Một số thay đổi về chế độ bảo hiểm từ ngày 01/7/2017
Cùng với việc áp dụng mức lương cơ sở mới từ 01/7/2017, nhiều chế độ về bảo hiểm cũng có sự thay đổi từ ngày 1/7/2017.
- 28-06-2017Thiếu chế tài đủ mạnh để thu hồi nợ đọng BHXH
- 14-06-2017Tổng giám đốc BHXH Việt Nam: Giường bệnh không nằm hết nhưng báo cáo thanh toán tới 200-300% công suất là rất không bình thường
- 07-06-2017Điều động, bổ nhiệm nhân sự chủ chốt BHXH Việt Nam
- 24-05-2017Vì sao BHXH Việt Nam từ chối thanh toán 3.000 tỷ đồng tiền BHYT?
Từ ngày 1/7/2017, mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1.210.000 đồng/tháng lên thành 1.300.000 đồng/tháng theo Nghị định 47/2017/NĐ-CP dẫn đến mức hưởng BHYT trong nhiều trường hợp cũng được điều chỉnh cho phù hợp với quy định mới.
Tính mức đóng bảo hiểm xã hội
Từ ngày 01/7/2017 sẽ áp dụng mức lương cơ sở 1.300.000 đồng/tháng làm căn cứ tính mức lương đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN).
Mức thu nhập tháng người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn để tính mức đóng BHXH tự nguyện từ ngày 01/7/2017 cao nhất là 26.000.000 đồng/tháng (1.300.000 đồng/tháng x 20 lần).
Áp dụng mức lương cơ sở 1.300.000 đồng/tháng tính mức đóng BHYT đối với đối tượng chỉ tham gia BHYT.
Các nội dung này được quy định tại Công văn số 2159/BHXH-BT ngày 01/6/2017của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn mức đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN và thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLĐ-BNN theo mức lương cơ sở mới.
Thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Ngày 29/5/2017, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Công văn 2039 / BHXH-CSYT về việc áp dụng mức lương cơ sở theo Nghị định số 47/2017/NĐ-CP trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.Theo đó, từ ngày 01/7/2017, sẽ áp dụng mức lương cơ sở mới 1.300.000 đồng/tháng để thanh toán chế độ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đơn cử như sau:
Người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh đúng quy định, có tổng chi phí một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở tương đương với 195.000 đồng không phải thực hiện cùng chi trả. Quy định hiện hành là 181.500 đồng. Khoản 1 của Công văn số 2046/BHXH-CSYT ngày 06/6/2016 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Cũng theo Công văn số 2039/BHXH-CSYT thì việc thực hiện thanh toán chế độ bảo hiểm y tế này áp dụng kể cả trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế vào viện trước ngày 01/7/2017 nhưng xuất viện từ ngày 01/7/2017.
Trường hợp người bệnh được cơ sở y tế chỉ định sử dụng dịch vụ kỹ thuật quy định tại Quyết định 36/2005/QĐ-BYT về việc ban hành Danh mục dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn, quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi mức hưởng nhưng không vượt quá 52.000.000 đồng cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật (Quy định hiện hành tại Khoản 2 Công văn 2046 là không vượt quá 48.400.000 đồng).
Mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật không vượt quá 58.500.000 đồng (Quy định hiện hành là 54.450.000 đồng); không áp dụng quy định này đối với vật tư y tế có quy định tỷ lệ thanh toán tại cột 5 Danh mục vật tư y tế tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư 04/2017/TT-BYT .
Tăng tiền dưỡng sức sau khi ốm đau
Từ ngày 01/7/2017, tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau (sau đây gọi gọn là tiền dưỡng sức sau khi ốm đau) của người lao động quy định tại Khoản 3 Điều 29 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 sẽ tăng lên thành 390.000 đồng/ngày (hiện hành là 363.000 đồng/ngày).
Để hưởng tiền dưỡng sức sau khi ốm đau, người lao động đã hưởng hết thời gian quy định chế độ ốm đau trong một năm, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức sau khi ốm đau do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở quyết định.