MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mục tiêu 80% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng đang đến rất gần

10-11-2023 - 13:30 PM | Tài chính - ngân hàng

Mục tiêu 80% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng đang đến rất gần

Nhìn vào tốc độ phát triển tệp khách hàng của các nhà băng trong thời gian qua, mục tiêu 80% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản giao dịch ngân hàng được kỳ vọng sẽ đạt được trước thời hạn 2025.

Tệp khách hàng nhà băng liên tục mở rộng

Thúc đẩy chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đang là một trong những nhiệm vụ quan trọng của kinh tế số. Theo Chiến lược được Chính phủ phê duyệt, Việt Nam đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính; ít nhất 25%-30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng.

Theo quyết định này, mọi người dân và doanh nghiệp phải được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững. Trong đó, chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ.

Nhìn vào tốc độ phát triển trong thời gian qua, mục tiêu 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch ngân hàng được kỳ vọng sẽ đạt được trước thời hạn. Theo cập nhật của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 5/2023, đã có gần 75% người trưởng thành tại Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng. Tỷ lệ này đã được cải thiện nhanh chóng so với mức 66% được công bố vào giữa năm 2022, tức tăng thêm gần 10% chỉ sau 1 năm.

Như tại HDBank, việc thúc đẩy số hóa trong các hoạt động kinh doanh đã làm nên sự hấp dẫn của thương hiệu HDBank đối với khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Kết thúc 09 tháng đầu năm 2023, số lượng khách hàng có phát sinh giao dịch trên nền tảng số tăng 85% so với cùng kỳ. Số lượng giao dịch qua kênh số tăng 87% so với cùng kỳ. Tỷ lệ giao dịch của khách hàng cá nhân trên kênh số tăng từ mức 69% cùng kỳ năm trước lên 90%.

Techcombank cũng cho biết thu hút được lượng lớn khách hàng trong năm nay, tại thời điểm cuối quý 3 đã lên đến gần 13 triệu, thêm khoảng 2,2 triệu khách hàng mới trong 9 tháng đầu năm nay, nhiều gấp 3 lần so với số khách hàng mới thu hút được trong 9 tháng đầu năm 2022, trong đó 44,4% gia nhập qua các kênh kỹ thuật số và 42,9% thông qua các đối tác trong hệ sinh thái.

Hay tại TPBank, nhà băng này tự hào công bố đến cuối tháng 9/2023 đã có khoảng 10 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ, tăng thêm hơn 1,5 triệu khách hàng mới so với thời điểm cuối năm 2022.

Xu hướng ngân hàng số hoàn năng

Một trong những cú hích lớn giúp lượng người dùng ngân hàng tăng nhanh trong thời gian qua là nhờ dịch vụ định danh trực tuyến (eKYC) được triển khai từ năm 2020 giúp khách hàng có thể mở tài khoản, mở thẻ ngân hàng một cách nhanh chóng mà không cần trực tiếp đến quầy giao dịch. Những nhà băng tiên phong ứng dụng eKYC có thể kể đến như TPBank, HDBank, VPBank, Techcombank,…

Bên cạnh đó, xu hướng phát triển ngân hàng số toàn năng cũng giúp cả số lượng khách hàng, khối lượng và giá trị giao dịch trên kênh số tăng trưởng chóng mặt. Theo định nghĩa của HDBank, ngân hàng xây dựng ngân hàng số hạnh phúc theo tinh thần “All in App”, đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng chỉ trên một ứng dụng duy nhất. Nếu trước đây người dùng phải thực hiện khá nhiều bước để thực hiện các giao dịch thường nhật như nạp tiền điện thoại, thanh toán các hóa đơn, mở sổ tiết kiệm online, mua bảo hiểm,… thì giờ đây, chỉ cần 1 chạm vào màn hình, người dùng đã hoàn thành mọi giao dịch. Hiện nay, ngân hàng số HDBank đã cung cấp dịch vụ với hơn 100 tính năng và kết nối hơn 200 nhà cung cấp dịch vụ. HDBank cho biết sẽ cải thiện hơn nữa để số hóa hành trình khách hàng, có thêm nhiều tính năng phục vụ trực tiếp nhu cầu của khách hàng từ offline sang online trên nền tảng App HDBank như tiền gửi, cho vay tiền gửi, quỹ nhóm chung, ngân hàng xanh, các tính năng thanh toán 1 chạm, kích hoạt thẻ hay rút tiền online không cần đến thẻ hay các bước vật lý, ứng dụng dành riêng cho nông dân, giúp họ tiến gần hơn nữa với phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại…

Còn theo Techcombank, ngân hàng đặt mục tiêu trở thành “ngân hàng giao dịch chính” của khách hàng. Bên cạnh các nhu cầu cơ bản như chuyển khoản, thanh toán, gửi tiết kiệm,…Techcombank đang tăng các tiện ích khác cho khách hàng, giải quyết nhu cầu đầu tư, quản lý tài chính trên ứng dụng hiện đại. Ngân hàng cũng cho rằng không có giới hạn trong việc đầu tư công nghệ cho chuyển đổi số.

Tại VPBank, ngân hàng chú trọng nền tảng ngân hàng số tích hợp hệ sinh thái rộng mở để người dùng có thể giao dịch, đầu tư, mua sắm, giải trí ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào. Người dùng chỉ thực hiện trên một nền tảng duy nhất mà không cần cài đặt nhiều ứng dụng khác nhau, đồng thời các bước thao tác cũng ngày một rút ngắn, đơn giản và dễ sử dụng. VPBank đã tạo ra một nền tảng rộng lớn từ đầu tư tài chính đến thương mại điện tử, cung cấp một trải nghiệm người dùng liền mạch ở mọi điểm tiếp xúc, vượt xa quy mô của một sản phẩm ngân hàng số thuần chức năng thanh toán thông thường.

Lan Anh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên