Mùa cao điểm cuối năm, phải vay lãi suất 15-16% mới có vốn?
Theo phản ánh, hiện không ít các doanh nghiệp ngành vận tải phải vay với lãi suất 15-16%/năm mới có vốn cho mùa cao điểm cuối năm; có những trường hợp không vay nổi.
- 13-11-2022Doanh nghiệp trong 'cơn khát' vốn - Bài 2: Ngân hàng cũng 'khan' tiền
- 13-11-2022Doanh nghiệp trong 'cơn khát' vốn - Bài 1: Tìm mọi cách để tồn tại
Những tháng cuối năm là mùa cao điểm trong sản xuất kinh doanh nên nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp thường tăng cao. Tuy vậy, để tiếp cận được, nhiều doanh nghiệp đã phải rất chật vật, bởi với lãi suất cao thì không có khả năng chi trả, còn với lãi suất thấp lại không có cơ hội tiếp cận.
CAO KHÔNG TỚI – THẤP KHÔNG THÔNG
Hoạt động trong lĩnh vực du lịch, theo ông Nguyễn Tiến Đạt – Giám đốc Công ty du lịch AZA cho biết, trong những tháng cuối năm doanh nghiệp có nhu cầu lớn về vốn để giữ chỗ các dịch vụ hàng không, khách sạn… cho các chương trình du lịch dịp Tết Dương lịch và Âm lịch. Tuy vậy, doanh nghiệp không thể tiếp cận được vốn từ các ngân hàng thương mại (NHTM). Bởi, thực tế, các NHTM là đơn vị kinh doanh nên phải cân nhắc yêu tố lợi nhuận và rủi ro.
"Về lợi nhuận, NHTM đang phải huy động với mặt bằng lãi suất rất cao 10%, lãi suất cho vay thường sẽ cộng thêm 3% tức là 13%/năm. Đây là mức quá sức chịu đựng với doanh nghiệp", ông Đạt nhìn nhận.
Khi không thể vay được vốn với lãi suất cao, ông Nguyễn Tiến Đạt tìm cách tiếp cận với nguồn vay lãi suất thấp từ chương trình hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ. Song, các NHTM lại không ưu tiên giải ngân cho doanh nghiệp du lịch.
"Báo cáo tài chính của doanh nghiệp chúng tôi trong 3 năm qua đều thua lỗ, không đáp ứng đủ tiều chuẩn của ngân hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp du lịch không có tài sản thế chấp", ông Đạt lý giải.
Cũng trong tình trạng tương tự, ông Lại Hoàng Dương - Giám đốc Công ty Máy tính Thánh Gióng cho biết, càng cuối năm 2022, việc thiếu hụt vốn vẫn đang là một trong những vấn đề nan giải của doanh nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh giá các loại nguyên liệu liên tục biến động, chi phí tăng cao nên đa số các doanh nghiệp đều mong muốn được hỗ trợ dòng tiền với lãi suất cho vay hợp lý.
Tuy vậy, sau hơn 2 tháng làm hồ sơ vay vốn gói hỗ trợ 2% nhưng đến nay vẫn chưa thể tiếp cận được vì vướng thủ tục.
"Hồ sơ chúng tôi đã gửi 2 lần rồi và điều chỉnh 1-2 lần nữa tổng thời gian là 2 tháng rồi vẫn còn nhiều hàng rào để có thể tiếp cần được nguồn vốn giá rẻ", ông Dương cho biết.
Còn theo ông Trần Đức Nghĩa - Trưởng ban Logistics, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay, để vay được vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh, hiện không ít các doanh nghiệp ngành vận tải phải vay với lãi suất 15-16%/năm thay vì mức 13-14% trước đó. Điều này các khiến doanh nghiệp ngành vận tải khó khăn chồng chất khó khăn.
"Chưa kịp "hồi sức" do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 kéo dài hơn 2 năm, từ đầu năm 2022 đến nay, chi phí đầu vào như giá xăng dầu, lãi suất vay tăng liên tục đã "bồi giáng" thêm khó khăn, áp lực khiến cho cộng đồng doanh nghiệp, người kinh doanh dịch vụ vận tải tiếp tục "lao đao"; có không ít doanh nghiệp, người kinh doanh đã tính đến việc bán xe, chuyển nghề", ông Nghĩa lo lắng.
TIẾT GIẢM TẤT CẢ CÁC CHI PHÍ CÓ THỂ
Vì không thể vay vốn từ các NHTM với tư cách là doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Đạt đã phải vay với tư cách cá nhân, vay tiêu dùng để thực hiện cho hoạt động của doanh nghiệp bằng tài thế chấp là ngôi nhà đang ở.
"Trong 2 năm đầu chúng tôi được ưu đãi với lãi suất 10%/năm. Nhưng tôi cho rằng, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục tăng hơn nữa kể cả với doanh nghiệp và cá nhân, điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong năm 2023", ông Đạt dự báo.
Còn theo đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam quan ngại, lãi suất cho vay có thể tiếp tục tăng tới 20%/năm, vì vậy các doanh nghiệp đã ý thức việc sử dụng vốn phải tiết kiệm hơn và cần phải đảm bảo các hoạt động kinh doanh có hiệu quả có thể thu lợi.
"Trước mắt, chúng tôi phải tiết giảm tất cả các khoản chi phí có thể nhất đề bù vào chi phí lãi suất. Cụ thể, mới đây, chúng tôi đã tổ chức đào tạo lái xe đúng cách, từ đó sẽ giảm được từ 5-10% mức tiêu hao nhiên liệu phương tiện", ông Hải đưa ra ví dụ.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, khi lãi suất tăng, bản thân các doanh nghiệp phải xem xét lại kế hoạch và tính toán lại có nên cắt giảm nguồn lao động hay thu hẹp về quy mô hay không.
"Trước đó, thời dịch COVID-19, mặt bằng lãi suất cho vay chỉ xoay quanh 8%/năm. Hiện, lãi suất cho vay phổ biến đối với doanh nghiệp tại ngân hàng là 13-15%/năm, thậm chí trên 15%. Cùng với chi khi khác tăng, đã có không ít doanh nghiệp báo với chúng tôi khả năng doanh thu sẽ sụt giảm từ 10-20% trong thời gian tới", ông Mạc Quốc Anh thông tin.
Vì vậy, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, Chính phủ cần có quyết sách đặc biệt, nâng cao hiệu quả triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi sau đại dịch COVID-19 cho doanh nghiệp. Các gói hỗ trợ dù đã được triển khai song tốc độ giải ngân vẫn còn chậm, tình trạng doanh nghiệp kêu khó khi tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi cũng cho thấy các điều kiện để vay vốn chưa thực sự phù hợp, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
"Cần có biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong điều kiện tiếp cận các khoản vốn vay ưu đãi của doanh nghiệp để các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực sự phát huy hiệu quả", ông Mạc Quốc Anh đề xuất.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) cho rằng, nhu cầu vốn của nền kinh tế lớn nhưng ngân hàng cũng không thể đáp ứng được nhiều bởi thiếu hụt nguồn tiền và hạn chế về hạn mức tăng trưởng tín dụng. Doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn từ các kênh khác như trái phiếu doanh nghiệp hay cổ phiếu.
Do đó, vị chuyên gia này cho rằng, cần cân nhắc thực hiện các chính sách hỗ trợ để tăng nguồn vốn cho doanh nghiệp.
"Trước hết, nên tính đến việc bơm vốn cho nền kinh tế, tăng lượng cung tiền, tăng hạn mức tín dụng để hỗ trợ cho nền kinh tế hồi phục trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, cần quyết liệt hơn nữa trong giải ngân đầu tư công vào các dự án trọng điểm để vừa bơm tiền cho nền kinh tế, vừa hoàn thiện hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho những năm sau", ông Phạm Xuân Hòe khuyến nghị.
Nhịp sống doanh nghiệp