Mùa vàng du lịch hè: Tăng nhiệt nhưng chưa bùng nổ
Việt Nam đang trong mùa thấp điểm của du lịch quốc tế. Ngược lại, du lịch nội địa vừa bước vào cao điểm hè. Mùa hè năm 2023 được kỳ vọng là cơ hội vàng để đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch trong nước. Các doanh nghiệp chủ động xây nhiều gói dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của du khách.
- 31-05-2023HSBC: Việt Nam có thể sẽ chứng kiến một cú hích mạnh hơn từ du lịch quốc tế
- 29-05-2023Nhu cầu du lịch Việt Nam của thị trường đông dân nhất thế giới tăng phi mã
- 29-05-2023Đề xuất miễn visa 30 ngày cho du khách đi bằng chuyên cơ hoặc du lịch golf
Tín hiệu vui nhưng chưa bùng nổ
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 4,6 triệu lượt, vượt 57% mục tiêu đề ra. Hàn Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất trong 5 tháng đầu năm, với 1,3 triệu lượt khách. Trung Quốc vươn lên ở vị trí thứ 2, đạt gần 400 nghìn lượt khách, với tốc độ tăng trưởng được dự báo khả quan.
Lãnh đạo Tổng cục Du lịch phân tích, Việt Nam đang trong mùa thấp điểm của du lịch quốc tế nên dễ hiểu khi tổng lượng khách quốc tế giảm so với tháng trước. Tuy nhiên, đáng chú ý, thị trường Trung Quốc tiếp tục có sự phục hồi tích cực, tạo cơ sở cho khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn nữa trong những tháng cuối năm. Tổng số khách nội địa trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 50 triệu lượt. Lượng khách trong nước đang tăng do bước vào mùa cao điểm du lịch nội địa.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tháng 5 có chuỗi ngày nghỉ lễ kéo dài nên nhu cầu tiêu dùng, ăn uống, vui chơi giải trí của người dân tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tính tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 519 nghìn tỷ đồng. Doanh thu du lịch lữ hành tăng 89,4% so với cùng kỳ năm trước nhờ có nhiều ngày nghỉ lễ.
Cẩn trọng với du lịch trọn gói
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng Giám đốc AZA Travel khẳng định, mỗi dịp nghỉ lễ, nghỉ hè, nhiều người vẫn tìm kiếm thông tin các gói dịch vụ du lịch, vé máy bay giá rẻ hay “săn giảm giá” trên mạng. Kẻ xấu lợi dụng tâm lý này để trục lợi, lừa đảo du khách. “Tua du lịch kiểu 0 đồng chính là hình thức dẫn khách đến điểm du lịch miễn phí, đồ ăn kém và bắt khách vào điểm mua sắm bắt buộc lừa mua hàng giả kém chất lượng. Khách không nên ham rẻ khi nhìn vào mức giảm giá vô lý (30-50%) vào dịp cao điểm du lịch. Trong quá trình giao dịch trên mạng, cần chụp lại màn hình trao đổi giao dịch, chụp lại ảnh người bán tua để làm bằng chứng tố cáo nếu chẳng may bị lừa đảo”, ông Đạt cảnh báo.
Ông Phùng Xuân Khánh, CEO Tiên Phong Travel nói rằng, dự kiến số lượng du khách quốc tế và nội địa trong thời gian tới sẽ tăng, tuy nhiên không nên kỳ vọng quá nhiều vào sự bùng nổ. “Mùa du lịch hè năm nay có thể không tăng nóng như trước. Mọi năm đến thời điểm đầu tháng 6, lượng đặt tua, khách sạn có thể bán đến tháng 7 với số khách rất đông. Tuy nhiên, theo khảo sát của tôi, nhiều doanh nghiệp hiện tại có sức bán yếu”, ông Phùng Xuân Khánh nêu.
