Một thị trường chứng khoán hoạt động tốt đến mức khiến châu Âu phải ghen tị, các quan chức EU còn 'cắp sách vở' sang học hỏi
Nhóm các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đã giúp thị trường chứng khoán Thụy Điển 'ngược dòng' với tình trạng ảm đạm chung của châu Âu.
- 16-04-2024Cháy sàn giao dịch chứng khoán 400 tuổi ở Copenhagen
- 15-04-2024Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm điểm bất kể nỗi lo xung đột Israel - Iran hạ nhiệt cùng tin vui cho thấy thước đo “sức khỏe” kinh tế Mỹ tăng vượt dự báo trong tháng 3
- 15-04-2024Nội các chiến tranh Israel chưa đưa ra động thái đáp trả Iran sau cuộc họp khẩn kéo dài hàng giờ, chứng khoán tương lai Mỹ và EU đồng loạt “xanh mướt”
- 10-04-2024Chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ, Dow Jones giảm hơn 500 điểm sau khi báo cáo lạm phát tháng 3 cao hơn dự đoán
Vào tháng 4 năm ngoái, một nhóm gần 60 quan chức EU đã tới Thụy Điển để gặp Nasdaq Stockholm – đơn vị điều hành thị trường chứng khoán rất thành công của nước này.
Trong phiên họp kéo dài hai giờ về “hệ sinh thái thị trường vốn”, các giám đốc điều hành của sàn giao dịch đã giải thích lý do tại sao rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ quyết định niêm yết tại Stockholm.
Vào thời điểm Anh và nhiều nước châu Âu khác đang vật lộn để thu hút các đợt IPO và chứng kiến khối lượng giao dịch giảm, Thụy Điển nổi bật vì, so với quy mô của mình, nó có thị trường vốn phát triển mạnh được thúc đẩy bởi nhiều nhà đầu tư và thậm chí còn thu hút các công ty nước ngoài tới niêm yết.
William Wright, đồng sáng lập tổ chức tư vấn thị trường New Financial, cho biết: “Thụy Điển hiện có thị trường vốn sâu nhất ở châu Âu”.
Các nhà hoạch định chính sách trên khắp châu Âu đang khẩn trương tìm cách vực dậy thị trường chứng khoán của mình bằng cách thay đổi các quy tắc niêm yết và ưu đãi dành cho doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích quỹ hưu trí và đầu tư bán lẻ vào chứng khoán trong nước.
Còn Thụy Điển đã có một khởi đầu khá tốt so với các quốc gia khác khi đã áp dụng các biện pháp này từ lâu, thậm chí nhiều thập kỷ trước.
Theo dữ liệu của Dealogic, trong 10 năm qua, 501 công ty đã niêm yết ở Thụy Điển, nhiều hơn tổng số đợt IPO ở Pháp, Đức, Hà Lan và Tây Ban Nha cộng lại. Anh đứng đầu với 765 IPO.
Tony Elofsson, giám đốc điều hành của công ty quản lý tài sản Carnegie Group tại Bắc Âu, cho biết: “So với quy mô của đất nước và thị trường chứng khoán, thị trường IPO của Thụy Điển chắc chắn sôi động hơn trong việc cho phép các công ty nhỏ niêm yết so với các thị trường khác”. Adam Kostyál, chủ tịch của Nasdaq Stockholm, cho biết khoảng 90% công ty niêm yết có định giá dưới 1 tỷ USD.
Động lực chính là văn hóa đầu tư của đất nước, thu hút từ người dân đến các nhà đầu tư, ngân hàng tư nhân, doanh nhân, và cả các tổ chức đầu tư có vốn hóa vừa và nhỏ, Elofsson và Kostyál cho biết.
Trong số các nhà đầu tư lớn hơn, quỹ hưu trí Thụy Điển đã sở hữu cổ phiếu trong nước từ lâu. Bốn chương trình hưu trí lớn nhất nước này gần như đã duy trì hoặc tăng cường nắm giữ cổ phiếu trong nước trong những năm gần đây. Ngược lại, ở Anh, tỷ lệ nắm giữ vốn cổ phần trong nước của các quỹ hưu trí đã giảm xuống còn khoảng 4%.
Theo John Thiman, đối tác tại công ty luật White and Case ở Stockholm, các nhà đầu tư lớn thường đóng vai trò được gọi là nhà đầu tư nền tảng trong các đợt IPO, mang lại niềm tin cho các doanh nghiệp chuẩn bị IPO và cho các nhà đầu tư khác.
Các nhà đầu tư cá nhân cũng đóng góp lượng mua lớn cổ phiếu ở Thụy Điển, nhờ nhiều cải cách trong những thập kỷ gần đây. So với phần còn lại của châu Âu, các hộ gia đình Thụy Điển nắm giữ tỷ lệ đầu tư vào các công ty niêm yết cao nhất và nằm trong nhóm có tỷ lệ nắm giữ tiền gửi ngân hàng thấp nhất. Trình độ hiểu biết về tài chính cao của họ cũng cao hơn ở Đức, Pháp hoặc Tây Ban Nha.
Năm 1984, chính phủ cho ra mắt Allemansspar – một sản phẩm cho phép người dân Thụy Điển đầu tư vào thị trường chứng khoán. Đến năm 1990, đã có 1,7 triệu tài khoản này, giúp thúc đẩy sự ra đời của các quỹ vốn hóa vừa và nhỏ trong nước.
Carl Rosenius, người đứng đầu thị trường vốn cổ phần tại ngân hàng Thụy Điển SEB, cho biết những khoản tiền như vậy đã có “từ 10 đến 20 năm trước khi bất kỳ quốc gia nào khác làm điều tương tự, ít nhất là ở châu Âu”. “Đó chắc chắn là câu chuyện thành công ở Thụy Điển khi có các quỹ lớn tích cực xem xét các cơ hội vốn hóa vừa và nhỏ trong nước.”
Những thay đổi quy tắc vào những năm 1990 cho phép mọi người đầu tư 2,5% số tiền họ phân bổ cho lương hưu vào các quỹ mà họ lựa chọn.
Sandro Pierri, chủ tịch Hiệp hội quản lý tài sản và quỹ châu Âu nhận định: “Chìa khóa thực sự là huy động sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân”. “Thụy Điển hoàn toàn là một hình mẫu về mặt đó.”
Nasdaq Stockholm thậm chí còn đang tìm cách thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, chẳng hạn như các công ty vừa và nhỏ ở Đức. Joakim Falkner, đối tác tại Baker McKenzie ở Stockholm, cho biết: “Rõ ràng là Đức đang gặp vấn đề về cơ sở hạ tầng đến mức rất khó để các công ty nhỏ niêm yết ở đó”. Các nhà đầu tư Đức từ trước đến nay ưa thích trái phiếu hơn cổ phiếu, khiến việc huy động vốn cổ phần trở nên khó khăn hơn.
Cơ chế thuận lợi của Thụy Điển đã giúp thúc đẩy lợi nhuận của thị trường chứng khoán nước này. Chỉ số OMX Stockholm 30 Index của Thụy Điển tăng 85% trong thập kỷ qua, trong khi chỉ số Euro Stoxx 600 tăng 49% và FTSE 100 của London chỉ tăng 17%.
Theo FT
Nhịp sống Thị trường