MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Muốn có được biển xe đẹp, số điện thoại phải mua qua đấu giá

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, cần có văn bản hướng dẫn các địa phương liên quan đến việc đấu giá biển xe, số điện thoại đẹp thu vào ngân sách nhà nước, mục đích cũng nhằm ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực và tạo cơ chế xin cho.

Liên quan đến thông tin Bộ Tài chính dự kiến đấu giá biển số xe đẹp bổ sung ngân sách nhà nước, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho biết, Hải Phòng và sau đó là Nghệ An đã từng thí điểm đấu giá biển số xe, thu vào ngân sách nhà nước tuy nhiên sau đó việc thí điểm này bị dừng lại vì chưa có hành lang pháp luật để thực hiện.

Ông Đức cho rằng biển số đẹp, số điện thoại đẹp là dạng tài sản có thể mua bán, chuyển nhượng, đấu giá được có điều trên thực tế, chúng ta chưa giao ai làm, không thống nhất quan điểm và triển khai cụ thể.

“Đến thời điểm này bàn về việc đấu giá biển số đẹp, số điện thoại đẹp bổ sung ngân sách đã muộn, do đó thời gian tới đây cần làm và làm hợp pháp, hợp lệ. Cần có văn bản hướng dẫn các địa phương không thể làm nếu không có quy định thống nhất và nếu như với pháp lý hiện nay giá chưa được cao, chưa bảo vệ tốt nhất cho người trúng giá”, ông Đức bổ sung thêm.

Ông Đức cũng cho biết, theo đề xuất ý kiến từ nhiều chuyên gia, nếu bài bản và bao quát chúng ta nên xây dựng một bộ luật riêng về các dạng tài nguyên như tên miền quốc gia, biển số, số điện thoại đẹp… nếu không có thể xây dựng thành nghị định quản lý một số loại tài nguyên số hoặc thấp hơn là ban hành thông tư của Bộ quản lý đối với 1 hoạt động riêng như biển số xe mục đích cuối cùng là chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực và tạo cơ chế xin cho, làm thất thoát tài sản.

“Tất cả những số đẹp cần được đấu giá và bán hết, nếu không bán được sẽ cho quay lại bốc thăm như hiện nay. Tất nhiên chúng ta chúng ta không nên đấu giá tất cả biển số bởi làm như thế sẽ gây rối, gây hoang mang cho phần đông người mua xe, bốc thăm biển số, làm đảo lộn các hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước và thị trường. Trước khi chọn số và trong quá trình thực hiện cần có hội đồng xác định và công khai hoạt động đấu giá”, ông Đức cho biết thêm.

Trước đó, góp ý về dựa án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho biết, qua tìm hiểu các văn bản pháp luật và thông tin hoạt động đấu giá số xe, số điện thoại, thông tin từ các tổ chức mua bán, sử dụng ô tô , xe máy, ước tính thu ngân sách trong vài chục năm tới từ giá trị tiềm năng của kho số xe, số điện thoại có thể lên tới cả triệu tỷ đồng.

Theo đó, nếu được triển khai trong giai đoạn 2018 – 2020 sau khi luật này có hiệu lực, Nhà nước có thể thu đến 100.000 tỷ đồng tùy vào việc mở kho số của các bộ ngành, hiệu quả thực hiện của các địa phương và sở thích của người dân trong từng thời kỳ.

Để dẫn chứng cho quan điểm của mình, ông Cảnh cho biết, năm 2008, Nghệ An đã thực hiện thí điểm đấu giá biển số tứ quý 9 thu được 700 triệu đồng; tương đương với xây 17 căn nhà cho người có công với Cách mạng.

Tháng 10 vừa qua, 1 số điện thoại 6 số 8 của Viettel đã đấu giá thu được 1,6 tỷ đồng tương đương với chi phí phẫu thuật cho 40 em nhỏ mắc bệnh tim bẩm sinh.

Cũng theo ông Cảnh, tăng trưởng của thị trường ô tô 2012-2016 là trên 30%, nếu dự tính trong năm 2017-2020 là 25% thì trong 3 năm 2018-2020 sẽ có thêm 1,8 triệu xe ô tô.

“Nếu tính biển số đẹp để đấu giá, cấp theo nhu cầu là 25 triệu đồng/biển số thì trong 3 năm 2018-2020, ngân sách có thêm 45.000 tỷ đồng. Ngoài ra, với số lượng xe máy 2,8 triệu chiếc năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 tăng trưởng 8% thì có thể thu thêm tiền từ đấu giá biển số xe máy còn nhiều hơn cả tiền thu được từ đấu giá biển xe ô tô”, ông Cảnh cho hay.

Theo Nguyễn Thảo

Bizlive

Trở lên trên