Nền kinh tế gặp nhiều biến động ảnh hưởng lớn nhu cầu đi du lịch của người dân. Trong thời điểm lạm phát, lãi suất tăng, người dân không sẵn sàng chi tiêu cho du lịch. Ông Khánh nhận định, du khách Trung Quốc vẫn tạo nên thị trường truyền thống và chiếm thị phần khá lớn tại Việt Nam. Trung Quốc mở cửa du lịch trở lại với Việt Nam mang đến kỳ vọng lớn về doanh thu và lượng khách. “Thị trường khách Trung Quốc tập trung khá lớn ở Nha Trang, TP.HCM… Khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại vào tháng 3, phía Trung Quốc mở nhiều chuyến bay đến Nha Trang”, ông Phùng Xuân Khánh cho biết.
CEO Hà Nội Tourism Nhữ Thị Ngần cho rằng, nếu các chặng bay do các hãng hàng không Việt Nam khai thác có giá phải chăng hơn, khách Trung Quốc sẽ mạnh dạn chọn Việt Nam là điểm đến yêu thích dịp hè 2023. Hiện nay Thái Lan đang vượt lên rất nhanh nhờ chính sách và sản phẩm cạnh tranh để lôi kéo khách Trung Quốc. Giữa tháng 5, đất nước chùa vàng đã đón được 1 triệu khách Trung Quốc.
Tua xuất ngoại tăng
Mùa hè năm 2023 được kỳ vọng là cơ hội tốt để đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch trong nước. Tuy nhiên, các điểm đến nước ngoài vẫn được du khách cân nhắc nếu tính kỹ bài toán về chi phí.
Lãnh đạo Vietravel khẳng định, năm 2022 chứng kiến sự bùng nổ của du lịch trong nước, đặc biệt là du lịch các tuyến biển. Năm nay, nhiều thị trường mở cửa trở lại, giá tua phong phú, cạnh tranh hứa hẹn tăng nhiệt cho du lịch. “Năm 2022, du khách Việt chủ yếu chỉ đi tua trong nước, năm 2023 sẽ mở rộng trải nghiệm. Xu hướng du lịch nước ngoài được du khách ưu tiên lựa chọn nhiều hơn”, đại diện Vietravel nói. Lượng khách đặt tua tính đến hiện tại của Viettravel đạt 35% so với kế hoạch hè.
Nhiều hình thức du lịch được yêu thích trong những năm gần đây như: du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh… Các doanh nghiệp nắm bắt tâm lý du khách để tung ra nhiều chùm tua phù hợp với gia đình, nhóm bạn…
Phần lớn các doanh nghiệp lữ hành có quy mô lớn tập trung khai thác các sản phẩm nghỉ dưỡng hè phù hợp cho gia đình. Với thị trường gần, các điểm đến như Bali (Indonesia), Phuket (Thái Lan) được ưu tiên với đặc điểm biển đảo đẹp, văn hóa đặc sắc, phù hợp với nhu cầu nghỉ dưỡng và khám phá. Mức giá cho trải nghiệm nghỉ dưỡng ở khu nghỉ dưỡng 4-5 sao chỉ từ 10 triệu đồng /người. Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc có lợi thế khí hậu dễ chịu và nhiều điểm khám phá như vườn thú Safari, Disneyland, Lotte World… phù hợp với trẻ em.
Các vùng đất xa xôi hơn cũng hút khách không kém. Tuyến du lịch châu Âu đang vào mùa đẹp nhất, với nhiều trải nghiệm đáng thử như: mùa hoa lavender miền Nam nước Pháp, trải nghiệm đêm trắng ở Bắc Âu, khám phá những ngôi làng cổ ở Đông Âu…
Điểm nghỉ dưỡng trong nước luôn hút khách có thể kể đến Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Phú Quốc, Mũi Né, Phan Thiết. Phan Thiết đang là điểm du lịch hấp dẫn, bởi du khách di chuyển dễ dàng, thuận tiện bằng cao tốc mới TPHCM - Dầu Giây.
Tuy nhiên, để đạt kỳ vọng về doanh thu dịp hè 2023, các chuyên gia khuyên các doanh nghiệp cần khảo sát tính ổn định của các đường bay, từ đó đưa ra tính toán về lượng khách phù hợp. Giá vé máy bay tăng cao cũng là yếu tố tác động tới quyết định du lịch, sự lựa chọn của người dân.
Tiền phong