MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mua ô tô nhập không chính hãng: Làm thịt con “gà mờ”

31-07-2016 - 09:27 AM | Thị trường

Xe nhập khẩu không chính hãng có giá rẻ hơn khá nhiều so với xe chính hãng. Tuy nhiên, kèm theo đó là những rủi ro khiến chiếc xe dù rất mới nhưng có thể vẫn gặp nhiều phiền toái trong quá trình sử dụng.

Tốn kém lớn khi sửa chữa

Năm 2011, anh Nguyễn Anh Tuấn, chủ một DN tại Hà Nội, mua chiếc Mercedes S500 nhập khẩu không chính hãng xuất xứ từ Mỹ. Về Việt Nam, xe chạy được hơn 2 năm, bộ giảm sóc đã bị hỏng, anh phải đưa xe vào xưởng thay mới với chi phí 150 triệu đồng. “Một cái giá khá chát”, anh chép miệng.

Tuy vậy, anh Tuấn cho rằng mình vẫn còn may, bởi ở Việt Nam có dịch vụ chính hãng đáp ứng được cho dòng xe này.

Một số khách hàng Việt Nam trước đây thích dòng xe GL của Mercedes xuất Mỹ, nhập không chính hãng cũng cho biết, hệ thống giảm sóc của dòng xe này khá nhanh hỏng.

Điều này cũng xảy ra với nhiều xe siêu sang như Rolls Royce, hay Bentley,... thời gian qua được nhập không chính hãng hoặc là xe cũ từ thị trường Mỹ và châu Âu về Việt Nam. Ngoài ra, hệ thống điều hòa hoạt động cũng không ổn định. Lý do, những xe này được sản xuất dành riêng cho thị trường Mỹ, Tây Âu hay Trung Đông,... khi về Việt Nam không phù hợp.

Các kỹ sư ô tô cho biết, thị trường khác nhau, xe ô tô được sản xuất với những tiêu chuẩn khác nhau. Tại khu vực Đông Nam Á, do hạ tầng giao thông còn kém, việc đưa các mẫu xe dành cho thị trường Bắc Mỹ hay Tây Âu về nhiều linh kiện phải thay thế sớm.

Khi hỏng hóc, những chiếc xe nhập khẩu không chính hãng đương nhiên không được bảo hành bảo dưỡng theo tiêu chuẩn. Chủ xe phải tự lo sửa chữa. Nếu đưa vào đại lý chính hãng thì sẽ phải chịu một mức giá đắt đỏ. Thậm chí, có đại lý chính hãng còn từ chối, khách đành phải nhờ thợ bên ngoài.

Với những mẫu xe nhập khẩu hiện đại, ứng dụng nhiều công nghệ cao, về Việt Nam khi hỏng còn không thể sửa chữa thay thế được. Các mẫu xe này thường có cấu tạo phức tạp hơn những mẫu xe phổ thông, đòi hỏi thợ phải được đạo tạo bài bản, có kinh nghiệm mới có thể sửa chữa. Ngoài ra, các garage này thường không có thiết bị kiểm tra chính hãng nên rất khó để “chẩn đoán” đúng bệnh. Thậm chí, phụ tùng thay thế cũng không có đồ chính hãng, phải thay đồ trôi nổi sẽ ảnh hưởng đến chất lượng xe.

Tuy nhiên, không chỉ xe sang mới chịu tình cảnh như vậy. Ngay xe bình dân nhập khẩu không chính hãng cũng chịu nhiều vấn đề. Những chiếc xe nhập từ khu vực Bắc Mỹ, Tây Âu hay Trung Đông về Việt Nam thường cũng nhanh bị hỏng nhiều bộ phận, linh kiện do khí hậu, giao thông, xăng dầu không phù hợp. Hoặc, không loại trừ cả các mẫu xe nổi tiếng về độ bền như Toyota hay Honda,...

Khi gặp vấn đề, nếu đưa xe vào sửa chính hãng thì phải chấp nhận cái giá không hề dễ chịu chút nào. Chẳng hạn, một chiếc chìa khóa điện của xe Camry 2.5 nhập khẩu từ Trung Đông bị hỏng, mang ra đại lý Toyota Việt Nam sửa hết 2.000 USD.

Nguy cơ hạ cấp để giảm giá

Hầu hết mẫu xe nhập khẩu về Việt Nam theo con đường không chính thức thường được "hạ cấp" nhằm giá giảm xuống thấp, thuận lợi cho khai giá tính thuế với cơ quan Hải quan.

Trừ động cơ, hệ thống điều khiển, khung gầm, chế hòa khí là không thể can thiệp, còn lại tất cả đều có thể làm lại được
Trừ động cơ, hệ thống điều khiển, khung gầm, chế hòa khí là không thể can thiệp, còn lại tất cả đều có thể làm lại được

Nhiều xe nhập về chỉ có vành sắt đen, lốp chất lượng thấp, nội thất đen (không có các tấm ốp giả vân gỗ). Các thiết bị khác như hệ thống trung hòa khí xả (nhằm đảm bảo cho khí xả đạt tiêu chuẩn EURO 4 trở lên),... cũng bị loại bỏ.

Sau khi đã thông quan, tính thuế xong xe mới được "nâng cấp" trở lại. Vành sắt đen sẽ được thay bằng vành đúc hợp kim, ghế bọc nỉ sẽ được dỡ bỏ để thay bằng da, các tấm ốp giả vân gỗ cũng được mua trên thị trường và ốp vào các vị trí trong nội thất theo thiết kế của xe,...

Trừ động cơ, hệ thống điều khiển, khung gầm, chế hòa khí là không thể can thiệp, còn lại tất cả đều có thể làm lại được. Thường thường các DN nhập khẩu sẽ nhập những mẫu xe cao hơn bản tiêu chuẩn một chút, tức là có thêm các cổng chờ để lắp một số thiết bị đi kèm, sau đó sẽ mua từ Đài Loan, Hồng Kông, thậm chí là Trung Quốc, về lắp vào để tạo ra các phiên bản giống như thiết kế của nhà sản xuất.

Nếu nhập đúng các phiên bản như thiết kế của nhà sản xuất thì về Việt Nam giá sẽ rất cao và khó bán, chính vì vậy, các DN không làm theo kiểu này trừ phi có khách đặt hàng. Theo tính toán của một DN nhập khẩu, cứ mỗi 1.000 USD giảm được trước thuế sẽ làm giảm khoảng hơn 2.000 USD giá thành xe sau thuế.

Tuy nhiên, bên cạnh việc thay thế các trang thiết bị thì nhiều thiết bị linh kiện còn bị đổi sang sản phẩm tương tự mua trong nước nhưng giá rẻ hơn.

Chẳng hạn, một tấm kính trước nguyên bản của xe Toyota Prado hiện có giá bán trên thị trường là 1.700 USD, nhưng cũng loại kính tương tự bán trôi nổi trên thị trường giá chỉ 17 triệu đồng. Dàn âm thanh chuẩn theo xe cũng rất dễ bị thay bằng loại tương tự có giá rẻ hơn.

Số tiền chênh lệch khi mua xe không chính hãng so với chính hãng có thể từ vài chục, vài trăm triệu, thậm chí lên đến cả tỷ đồng nếu là xe sang. Tuy nhiên, về dài hạn, những xe không chính hãng có nguy cơ tiêu tốn các khoản chi phí lớn về dịch vụ sửa chữa, mua phụ tùng thay thế,... tính ra chưa chắc đã rẻ so với chính hãng.

Theo Trần Thủy

VietnamNet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên