngân hàng cấp cho công ty mẹ nên họ không có nhiều kỳ vọng hay nhu cầu với các ngân hàng ở Việt Nam. Chẳng qua, nếu các ngân hàng đã từng làm việc với họ ở nước sở tại, khi đến Việt Nam có sự hiện diện của các ngân hàng này sẽ thuận lợi hơn. Vì thế, việc các ngân hàng rút ra khỏi Việt Nam không gây lo ngại ảnh hưởng đến vốn của các DN.
Về tâm lý của các DN FDI, điều này cũng không gây lo ngại vì mỗi ngành nghề kinh doanh có đặc điểm, thị trường khác nhau. Thực tế tại Việt Nam cho thấy, một số lĩnh vực, DN nước ngoài thống trị hoàn toàn về sản xuất, kinh doanh, XNK.
Theo ông, các cơ quan quản lý cần làm gì để cải thiện vấn đề trên?
Tôi không cho rằng việc ngân hàng nước ngoài rút ra, thoái bớt vốn sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nhưng đấy là một dấu hiệu. Ngân hàng là lĩnh vực khá nhạy cảm với biến động kinh tế, môi trường kinh doanh nên các cơ quan quản lý cần xem xét lại, chắc chắn môi trường kinh doanh của Việt Nam đang có những vấn đề, khiếm khuyết nhất định, nếu cải thiện được tất cả sẽ tốt hơn. Đặc biệt vai trò của NHNN rất quan trọng bởi đây là cơ quan hiểu rõ nhất việc đi vào đi ra của ngân hàng. Chính NHNN phải có động thái, phát biểu, hành động để định hướng dư luận, kinh doanh ngân hàng ở Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Báo hải quan