“Mùa gặt” của thị trường bất động sản diễn biến “lạ”
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS - FERI), thời gian qua, ở phía người mua, đa số khách hàng chưa quyết định xuống tiền và đang trong tâm thế thăm dò dự án tốt.
- 04-12-2023Doanh nghiệp liên quan tới Novaland gia hạn thành công lô trái phiếu 1.500 tỷ đồng
- 04-12-20233 đại dự án Vinhomes Vũ Yên, Cổ Loa, Wonder Park được dự báo mang về cho Vinhomes gần 92.000 tỷ đồng trong 2024
- 04-12-2023Chuyên gia tiết lộ phân khúc bất động sản sẽ tăng giá trong thời gian tới
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là kết thúc năm 2023, như thường lệ, thời điểm cuối năm luôn được coi là “mùa vụ” trông đợi nhất trong năm của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại ở phía người mua, đa số khách hàng chưa quyết định xuống tiền và đang trong tâm thế thăm dò dự án tốt.
Báo cáo thị trường do Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS - FERI) công bố mới đây đã chỉ ra trong tháng 11, Hà Nội & các tỉnh lân cận là khu vực duy nhất ghi nhận sụt giảm nguồn cung mới theo tháng. Cụ thể, trong tháng 11, tổng nguồn cung mới của Thủ đô và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh giảm 10% so với tháng 10 (đạt khoảng 900 sản phẩm).
Trong khi đó, nguồn cung mới ở miền Trung (Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam, Phú Yên) tăng 65% so với tháng trước, đạt khoảng 250 sản phẩm. TP HCM & các tỉnh lân cận (Bình Dương, Đồng Nai, Long An) tăng 50%, đạt khoảng 1.000 sản phẩm. Miền Tây (Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu) tăng 100%, đạt 250 sản phẩm.
Mặc dù nguồn cung mới sụt giảm theo tháng, song nếu tính chung từ đầu năm đến nay, Hà Nội và các tỉnh lân cận vẫn là nơi tập trung phần lớn sản phẩm mới trên thị trường.
Theo DXS, 11 tháng qua, khu vực này đã ra mắt khoảng 7.400 sản phẩm mới. Chỉ số này cao hơn rất nhiều so với miền Trung (800 sản phẩm), miền Tây (700 sản phẩm) và chỉ xếp sau TP HCM & các tỉnh lân cận với khoảng 9.000 sản phẩm.
Dat Xanh Services đánh giá, tháng vừa qua đa số chủ đầu tư tiếp tục mở bán giỏ hàng từ những dự án cũ. Nguồn cung mới chủ yếu tập trung tại miền Bắc và miền Nam.
Về giá bán bình quân, với phân khúc căn hộ, Hà Nội & vùng lân cận duy trì mức giá ổn định theo tháng, khoảng 20 - 60 triệu đồng/m2. Căn hộ miền Trung có giá 26 - 100 triệu đồng/m2, tăng 2 - 3%. Tại TP HCM và vùng lân cận giá duy trì ổn định ở mức 27 - 80 triệu đồng/m2. Căn hộ miền Tây giá khoảng 30 - 65 triệu đồng/m2, tăng 30 - 40%.
Giá nhà phố ở Hà Nội và vùng lân cận khoảng 38 - 171 triệu đồng/m2 (tăng 2 - 3%); ở miền Trung khoảng 38 - 120 triệu đồng/m2 (tăng 3 - 5%). Trong khi đó, 2 khu vực còn lại duy trì giá ổn định so với tháng 10, TP HCM và vùng lân cận 25 - 91 triệu đồng/m2, miền Tây 22 - 47 triệu đồng/m2.
Giá biệt thự ở Hà Nội & vùng lân cận 27 - 194 triệu đồng/m2, ở miền Trung 45 - 200 triệu đồng/m2, ở TP HCM và vùng lân cận 60 - 120 triệu đồng/m2; đều không chênh lệch nhiều so với tháng trước đó.
Với phân khúc shophouse, khu vực Hà Nội & vùng lân cận có giá 36 - 200 triệu đồng/m2 (tăng 2 - 3%); miền Trung 45 - 220 triệu đồng/m2 (tăng 3 - 5%). Còn TP HCM và vùng lân cận 30 - 143 triệu đồng/m2, miền Tây 25 - 43 triệu đồng/m2; đều ổn định theo tháng.
Giá bán đất nền trên cả nước trong tháng 11 không biến động nhiều so với tháng 10. Cụ thể, Hà Nội và vùng lân cận duy trì mức giá 17 - 60 triệu đồng/m2, miền Trung 13 - 52 triệu đồng/m2, TP HCM và vùng lân cận 15 - 55 triệu đồng/m2, miền Tây 11 - 32 triệu đồng/m2.
Theo Dat Xanh Services, trong tháng 11, sự quan tâm của khách hàng tập trung vào những dự án thuộc phân khúc vừa túi tiền, đảm bảo tiến độ, pháp lý. Giao dịch phát sinh cục bộ tại một số dự án nhất định.
Giá bán sơ cấp tăng nhẹ 2 - 5% ở một vài dự án, còn lại đa phần ổn định. Trong khi đó, thị trường thứ cấp ghi nhận giao dịch cầm chừng, giá bán không có sự thay đổi.
Về phía chủ đầu tư, ngày càng nhiều chính sách “bom tấn” hỗ trợ khách hàng được ban hành như tăng chiết khấu lên 20 - 40%, giãn tiến độ thanh toán, tăng thời gian hỗ trợ lãi suất, cam kết thời gian cho thuê lại,... Các dự án từ bình dân đến cao cấp đều tham gia "cuộc đua" này nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ.
Trong khi đó, ở phía người mua, đa số khách hàng chưa quyết định xuống tiền và đang trong tâm thế thăm dò dự án tốt.
Ngoài ra, chưa nhiều dự án được khơi thông pháp lý để chào bán ra thị trường, tiến độ triển khai gỡ vướng còn chậm. Việc Luật Đất đai (sửa đổi) dời thời gian thông qua phần nào khiến tiến độ gỡ vướng pháp lý cho các dự án bị kéo dài.
Theo dự báo của DXS - FERI trước đó, thị trường bất động sản đã đi đến giai đoạn cuối của kỳ suy thoái, và hiện nay thị trường gần như đã chạm đáy. Tuy nhiên, DXS-FERI dự báo thận trọng, chu kỳ tăng trưởng mới của bất động sản Việt Nam sẽ không đi theo biểu đồ hình chữ V mà sẽ là hồi phục và tăng trưởng theo biểu đồ hình chữ U.
TS Phạm Anh Khôi - Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – BĐS Dat Xanh Services cho biết, thời điểm quý 4/2023 thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên. Dat Xanh Services đưa ra ba kịch bản cho thị trường bất động sản quý 4/2023. Cụ thể, ở kịch bản lý tưởng, nguồn cung giảm 20-30%, lãi suất dưới 10-12%, giá bán tăng nhẹ, tỷ lệ hấp thụ 40-50%.
Kịch bản kỳ vọng, nguồn cung giảm 30-50%, giá bán đi ngang, lãi suất 11-13%, tỷ lệ hấp thụ 20%
Kịch bản thách thức, nguồn cung giảm trên 50-60%, giá bán giảm 20%, lãi suất trên 14% tỷ lệ hấp thụ 10%.
Đến quý 2/2024, thị trường mới bắt đầu hồi phục và đà tăng trưởng sẽ rõ ràng hơn từ năm 2025. Sự phục hồi dự kiến bắt đầu tư thị trường nhà ở tại các đô thị lớn như khu vực Hà Nội, Tp.HCM, Bình Dương, Cần Thơ sau đó dần phục hồi ở các đô thị vệ tinh lân cận.