MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mưa dồn dập, hồ đập trở thành 'bom nước'

Mỗi năm ngân sách nhà nước dành cả nghìn tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp các hồ đập hư hỏng, xuống cấp. Tuy nhiên đến nay, số lượng “bom nước” hư hỏng chực chờ vỡ còn rất lớn. Đặc biệt, hiện có tới hơn 5.500 hồ đập chưa có phương án ứng phó khẩn cấp khi mùa mưa lũ bắt đầu.

Gần 1.000 hồ đập xuống cấp, hư hỏng nặng

Việc hồ chứa nước Đắk N’Ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, Đắk Nông) nguy cơ vỡ sau đợt mưa lớn vừa qua tiếp tục làm nóng lên câu chuyện về nguy cơ mất an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ.

Đây là hồ chứa có dung tích khoảng 1,2 triệu m3 với tổng mức đầu tư gần 137 tỷ đồng và đang trong quá trình nghiệm thu để bàn giao. Nếu hồ thực sự vỡ hậu quả sẽ khôn lường, bởi hàng nghìn hộ dân vẫn đang sinh sống ở khu vực quanh hồ và vùng hạ du.

Thực tế hiện nay, những “bom nước” hư hỏng nặng, xuống cấp nguy cơ vỡ cao hơn hồ Đắk N’Ting có ở khắp cả nước. Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), hiện cả nước có khoảng trên 7.300 đập, hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích trữ khoảng 14,5 tỷ m3, tạo nguồn nước tưới cho gần 1,1 triệu ha đất nông nghiệp, cấp khoảng 1,5 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp. Trong số này có 934 hồ chứa xuống cấp, hư hỏng nặng.

Cục Thủy lợi cho biết, mùa mưa bão năm nay, mưa sẽ dồn dập, tập trung trong một khoảng thời gian ngắn, gây nguy cơ sạt lở, lũ quét cao. Do đó, các địa phương cần theo dõi sát diễn biến thời tiết, làm tốt công tác dự báo, cảnh báo và đưa ra quyết định tích nước, xả lũ phù hợp, đảm bảo an toàn hồ đập và vùng hạ du.

Ông Nguyễn Đăng Hà, Trưởng phòng An toàn đập và hồ chứa nước, Cục Thủy lợi cho biết, đa phần các hồ này đều tập trung vào nhóm hồ vừa và nhỏ, được xây dựng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước nên nguy cơ mất an toàn rất cao.

Hiện nay, khu vực hạ du hình thành các đô thị, thành phố dẫn đến hệ quả hành lang thoát lũ của các hồ chứa thủy lợi bị thu hẹp dần. Lưu lượng xả của các hồ chứa nếu xả theo thiết kế sẽ gây ngập lụt cho hạ du.

Đáng chú ý, thống kê của Cục Thủy lợi cho thấy đến nay mới chỉ có 24% trong tổng số hồ chứa có phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp (tức có khoảng hơn 5.500 hồ chưa có phương án), chỉ 23% số hồ có phương án bảo vệ; 13% số hồ được kiểm định an toàn; 16% số hồ có quy trình vận hành và chỉ 10% số hồ được lắp thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du.

Mưa dồn dập, hồ đập trở thành 'bom nước' - Ảnh 2.

Hồ Đắk N’Ting nguy cơ vỡ, tỉnh Đắk Nông phải công bố tình trạng thiên tai khẩn cấp.

“Việc dự báo tình hình mưa, bão, lũ ở nhiều nơi cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt, hiện tại, đa số hồ tập trung ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, do cấp huyện, xã quản lý. Trong điều kiện mưa, lũ cực đoan như hiện nay, nguy cơ tiềm ẩn đối với các đập, hồ chứa thủy lợi như tràn qua mặt đập gây sạt trượt, thấm mạnh qua thân đập; thấm, xói ngầm mang cống; xói lở tràn xả lũ và vỡ hồ có thể xảy ra bất cứ lúc nào”, ông Hà cảnh báo.

Rót 30.000 tỷ đồng tu sửa: “muối bỏ bể”?

Theo Bộ NN&PTNT, từ năm 2003 đến nay, trước tình trạng hồ chứa xuống cấp, hư hỏng, Bộ NN&PTNT và các địa phương đã từng bước nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thủy lợi, bố trí nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp. Đến nay, có khoảng 1.500 hồ chứa dung tích từ 3 triệu m3 trở lên đã được sửa chữa, đảm bảo an toàn với tổng kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng. Trong số đó, giai đoạn 2019 - 2021, Chính phủ đã hỗ trợ cho 30 tỉnh, thành 500 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp 84 hồ. Dự án World Bank 8 đã hoàn thành, đã sửa chữa 436 hồ; các địa phương đầu tư nâng cấp 80 hồ bằng các nguồn vốn khác.

Theo Bộ NN&PTNT, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, ngành nông nghiệp được bố trí 3.800 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp 30 công trình. Đặc biệt, trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sau dịch COVID-19, Chính phủ đã hỗ trợ các địa phương gia cố 68 hồ với tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, qua rà soát đến nay vẫn còn 337 hồ chứa bị hư hỏng chưa được bố trí nguồn vốn để sửa chữa nâng cấp, tiềm ẩn nguy cơ vỡ hồ, đập. Lãnh đạo Cục Thủy lợi cho rằng, hiện tại, đa phần các hồ chứa đều do địa phương quản lý nhưng nhiều địa phương còn thờ ơ, xem nhẹ nguy cơ mất an toàn nên vẫn chưa đầu tư đúng mức. Để khắc phục tình trạng này, Bộ NN&PTNT đề xuất ưu tiên tập trung sửa chữa, nâng cấp các đập hồ chứa hư hỏng, xuống cấp, chưa đủ khả năng chống lũ, trong đó ưu tiên công trình có nguy cơ rủi ro cao, lưu vực tập trung dòng chảy lũ về hồ nhanh.

Theo lãnh đạo Cục Thủy lợi, từ nay đến năm 2025, theo nghị quyết của Bộ Chính trị các hồ đập xuống cấp, hư hỏng nặng cơ bản phải được sửa chữa. Trường hợp chưa bố trí được kinh phí, các địa phương cần tập trung ưu tiên nguồn lực để sửa hồ chứa xuống cấp nguy hiểm nhất.

Theo Dương Hưng

Tiền phong

Trở lên trên