Mùa đại hội cổ đông: Xuất hiện những doanh nghiệp đầu tiên dự kiến lãi lớn, chia cổ tức đậm trên 40%
Những doanh nghiệp chia cổ tức cao, có triển vọng kinh doanh khả quan được dự báo sẽ có thể thu hút dòng tiền lớn.
Trên thị trường chứng khoán, chiến lược đầu tư theo mùa cũng được nhà đầu tư khá ưa chuộng. Đối với mùa đại hội cổ đông, câu chuyện thu hút nhà đầu tư là những quyết định quan trọng như tăng vốn, trả cổ tức, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, những doanh nghiệp chia cổ tức cao, có triển vọng kinh doanh khả quan trong năm nay dự báo có cơ hội thu hút dòng tiền lớn.
Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã DGC)
Dẫn đầu danh sách chia cổ tức cao là Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) khi trình ĐHCĐ chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 127%, bao gồm 10% cổ tức tiền mặt (đã tạm ứng) và cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 117% (phát hành thêm 200,16 triệu cổ phiếu trả cổ tức).
Theo đó, trong năm 2021 tuy tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song kết quả kinh doanh của DGC vẫn tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, doanh thu hợp nhất đạt 9.550 tỷ đồng, tăng 53% so với thực hiện năm 2020. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng 165% lên mức 2.513 tỷ đồng và vượt 128% kế hoạch năm 2021 do ĐHĐCĐ đề ra.
Sang đến năm 2022, công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu tăng 26% so với năm 2021, đạt 12.117 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 3.500 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, Tập đoàn dự kiến chia cổ tức năm 2022 đạt 30%.
Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex, mã SEA)
Seaprodex cũng vừa thông qua việc tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt năm 2021 tỷ lệ 95%. Theo đó, mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu SEA sẽ nhận 9.500 đồng. Với 125 triệu cổ phiếu niêm yết, doanh nghiệp thuỷ sản này dự chi gần 1.200 tỷ đồng để chi trả cổ tức trong đợt này. Thời gian chi trả dự kiến trong tháng 4/2022.
Tuy chưa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022, song nhìn lại kết quả kinh doanh năm 2021 của Seaprodex cũng khá khả quan. Báo cáo tài chính công ty mẹ ghi nhận doanh thu giảm nhẹ so với cùng kỳ, đạt 150 tỷ đồng nhưng lãi sau thuế tăng 23 lần lên 1.413 tỷ đồng. Nguồn thu này đến từ cổ tức của Công ty Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc Proconco, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu cám Con Cò. Seaprodex đang nắm 22,08% vốn của Proconco.
Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld, mã DGW)
Trong tài liệu họp Đại hội cổ đông năm 2022 mới công bố, Digiworld dự kiến chia thưởng tổng tỷ lệ 90%. Cụ thể, đối với phương án chia cổ tức năm 2021, Công ty dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương ứng 1.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian thực hiện trong quý 2/2022.
Đồng thời, Digiworld cũng trình phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 80%, đồng nghĩa cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận 80 cổ phiếu phát hành thêm. Cổ phiếu phát hành thêm không bị hạn chế chuyển nhượng. Tuy nhiên, chi tiết phương án phát hành và thời gian thực hiện đợt phát hành vừa nêu chưa được công bố.
Không những đề xuất chia thưởng cao, doanh nghiệp còn công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022 khả quan. Theo đó, Digiworld đặt kế hoạch doanh thu thuần đạt 26.300 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế cũng tăng 22% lên 800 tỷ đồng. Nếu đạt được thì đây đều là các con số cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp và lần đầu tiên chạm đến quy mô doanh thu tỷ USD.
Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã HAH)
Lãi lớn trong năm 2021, HAH đề xuất phương án tăng cổ tức năm 2021 từ 15% lên 50%. Theo đó, công ty sẽ trả 10% bằng tiền mặt và 40% bằng cổ phiếu. Đây là mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Đối với phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu, HAH dự kiến phát hành thêm 19,5 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức năm 2021. Tỷ lệ trả cổ tức bằng cổ phiếu là 40%, tương đương 100 cổ phiếu sẽ nhận được 40 cổ phiếu mới. Số cổ phiếu phát hành thêm không hạn chế chuyển nhượng, dự kiến thực hiện trong năm 2022.
Theo ban lãnh đạo Hải An, lợi nhuận lập kỷ lục 445 tỷ đồng, gấp ba lần so với mức bình quân một thập kỷ qua và triển vọng kinh doanh hai năm tới vẫn thuận lợi nên muốn mức cổ tức hấp dẫn hơn.
Sang đến năm 2022, Hải An đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.388 tỷ đồng và lãi sau thuế 550 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và 24% so với năm ngoái. Công ty dự kiến tỷ lệ cổ tức năm nay tỷ lệ 30%, trong đó 10% bằng tiền và còn lại là cổ phiếu.
CTCP Gỗ Đức Thành (mã GDT)
Theo tài liệu họp cổ đông, GDT dự kiến trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 20% gồm 10% bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu. Trong đó, Gỗ Đức Thành đã tạm ứng đợt 1 với tỷ lệ 20% vào tháng 10 năm trước. Như vậy, tổng cộng tỷ lệ chi trả cổ tức của GDT năm 2021 đạt 40%.
Không chỉ duy trì mức cổ tức cao, GDT còn đặt kế hoạch khá tham vọng. Cụ thể, doanh nghiệp gỗ này đặt kế hoạch doanh thu thuần năm 2022 sẽ tăng mạnh 48% so với cùng kỳ lên 500 tỷ. Trong đó, doanh thu xuất khẩu năm 2022 dự kiến tăng 48% lên 425 tỷ đồng, tiếp tục là nguồn đóng góp chính khi chiếm 85% kế hoạch doanh thu thuần. Doanh thu nội địa và các mảng khác năm 2022 dự kiến sẽ tăng 44% so với cùng kỳ lên 75 tỷ, tương ứng chiếm 15% mục tiêu doanh thu thuần năm 2022.
Kế hoạch lợi nhuận ròng năm 2022 kỳ vọng đạt 94,3 tỷ, tương ứng tăng mạnh 55% so với thực hiện năm 2021, với giả định biên lãi ròng năm 2022 tăng trở lại đáng kể lên 18,9% từ mức 16,6% năm 2021. Tỷ lệ cổ tức năm 2022 dự kiến duy trì mức 40% tiền mặt, tương ứng 4.000 đồng/cổ phiếu.