MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mua bán điện trực tiếp sẽ mở lối thoát cho dự án năng lượng tái tạo

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương sớm hoàn thiện dự thảo khung pháp lý DPPA cho dự án năng lượng tái tạo. Ảnh TL

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương sớm hoàn thiện dự thảo khung pháp lý DPPA cho dự án năng lượng tái tạo. Ảnh TL

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc yêu cầu Bộ Công Thương sớm hoàn thiện dự thảo khung pháp lý cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp (DPPA) cho các dự án năng lượng tái tạo.

Theo Thông báo số 83/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về xây dựng khung khổ pháp lý liên quan đến năng lượng tái tạo và dự thảo cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp (DPPA): Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phải khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Năng lượng Tái tạo và khẩn trương nghiên cứu toàn diện kinh nghiệm quốc tế để rà soát nội dung dự thảo cơ chế thí điểm DPPA áp dụng ở Việt Nam.

Trước đó, ngày 16/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp về xây dựng khung khổ pháp lý liên quan đến năng lượng tái tạo và dự thảo cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp (DPPA). Kết luận tại cuộc họp này, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh:

Thứ nhất: Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chính phủ đã có Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02/10/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 55. Trong đó, giao nhiệm vụ Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Luật Năng lượng Tái tạo, thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.

Trên cơ sở đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Năng lượng Tái tạo theo nhiệm vụ Chính phủ giao và theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2023.

Thứ hai: Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu toàn diện kinh nghiệm quốc tế và trong khu vực để rà soát nội dung dự thảo cơ chế thí điểm DPPA áp dụng ở nước ta bảo đảm phù hợp với khung khổ pháp lý hiện hành, tính khả thi và hiệu quả chung. Trên cơ sở đó, tổ chức hội thảo rộng rãi vào đầu tháng 4/2023 để tham vấn ý kiến các bộ, ngành, tổ chức (trong và ngoài nước) và một số chuyên gia, nhà khoa học có liên quan để hoàn thiện cơ chế thí điểm DPPA.

Thứ ba: Bộ Công Thương khẩn trương rà soát, xử lý theo thẩm quyền các vấn đề liên quan đến xử lý chuyển tiếp đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư xây dựng song chưa được vận hành. Cụ thể là:

Hướng dẫn và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đàm phán/thỏa thuận về giá phát điện giữa các bên theo các quy định đã được Bộ Công Thương ban hành. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc này trước ngày 31/3/2023.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương rà soát các quy định hiện hành về hoạt động điện lực và pháp luật có liên quan để xem xét, hướng dẫn về việc huy động tạm thời phát điện các dự án chuyển tiếp đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vận hành trong thời gian các bên mua bán điện thực hiện đàm phán/thỏa thuận giá phát điện theo các quy định của Bộ Công Thương.

Mua bán điện trực tiếp sẽ mở lối thoát cho dự án năng lượng tái tạo - Ảnh 1.

Mua bán điện trực tiếp sẽ là giải pháp tốt nhằm tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho các dự án điện gió, điện mặt trời trong thời gian tới. Ảnh SM

Được biết, để hoàn thiện khung pháp lý về DPPA, hiện nay Bộ Công Thương đang tổ chức lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn. Đối tượng tham gia DPPA là đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện gió hoặc mặt trời có công suất đặt lớn hơn 30 MW nhưng không vượt quá 1.000MW, đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, trong đó bao gồm:

Các nhà máy điện đã sẵn sàng vào vận hành nhưng không đủ điều kiện áp dụng cơ chế giá điện theo các Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam; Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam và Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.

Các nhà máy điện chưa vận hành, đang triển khai xây dựng, nằm trong quy hoạch phát triển điện lực, đã xác định chủ đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn theo quy định hiện hành và dự kiến sẽ đầu tư, nghiệm thu để vận hành thương mại vòng 270 ngày làm việc kể từ ngày triển khai chương thí điểm mua bán điện trực tiếp.

Theo An Hoà

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên