MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mù mờ số liệu tổng đàn heo, khó có con số chính xác

12-05-2017 - 12:00 PM | Thị trường

Trước đó người dân ùn ùn nuôi heo, trong khi ở địa phương thì chạy theo sau, không thống kê, cập nhật kịp thời...

Giá heo hơi xuống dốc trong thời gian dài chưa thể “ngóc đầu” lên nổi là do tổng đàn heo trong cả nước hiện còn dư thừa quá lớn, nhưng con số bao nhiêu cũng chỉ lờ mờ, phỏng đoán.

Số liệu mù mờ

Đây là hậu quả của thời gian dài trước đó người dân ùn ùn nuôi heo, trong khi ở địa phương thì chạy theo sau, không thống kê, cập nhật kịp thời.


Các cơ sở địa phương hiện rất khó quản lý số lượng heo nuôi trong chuồng để có báo cáo cho đúng.

Các cơ sở địa phương hiện rất khó quản lý số lượng heo nuôi trong chuồng để có báo cáo cho đúng.

Vì vậy mà ngày 9/5, Cục Chăn nuôi đã có văn bản “hỏa tốc” gửi đến các Sở NN-PTNT trong cả nước yêu cầu thống kê lại số lượng đầu heo nái và heo thịt, bởi “Đây là số liệu đang gây nhiều tranh cãi” (nguyên văn). Đồng thời yêu cầu các Sở NN-PTNT báo cáo về Cục trước ngày 15/5/2017. Không hiểu chỉ trong 6 ngày, trong đó hết 2 ngày nghỉ, liệu các địa phương có đủ con người, phương tiện làm việc để tiến hành kiểm tra, thống kê lại tổng số lượng đàn heo với đầy đủ số liệu đủ tin cậy báo cáo cho Cục hay không?

Trong khi đó, theo tìm hiểu chúng tôi, con số thống kê tổng đàn heo ở các địa phương hiện nay khá “lùng bùng”, được cung cấp qua 2 kênh chính là Cục Thống kê và Chi cục Chăn nuôi Thú y, còn ở huyện là phòng thống kê và trạm chăn nuôi thú y.

Thế nên mới có chuyện. Tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, khi chúng tôi xin số liệu tổng đàn heo của địa phương gần nhất, một nhân viên trạm chăn nuôi thú y (CNTY) in ra báo cáo cho biết: tháng 4 là 8.100 con heo (tính tròn); tháng 3 là 7.350 con. Tôi thắc mắc giá heo đang hạ, người chăn nuôi đang giảm đàn mạnh nhất là các tháng sau Tết 2017, vậy tại sao báo cáo lại tăng đàn, tháng sau cao hơn tháng trước?

“Đây là con số thống kê pháp lý, còn số liệu của trạm CNTY được tổng hợp từ cán bộ thú y các xã, thị trấn trong tháng 4 thật ra chỉ có khoảng 7.000 con thôi. Nhưng đưa vào báo cáo là phải lấy con số thống kê. Số liệu thống kê và số liệu thực tế thường có chênh lệch”, ông Nguyễn Quang Đăng, Trưởng trạm CNTY giải thích.

Chúng tôi tìm đến huyện Chợ Gạo, nơi có tổng đàn heo đứng đầu tỉnh Tiền Giang. Ông Nguyễn Văn Anh, chuyên viên CNTY của phòng NN-PTNT, cho biết con số thống kê tháng 6/2016 của tổng đàn heo là 161.000 con, còn đến nay chỉ còn 150.000 con.

- Số liệu đàn heo giảm hơn 10.000 con là lấy từ đâu? Tôi thắc mắc.

“Mình cũng ước chừng, chứ nay chưa có con số thống kê chính thức vì một năm tỉnh chỉ đi kiểm tra, thống kê tổng đàn gia súc - gia cầm một lần vào tháng 6. Trong khi đó, ngày 12/5, Sở NN-PTNT mới tổ chức hội nghị bàn về giải pháp tiêu thụ thịt heo, trong đó ít ra cũng phải dựa trên số liệu đủ tin cậy mới có thể đưa ra các ý kiến chỉ đạo sát thực tế, sát với người chăn nuôi".

Cơ sở khó quản lý

Ở xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, đặc biệt là không có đất ruộng nên hầu hết người dân đều tập trung chăn nuôi heo với số lượng rất lớn hàng chục ngàn con, chiếm 30% tổng đàn heo của huyện, còn được coi là “thủ phủ” heo của tỉnh.

Số lượng heo con đẻ ra nuôi thịt khiến tổng đàn tăng mạnh, nhưng để có số liệu báo cáo về số lượng tổng đàn heo con này hiện cũng là bài toán khó

Theo Chủ tịch xã Nguyễn Văn Mười, trước đây địa phương có trên 50.000 con heo/800 hộ nuôi thì hiện tại chỉ còn khoảng 30.000 con/300 hộ. Trong đó, nhiều hộ nuôi nhỏ, lẻ phải “treo” chuồng, còn các trang trại cũng giảm đàn; nhiều hộ bị gặp cảnh nợ nần do thua lỗ trong thời gian dài.

“Tôi nói con số ước chừng, bởi trước đây lúc heo có giá, người dân ồ ạt lập đàn, tăng đàn, mình không kiểm soát được nên số liệu cũng chỉ tương đối. Ngoài ra, còn có nhiều trang trại chăn nuôi gia công cho các Cty thức ăn chăn nuôi nước ngoài với số lượng khá lớn từ 500-1.000 con/trại, mặc dù họ đăng ký với xã nhưng cán bộ xã cũng không thể vào đó kiểm tra đếm từng con. Họ báo số lượng bao nhiêu mình biết bấy nhiêu, mà nếu họ không báo mình cũng không làm gì được. Đến khi giá heo xuống dốc còn 25.000-26.000 đồng, chính các trại này đồng loạt “xả hàng” mà toàn là heo đẹp, lúc đó cộng lại mới thấy số lượng tổng đàn quá lớn”, ông Mười nói.

Ông Võ Văn Dũng, cán bộ thú y xã nói, ông có thể nắm được tổng số chuồng trại, còn số lượng nuôi ở từng trại, từng hộ nhỏ lẻ thì người ta cung cấp số liệu bao nhiêu, mình cũng chỉ biết bấy nhiêu. “Nếu muốn biết số lượng đàn heo tăng, giảm qua từng quí, chỉ có cách là tôi phải dựa vào báo cáo của các trưởng ấp, trưởng thôn. Nhưng tiền lương của mấy ổng là do xã chi trả, nên mình có nhờ cũng được chăng hay chớ, ông nào nhiệt tình thì số liệu thật, ông nào không nhiệt tình thì số liệu ma”.

Trong thực tế, mặc dù theo qui định, chăn nuôi nhỏ lẻ hay trang trại đều bắt buộc phải đăng ký chuồng trại và số lượng với chính quyền địa phương để cơ sở quản lý tiêm phòng và dịch bệnh. Tuy nhiên, đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ do chưa có biện pháp chế tài đủ mạnh, nên nhiều trường hợp người dân không chịu đăng ký chuồng trại vì lo ngại thủ tục rườm rà thì chính quyền địa phương cũng không thể xử lý được.

Theo Nhật Vy

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên