Một “viên đạn bạc” đang giúp nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ nhưng cũng khiến Fed ‘đứng ngồi không yên’
Đây chính là “vũ khí bí mật” của nền kinh tế Mỹ giúp chi tiêu người tiêu dùng vẫn “mạnh mẽ”.
- 08-10-2023Làn sóng ‘Made in USA’ đang hồi sinh, các nhà máy đổ xô về quê: Vốn hóa tăng "bằng lần" là chuyện bình thường
- 08-10-20235 công ty đang ‘khát nhân lực’, có vị trí trả lương lên tới 3 tỷ đồng/năm, chẳng cần tới "chấm công" vẫn được trọng dụng
Chi tiêu vẫn mạnh mẽ
Tại sao chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ vẫn “mạnh mẽ” đến vậy dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Theo Wall Street Journal (WSJ), có một lý do quan trọng nhưng ít được chú ý là: Người tiêu dùng đang ngày càng già đi.
Theo Cục điều tra dân số, vào tháng 8/2023, người dân trên 65 tuổi chiếm 17,7%, mức cao nhất được ghi nhận kể từ năm 1920 và tăng mạnh so với mức 13% vào năm 2010. Người cao tuổi không chỉ đông hơn mà còn có tình hình tài chính tương đối tốt. Đồng thời họ ít có nhu cầu vay mượn - ví dụ vay để mua nhà, cũng như ít có nguy cơ bị sa thải hơn những người trẻ khác.
Điều này đã khiến người cao tuổi trở thành lực lượng chi tiêu cần phải chú ý. Theo khảo sát về chi tiêu tiêu dùng của Bộ Lao động công bố vào tháng 9, người Mỹ từ 65 tuổi trở lên chiếm 22% tổng chi tiêu trong năm ngoái. Đây là mức cao nhất kể từ năm 1972 và tăng đáng kể so với mức 15% vào năm 2010.
Susan Sterne, nhà kinh tế trưởng tại Hiệp hội Phân tích Kinh tế cho biết: “Đây là những đối tượng người tiêu dùng quan trọng trong năm tới. Họ đang tạo ra sức tiêu thụ lớn trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng việc làm chậm lại, lãi suất tăng và chương trình thanh toán nợ vay sinh viên khôi phục”.
Xu hướng chi tiêu “mạnh tay” của người cao tuổi phản ánh sức khỏe, sự giàu có và có lẽ là những ảnh hưởng tâm lý kéo dài sau đại dịch. Maureen Green, 66 tuổi, ở Cape Cod, Mass, nói: “Cả đời tôi chỉ có vậy, tiết kiệm cho cái này, tiết kiệm cho cái kia. Bây giờ khi có tiền trong ngân hàng, tôi quyết định chi tiêu nhiều hơn để có thể đến gần với bạn bè và gia đình hơn trước đây”.
Maureen Green, một người môi giới bất động sản có 4 người con ước tính rằng bản thân đang dành thời gian đi du lịch nhiều hơn 25% so với năm ngoái và gấp đôi so với năm 2019. Gần đây cô đã đến Syracuse, N.Y, để xem một cuộc triển lãm ảnh với bạn bè, đồng thời tham quan Rhode Island cùng con trai. “Có nhiều người Mỹ đã không qua khỏi sau thời kỳ đại địch, điều đó khiến tôi nhận ra không thể để thời gian trôi qua, bởi có thể đến khi nhận ra thì thời gian đó đã không còn nữa”.
Tuổi thọ cao hơn và chất lượng cuộc sống tốt hơn
Marshal Cohen, cố vấn trưởng chuyên về bán lẻ của Circana, một công ty nghiên cứu về hành vi người tiêu dùng cho biết: “Lối sống của người cao tuổi đã thay đổi đáng kể - họ năng động hơn bao giờ hết”. Ông cho rằng điều đó đã thúc đẩy chi tiêu: “Họ đi xe đạp điện, đi bộ đường dài hay đi du lịch. Và họ đã kéo dài lối sống hay cách sống như vậy trong thời gian dài hơn trước đây rất nhiều”.
