Mức khoán kinh phí xe công của Bộ Tài chính: Thận trọng và hợp lý
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng: Cơ chế để xác định mức khoán đã được Bộ Tài chính nghiên cứu và ban hành khá thận trọng và có cơ sở, căn cứ hợp lý.
- 23-09-2016Khoán xe công và cái uy trong mắt dân
- 22-09-2016Bộ Tài chính khoán xe công theo giá taxi
- 21-09-2016Bộ Tài chính "tiên phong" khoán xe công từ 1-10
Thưa ông, mới đây Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đưa đón cán bộ được hưởng tiêu chuẩn có xe công từ nơi ở đến nơi làm việc. Ông đánh giá như thế nào về động thái này?
Việc khoán xe công trước đây đã từng được đưa ra thí điểm nhưng với tinh thần tự nguyện, do đó không triển khai được và bế tắc. Lần này, Bộ Tài chính thực hiện với cơ chế bắt buộc dưới hình thức một Quyết định nên tính chất đã khác với thời gian trước.
Theo tôi, đây là một việc làm đúng đắn để cụ thể hóa một chủ trương hợp lý gắn với việc cải cách quản lý, sử dụng tài sản công mà ở đây là chế độ đối với những cán bộ được hưởng tiêu chuẩn có xe công đưa đón tại nhà theo quy định.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính – cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý chi tiêu công và tài sản công đã nêu gương đi đầu trong vấn đề thực hiện cơ chế này là một việc hết sức quan trọng. Đây sẽ là một tấm gương lớn, có tác động tích cực và hiệu quả hơn rất nhiều so với việc một Bộ nào khác triển khai.
Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, tôi nghĩ rằng, động thái này của Bộ Tài chính có thể ví như một bước đi nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, hướng đến việc thay đổi một cách cơ bản tư duy trong quản lý tài sản công cũng như chi tiêu công.
Như vậy, có thể được hiểu là quyết định của Bộ Tài chính không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc khoán một khoản kinh phí cụ thể mà còn có mục tiêu lớn hơn thế, thưa ông?
Như tôi vừa nói, việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô trước mắt nhằm tiết kiệm trong sử dụng tài sản công. Nhưng nhìn rộng hơn, quan trọng hơn là việc làm này nhằm thay đổi quan niệm cố hữu của chúng ta bấy lâu nay rằng cứ dịch vụ công, cụ thể ở đây là dịch vụ đưa đón tại nhà đối với cán bộ đủ tiêu chuẩn, là phải do Nhà nước cung cấp. Quyết định của Bộ Tài chính cho thấy, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng hình thức tài chính, tức là thay việc cung cấp dịch vụ công bằng một khoản chi tiêu công.
Điều đó sẽ tạo nên nền tảng để xây dựng hàng loạt các chính sách mở rộng huy động dịch vụ công từ những đối tượng khác trong xã hội bằng cơ chế tài chính. Như trường hợp cụ thể này, Bộ Tài chính đã đưa ra một cơ chế là: cơ quan đưa tiền cho những cán bộ đủ tiêu chuẩn để những cán bộ đó sử dụng các hình thức di chuyển khác, các dịch vụ khác để di chuyển từ nhà đến cơ quan thay vì phải bố trí xe công đưa đón. Như vậy, mở rộng hình thức cung cấp dịch vụ đưa đón cán bộ tại nhà.
Tính xa hơn nữa, hướng đi tiếp theo là không chỉ dừng lại ở dịch vụ đưa đón cán bộ tại nhà nữa mà có thể mở rộng ra áp dụng thêm với các dịch vụ công khác nữa với yêu cầu tiên quyết là tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước.
Dần dần, nếu việc thực hiện thành công tại Bộ Tài chính, có thể mở rộng áp dụng đối với tất cả đối tượng liên quan đến sử dụng xe công ở một mức độ nào đó, cũng có thể là tất cả các bộ, ngành, địa phương.
Ông nhận xét thế nào về mức khoán mà Bộ Tài chính đưa ra?
Cơ chế để xác định mức khoán đã được Bộ Tài chính nghiên cứu và ban hành khá thận trọng và có cơ sở, căn cứ hợp lý.
Thận trọng ở chỗ: chưa khoán kinh phí cho toàn bộ các đối tượng sử dụng xe công mà trước mắt chỉ áp dụng với những trường hợp có xe đưa đón từ nhà đến nơi làm việc.
Hợp lý ở chỗ: không thực hiện mức khoán đồng đều, tức là phát cho những cán bộ đủ tiêu chuẩn một khoản tiền nhất định rồi ai muốn làm gì thì làm mà đưa ra một công thức tính mang đậm hơi hướng của “tài chính” với những giá trị hết sức cụ thể như mức khoán dựa trên giá cước taxi, khoảng cách cụ thể từ nhà đến nơi làm việc của từng cán bộ đủ tiêu chuẩn...
Theo ông, để chính sách này được triển khai thành công, những việc tiếp theo cần phải làm là gì?
Trước tiên, sau một thời gian nhất định thực hiện Quyết định này, Bộ Tài chính nên đánh giá lại để làm sao hoàn thiện hơn căn cứ đưa ra mức khoán. Ví dụ như thử đánh giá xem việc đưa ra mức khoán bằng khoảng cách từ nhà đến cơ quan gắn với giá cước taxi liệu đã hợp lý chưa? Nếu chưa sát thì có phương án nào khác khả thi hơn không?...
Ngoài ra, từ việc triển khai cơ chế này, Bộ Tài chính cũng nên nghiên cứu kế hoạch, tham mưu với cấp trên để mở rộng áp dụng ra khỏi phạm vi của đơn vị mình cũng như giải pháp để mở rộng cách thức triển khai này cho các dịch vụ công khác.
Xin cảm ơn ông!
Ngày 16-9, Bộ trưởng Bộ Tài chính ký ban hành Quyết định số 1997/QĐ-BTC quy định chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc đối với một số chức danh thuộc Bộ.
Đối tượng áp dụng chế độ này là các chức danh Thứ trưởng Bộ Tài chính; lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (Tổng cục trưởng và tương đương) thuộc Bộ Tài chính.
Mức khoán kinh phí đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày được được xác định bằng đơn giá khoán (đồng/km) x số km khoán (km) x 2 lượt x số ngày làm việc của tháng.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ 1-10-2016. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Báo hải quan