Mức lương tối thiểu của Việt Nam đang ở vị trí nào trong khu vực ?
Để bù đắp sự gia tăng của chi phí sinh hoạt hàng ngày, mức lương tối thiểu của người lao động các nước ASEAN được ghi nhận là đã tăng lên trong thời gian qua. Tuy nhiên mức lương này vẫn còn khá thấp so với mặt bằng chung ở châu Á.
- 20-01-2020Vì sao Kakao Mobility vào Việt Nam kinh doanh dịch vụ gọi xe?
- 19-01-2020Mỹ "tránh vỏ dưa Nhật Bản, gặp vỏ dừa Trung Quốc" - liệu điều tương tự có lặp lại ở Việt Nam?
Việc tăng lương tối thiểu là hoàn toàn phù hợp với mục tiêu thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước, nhất là trong hoàn cảnh chi phí sinh hoạt ngày một gia tăng. Ngoài ra, tăng lương tối thiểu cũng là một trong những động thái nhằm kiềm chế lạm phát của chính phủ.
Dù vậy, mức lương tối thiểu ở phần lớn các nước ASEAN vẫn thấp hơn đáng kể so với các nền kinh tế phát triển ở châu Á và trên thế giới.
Indonesia
Thị trường lao động Indonesia có sự khác biệt đáng kể về mức tăng lương tối thiểu giữa các địa phương. Mức lương hàng tháng được công bố bởi hội đồng ở các tỉnh khác nhau.
Vào tháng 10 năm ngoái, Bộ trưởng Bộ lao động nước này đã ban hành thông tư ủy quyền cho chính quyền các địa phương tăng lương tối thiểu lên 8,51% cho năm 2020.
Jakarta tiếp tục là địa phương dẫn đầu về mức lương tối thiểu với mức 4.200.000 rupiah (khoảng 298 USD). Trong khi đó thấp nhất là tỉnh Trung Java với mức 1.742 rupiah (khoảng 123 USD).
Mặc dù lương tối thiểu tăng hàng năm, năng suất lao động tại Indonesia vẫn ở mức khá thấp.
Malaysia
Trong lần công bố ngân sách năm 2020, chính phủ Malaysia dự kiến sẽ tăng mức lương tối thiểu ở 57 thành phố lớn từ 1.100 ringgit (khoảng 270 USD) lên 1.200 (khoảng 295 USD). Tuy nhiên, mức lương tối thiểu ở các vùng nông thôn vẫn sẽ ở mức 1.100 ringgit.
Campuchia
Ở Campuchia, việc tăng lương tối thiểu chủ yếu để đảm bảo quyền lợi cho công nhân ngành dệt may và giày dép. Mức lương tại đây đã tăng đến con số 190 USD vào năm 2020, từ mức 182 USD năm 2019.
Mặc dù tăng đáng kể, mức lương mới sẽ không ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh của ngành dệt may bởi chính phủ tiếp tục hoãn thuế và loại bỏ phí quản lý xuất khẩu.
Mức lương mới sẽ có tác động đến hơn 800.000 công nhân ngành dệt may, vốn là lực lượng lao động lớn nhất nước này khi đóng góp hơn 10 tỷ USD cho nền kinh tế.
Lào
Lào vẫn chưa thực hiện tăng lương tối thiểu từ năm 2018. Trước đó, mức lương tối thiểu cho tất cả doanh nghiệp và xí nghiệp tại nước này được tăng lên mức 124 USD mỗi tháng.
Myanmar
Mức lương tối thiểu ngày ở Myanmar được sửa đổi hai năm một lần. Hiện tại mức lương này đang ở mức 3,29 USD cho 8 giờ làm việc mỗi ngày. Sau khi tiến hành xem xét lại chi phí sinh hoạt và y tế tại nước này, công đoàn Myanmar đề xuất tăng mức lương mới trong năm 2020 lên 4,88 USD/ngày (khoảng 126 USD).
Philippines
Philippines có mức lương tối thiểu ngày khác nhau tùy theo từng vùng, từ 5,7 USD đến 10,61 USD/ngày. Đây cũng là một trong các quốc gia có mức lương cao nhất trong ASEAN, bên cạnh Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.
Thái Lan
Chính phủ Thái Lan mới công bố tăng lương tối thiểu từ 10 USD lên 11 USD/ngày, bắt đầu từ đầu năm 2020.
Đây là lần tăng lương thứ hai trong vòng bảy năm tại quốc gia này. Trong đó có 9 địa phương có mức tăng 6 baht (khoảng 0,2 USD), trong khi phần còn lại chỉ tăng 5 baht (khoảng 0,16 USD).
Việt Nam
Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thời gian qua, Việt Nam cũng đã cân nhắc việc tăng lương cho người lao động nhằm kiểm soát lạm phát.
Mức lương tối thiểu tháng đã tăng lên mức 5,7% từ tháng 1 năm 2020, cao hơn mức 5,3% năm 2019. Với mức tăng mới, lương tối thiểu tại vùng I (gồm Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh) sẽ tăng lên mức 4.420.000 VND (khoảng 190 USD). Trong khi đó vùng IV thấp nhất cũng tăng từ 2.920.000 lên 3.070.000 VND (khoảng 132 USD).
Thêm nữa, người lao động đã qua đào tạo nghề sẽ được trả lương ít nhất 7% cao hơn so với mức lương tối thiểu hiện hành.