Theo Bộ Lao động, năm 2022, một hộ gia đình với chủ hộ là người từ 65 tuổi trở lên đã chi tiêu nhiều hơn 2,7% so với năm trước đó (đã được điều chỉnh theo lạm phát), so với mức tăng 0,7% của các hộ gia đình có chủ hộ là người dưới 65 tuổi. Chi tiêu của các hộ gia đình lớn tuổi đã tăng 34,5% so với năm 1982. Còn của các hộ gia đình trẻ, mức chênh lệch so với cùng năm chỉ là 16,5%.
Chưa hết, người tiêu dùng trên 60 tuổi đã chi tiêu trong tháng 8/2023 nhiều hơn 7,9% so với năm 2022 - cao hơn so với mức tăng 5,1% ở những người từ 40 đến 60 tuổi và mức tăng 4,6% ở người tiêu dùng trẻ tuổi, theo một cuộc khảo sát của Fed New York.
Công ty lữ hành American Cruise Lines cho biết họ đang chứng kiến mức tăng trưởng doanh số lên tới 2 chữ số trong năm nay, chủ yếu đến từ thế hệ baby boomers (1946-1964).
Công ty Guilford, Conn, trong năm nay đã bổ sung thêm 3 chiếc tàu cũng như mở rộng lịch trình thêm 1 tháng cho một số tuyến phổ biến. Charles B. Robertson, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành công ty cho biết: “Du lịch trên sông đang thu hút một lượng lớn khách du lịch lớn tuổi, đặc biệt là ngày càng có nhiều người thuộc thế hệ baby boomers nghỉ hưu mỗi năm. Chúng tôi nhận thấy không chỉ nhu cầu tăng nhanh chóng mà thời gian nghỉ dưỡng cũng kéo dài hơn”.
“Viên đạn bạc” của nền kinh tế
Một thế mạnh khác của người cao tuổi là họ thường có tài chính tương đối mạnh. Theo Cục Dự trữ Liên bang, người Mỹ từ 70 tuổi trở lên hiện nắm giữ gần 26% tài sản hộ gia đình, mức cao nhất kể từ năm 1989.
Trong khi các nhà kinh tế vẫn nhận thấy khả năng xảy ra suy thoái tương đối cao trong năm tới thì Ed Yardeni, chủ tịch kiêm giám đốc chiến lược đầu tư của Yardeni Research, lại không nằm trong số đó. Một lý do quan trọng mà ông nhận thấy là: Theo tính toán của Fed, chỉ riêng thế hệ baby boomers hiện đã tích lũy được 77,1 nghìn tỷ USD tài sản. Họ có ít nợ tiêu dùng, nợ sinh viên và có nhiều khả năng đã sở hữu trọn vẹn căn nhà đang ở. Họ cũng hạn chế việc di chuyển bởi gia đình có nhiều thành viên cũng như hạn chế chuyển đổi công việc mới như thế hệ gen Y và gen Z.
Từ tháng 1, đối với các khoản thanh toán An sinh xã hội, những người về hưu đã nhận được khoản điều chỉnh tăng 8,7%, mức tăng mỗi năm lớn nhất kể từ năm 1981.
Những yếu tố này giúp người cao tuổi tránh khỏi “tai họa” lạm phát và lãi suất cao. Và hầu hết họ đều đã nghỉ hưu nên chi tiêu “ít bị tổn thương” hơn trước tình trạng thất nghiệp gia tăng mà nhiều nhà kinh tế dự đoán trong những quý tới.
Todd Bezold, một giám đốc marketing cho biết, nhu cầu đăng ký tham gia lễ hội mùa hè của Cincinnati Opera năm nay “mạnh mẽ” một cách đáng ngạc nhiên và được thúc đẩy bởi những khách hàng lớn tuổi.
“Bất chấp số lượng đăng ký thưởng thức các loại hình nghệ thuật có xu hướng giảm trong các năm qua, chúng tôi vẫn ghi nhận sự tăng trưởng 3% trong năm nay. Nhu cầu tăng vọt đó diễn ra dù cho giá vé tăng mạnh. Phần lớn người đăng ký của chúng tôi là những người thuộc thế hệ baby boomers”, ông cho biết.
Tham khảo WSJ
Nhịp sống thị trường