Mua bán nhà đất từ 300 triệu tiền mặt phải báo cáo: Có kiểm soát được "tiền bẩn"?
Trước quy định phải báo cáo các giao dịch đáng ngờ, dùng tiền mặt từ 300 triệu đồng trở lên, đánh giá rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố về các giao dịch bất động sản của Bộ Xây dựng… nhiều ý kiến từ phía DN lo ngại quy định phát sinh thêm thủ tục hành chính và khó thực hiện.
Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị sở xây dựng các tỉnh, thành phố đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản thực hiện báo cáo theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản.
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định giao dịch bất động sản từ 300 triệu đồng tiền mặt trở lên phải báo cáo là quy định cồng kềnh, khó khả thi, gây tâm lý bất ổn.
Các doanh nghiệp phải ban hành và thực hiện quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật, phải thực hiện các quy định về nhận biết khách hàng, cập nhật thông tin khách hàng, rà soát các giao dịch, chống rửa tiền, lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, báo cáo các giao dịch tiền mặt từ 300 triệu đồng trở lên.
DN bất động sản cũng phải đánh giá rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố về các giao dịch bất động sản.
Ngay sau khi Bộ Xây dựng ban hành, đã có nhiều ý kiến khác nhau về việc thực thi quy định này.
Mặc dù ủng hộ quy định của Bộ Xây dựng và cho rằng đây là việc các doanh nghiệp phải làm nhằm giúp thị trường bất động sản phát triển minh bạch hơn, nhưng ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký Hội môi giới Việt Nam khẳng định sẽ rất khó thực hiện.
Ông Đính cho biết, quy định này không phải mới và đã có từ lâu. Những người làm môi giới bất động sản trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề đều phải trải qua các câu hỏi liên quan đến phòng chống rửa tiền.
“Đã là quy định thì phải làm, tuy nhiên để làm được hay không thì rất khó. Quan điểm của tôi là rất khó làm và khó bắt được hành vi vi phạm trên", ông Đính nói.
Vị chuyên gia này lấy ví dụ trong hoạt động của các doanh nghiệp, các đơn vị sàn giao dịch bất động sản hiện nay, công việc phổ biến, thông thường nhất mà họ phải làm là báo cáo với Sở Xây dựng hàng tháng về việc họ bán sản phẩm gì, bán bao nhiêu họ còn chưa làm, chưa tuân thủ nghiêm túc.
Do đó, việc yêu cầu các doanh nghiệp bất động sản này phải thực hiện công tác báo cáo lên cơ quan quản lý về công tác phòng chống rửa tiền - một nhiệm vụ khó hơn mà có khi điều tra còn chưa dễ phát hiện ra chứ chưa nói đến môi giới, còn khó khăn hơn nhiều lần.
Ông Đính cho rằng, để thực hiện quy định về chống rửa tiền còn phải đi song hành với nhiều quy định khác, như kê khai đóng thuế, quy định giao dịch qua tài khoản ngân hàng... Vì thế, ông kiến nghị các quy định này phải có sự điều chỉnh theo hướng chặt chẽ, rõ ràng và làm quyết liệt hơn.
Ở góc độ doanh nghiệp, khi trao đổi với PV Infonet, Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Đại Phúc Land cho rằng, việc giao dịch qua hệ thống ngân hàng chưa phải là thói quen chưa phổ biến nên dùng ý chí để áp đặt là chưa ổn.
Theo bà Hương, việc yêu cầu phải báo cáo các giao dịch tiền mặt từ 300 triệu đồng trở lên… phát sinh thêm thủ tục hành chính không cần thiết và càng cồng kềnh, phức tạp, gây tâm lý bất ổn.
“Muốn người ta làm gì thì phải có cơ chế khuyến khích, phải có giải pháp để người ta tình nguyện tham gia, nếu ép buộc thì việc đưa ra chưa chắc đi vào thực tiễn được. Để thay đổi thói quen giao dịch cần có thời gian”, bà Hương nêu quan điểm.
Cùng với đó, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản EZ cũng cho rằng, văn hóa giao dịch ở Việt Nam chủ yếu vẫn sử dùng tiền mặt. Tuy nhiên phải báo cáo các giao dịch bất động sản bằng tiền mặt trên 300 triệu đồng là việc khó khả thi.
“Nếu buộc các sàn phải khai danh tính khách hàng của mình thì ai dám làm việc, giao dịch với họ nữa?”, ông Toản đặt câu hỏi.
GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, quy định này nhằm tiến tới không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản là quy định tiến bộ. "Xu hướng chung là giảm dùng tiền mặt, chúng ta dùng tiền thông qua các giao dịch điện tử. Với bất động sản thường là những giao dịch có giá trị lớn, với quy định đó sẽ có cơ hội giảm tiền hình thành trái pháp luật hay chúng ta vẫn gọi là rửa tiền. Khi chúng ta đi theo tuyến từ ngân hàng qua các kênh điện tử để thanh toán thì được coi là đồng tiền công khai; còn tiền mặt có thể cất trong kho thì là không công khai, nguồn gốc không rõ ràng…", ông Đặng Hùng Võ nói. |
Infonet