MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một việc không dễ nhưng nhất định phải làm với chính bản thân và người khác: Ai thực hiện được chắc chắn sẽ sống hạnh phúc!

09-05-2018 - 06:00 AM | Sống

"Hãy nhanh chóng tha thứ, bởi tất cả chúng ta đều đang bị tổn thương".

Tại sao chúng ta tức giận?

Nhiều người cư xử theo cách khiến chúng ta cảm thấy bực bội, khó chịu. Họ ít khi chú ý đến những hậu quả do lời nói, cử chỉ của mình đem lại. Họ hay chỉ trích và phán xét những sai lầm của người khác. Đôi khi, họ tạo ra những bất công - gây thiệt hại và tổn thương cho những người xung quanh, thậm chí là “đâm lén” sau lưng khi chúng ta thật sự tin tưởng và coi họ là bạn tốt.

Tất cả những hành vi này đều gây tổn thương cho chúng ta. Nỗi đau có thể qua đi, nhưng nó sẽ để lại những “vết sẹo vô hình” qua nhiều năm, thậm chí là hàng chục năm mà mỗi khi nhớ lại, chúng ta vẫn không ngừng đau khổ và tức giận…

Hầu hết chúng ta đều mong muốn được người khác thấu hiểu, được sửa chữa lỗi lầm và quan trọng hơn là được tha thứ… Bởi suy cho cùng, không có ai hoàn hảo. Là con người, chúng ta không thể tránh khỏi những lúc phạm sai lầm, khi đó, chúng ta cầu mong được tha thứ.

Tuy nhiên, có một điều lạ lùng rằng, chúng ta luôn mong muốn người khác tha thứ cho mình, nhưng lại không thể bỏ qua cho những sai lầm của người khác…

Tại sao phải tha thứ?

‘Tha thứ cho người khác và buông tha cho chính mình’:Bạn đã thực hiện được điều này để sống một cuộc đời hạnh phúc chưa? - Ảnh 1.

"Tha thứ cho người khác và buông tha cho chính mình". (Ảnh: Internet).

Trong một giờ học tại trường tiểu học, giáo viên mang vào lớp rất nhiều túi vải và một bao khoai tây thật to. Cô chậm rãi giải thích với các em học sinh rằng: "Chúng ta cùng chơi một trò chơi: Mỗi khi cảm thấy oán giận hoặc không muốn tha thứ lỗi lầm cho ai, các em hãy viết tên người đó lên một củ khoai tây rồi cho vào túi vải này".

Các em học sinh tỏ ra vô cùng thích thú và bắt đầu viết tên những người mình không ưa hay thù ghét rồi cho vào túi. Chỉ một lúc sau, chiếc túi nào cũng căng nặng, đầy khoai tây. Thậm chí, có người một túi không thể chứa hết khoai, phải thêm một túi nhỏ kèm theo.

Sau đó, cô giáo yêu cầu học sinh của mình mang những túi khoai tây đó bên người khi đi đến bất cứ nơi đâu và làm bất cứ việc gì trong thời gian một tuần lễ. Đến lớp thì mang vào chỗ ngồi, về nhà thì mang vào tận giường ngủ, thậm chí khi vui chơi cùng bạn bè cũng phải đem theo.

Chỉ sau một thời gian ngắn, các em học sinh đã bắt đầu cảm thấy vô cùng mệt mỏi và phiền phức vì lúc nào cũng có một túi khoai tây nặng kè kè bên cạnh.

Tình trạng này còn tồi tệ hơn nữa khi những củ khoai tây bắt đầu thối rữa, rỉ nước và bốc mùi khó chịu.

Những túi khoai tây ấy từ chỗ là thứ đáng ghét, phiền toái nay đã trở thành gánh nặng và các học sinh ngày càng không muốn tiếp tục chơi trò chơi này nữa.

Thế nhưng phải đợi đến hết một tuần, cô giáo mới tuyên bố trò chơi kết thúc. Đó cũng là lúc các học sinh cảm thấy thoải mái khi được vứt ngay túi khoai tây mà họ đã phải mang theo suốt ngày này qua ngày khác.

Cô giáo hỏi: "Các em có thích trò chơi này không? Mang theo túi khoai tây trong nhiều ngày như vậy các em có cảm nghĩ gì?".

Các bạn nhỏ bắt đầu nhao nhao oán thán rằng số khoai tây bị hỏng và trở nên vừa thối vừa nặng, thời gian càng lâu, họ càng muốn thoát khỏi “thứ của nợ” ấy.

Lúc đó, cô giáo mới từ tốn nói: "Các em thấy không, lòng oán giận hay thù ghét người khác đã làm chúng ta thật nặng nề và khổ sở! Càng oán ghét và không tha thứ cho người khác, ta càng giữ gánh nặng khó chịu ấy mãi trong lòng.

Khi các em ghét một ai đó, các em luôn phải dành tâm trí để nghĩ về người ta, dù cho các em có đi đâu, hay làm gì, những người đó vẫn luôn hiện hữu trong suy nghĩ của các em. Căm ghét một người cũng giống như mang theo một túi khoai tây bên mình vậy.

Các em mới chỉ phải mang túi khoai tây có một tuần, hãy thử nghĩ rằng nếu các em để thù hận, sự phẫn nộ trong lòng thật lâu, các em sẽ cảm thấy thế nào? Vậy nên hãy bỏ túi khoai tây xuống để chúng ta không cảm thấy nặng nề và vướng víu thêm nữa.

Lòng vị tha, sự cảm thông với những lỗi lầm của người khác không chỉ là món quà quý giá để ta trao tặng mọi người, mà đó còn là một món quà tốt đẹp mà mỗi chúng ta dành tặng bản thân mình".

‘Tha thứ cho người khác và buông tha cho chính mình’:Bạn đã thực hiện được điều này để sống một cuộc đời hạnh phúc chưa? - Ảnh 2.

Tức giận cũng giống như việc vác một bao khoai tây vừa nặng, vừa bốc mùi hết năm này qua năm khác (Ảnh: Internet).

Qua câu chuyện trên, phần nào chúng ta cũng hiểu được rằng tại sao chúng ta phải tha thứ cho những lỗi lầm của người khác.

Có người cũng từng nói rằng "Tức giận là đem lỗi lầm của người khác trừng phạt chính bản thân mình", hay "Việc nuôi tức giận trong lòng không khác nào tự mình uống thuốc độc mà trông chờ người khác chết" (Đức Phật Thích Ca). Khi bạn bực tức hay thù ghét một người nào đó, người đầu tiên bạn hủy hoại lại là chính bản thân mình, sau đó là cuộc sống của bạn, bởi bạn sẽ chẳng bao giờ cảm nhận được hạnh phúc khi trong tâm lúc nào cũng nuôi dưỡng tức giận.

Vì vậy, tha thứ cho người khác là tha thứ cho chính mình, buông tha cho người khác cũng là buông tha cho chính mình. Hãy trao cho nhau những cơ hội để được sửa chữa sai lầm, để yêu thương nhau nhiều hơn, vì cuộc sống này vô cùng ngắn ngủi!

Làm sao để tha thứ?

Hai tiếng “tha thứ” có thể được nói ra rất dễ dàng, nhưng dường như để thực hiện được nó là điều không dễ dàng chút nào!

Bạn nên phân biệt được sự khác nhau giữa ‘tha thứ’ và ‘hòa giải’. ‘Hòa giải’ là sự thiết lập lại tin tưởng lẫn nhau, còn ‘tha thứ’ có thể được tiến hành bất kể chúng ta có hòa giải hay tin tưởng nhau hay không.

Bạn càng thực hành ‘tha thứ’, bạn càng có được một cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc. Tha thứ cũng là một cách thể hiện sự đồng cảm và lòng bao dung của bạn với mọi người, nó cũng giúp bạn chấp nhận và sửa chữa những sai sót của bản thân.

Trước tiên, bạn hãy thử suy nghĩ những tác hại do sự tức giận của bạn đem lại. (Tức giận không chỉ gây tổn thương cho bản thân, bạn còn có thể không điều khiển được hành vi của mình mà gây đau khổ cho người khác, hay tạo nên những hối tiếc muộn màng). Sau đó, bạn hãy thả lỏng tâm trí, để cho những tức giận trôi đi, không suy nghĩ hay nhớ đến chúng, và hãy tự nói với bản thân hai chữ "tha thứ".

Điều này có thể cần sự kiên nhẫn và chút thời gian, nhưng không phải là không thể thực hiện. Không chỉ riêng bạn, mà bất kỳ ai trong số chúng ta đều phải làm điều này để có được cuộc sống hạnh phúc hơn.

Mỗi chúng ta đều có thể phạm sai lầm, quan trọng là biết nhận lỗi và sửa lỗi. Vì vậy, bạn hãy tập tha thứ, bắt đầu từ chính bản thân mình trước, bạn nhé!

Nguyễn Nguyễn

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên